Sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng
Từ khi Đảng thành lập đến nay, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về giáo dục và đào tạo được ban hành và đi vào cuộc sống, trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn phát triển đất nước và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, Nghị quyết 29/NQ-TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta về giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, luôn là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước. Sau 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước đã và đang có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo.
Xác định rõ quan điểm về phát triển hệ thống giáo dục mầm non
Đến nay, bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước đã và đang có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo. Trong thời gian tới, để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần tập trung thực hiện một số vấn đề quan trọng.
Đối với giáo dục mầm non, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, cần xác định rõ quan điểm về phát triển hệ thống giáo dục mầm non 3-4 tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần xác định rõ quan điểm về phát triển hệ thống giáo dục mầm non 3-4 tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi
Trong điều kiện thực tiễn giáo dục mầm non của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc bảo đảm đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, giải pháp phù hợp nhất là: Tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng mạng lưới trường mầm non công lập; đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em; Cải thiện năng lực giáo viên mầm non, tăng lương và thu nhập cho giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa; bổ sung, hoàn thiện các chính sách theo hướng hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập; quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ độc lập; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ cho giáo viên các nhóm trẻ độc lập.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới
Đối với giáo dục phổ thông, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát toàn diện việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới; các các kiến nghị sau giám sát được nêu tại Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, lưu ý 3 vấn đề:
Thứ nhất, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên; chăm lo bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn để giáo viên đáp ứng các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; từng bước nâng cao chất lượng giáo viên.
Cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới; các các kiến nghị sau giám sát được nêu tại Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thứ hai, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tập trung đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm; phát triển trường học, phòng học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đầu tư phát triển hệ thống trường lớp tại nơi có đông dân cư; từng bước nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất hiện có.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá; đổi mới phương pháp dạy theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Cần tăng đầu tư cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tương xứng với các nước phát triển trên thế giới
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là trọng trách của lĩnh vực giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Đối với giáo dục đại học, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường đại học tại Việt Nam còn có khoảng cách khá xa so với các trường đại học top đầu thế giới. Do đó, giáo dục đại học cần được đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiến lược để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cần tăng đầu tư cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tương xứng với các nước phát triển trên thế giới
Một trong những nội dung quan trọng nhất là: Tạo đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng gắn với tăng quy mô phù hợp, có cơ cấu ngành nghề hợp lý; hoàn thiện thể chế về tự chủ đại học; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao làm giảng viên đại học; tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, giảng dạy cho một số trường đại học trọng điểm.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần xác định rõ nhóm ngành nghề cơ bản cần đào tạo; bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, nhất là kỹ năng, kiến thức nền tảng để tham gia thị trường lao động.
Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề hiệu quả; có chính sách thu hút người có trình độ tay nghề cao tham gia giảng dạy; có chính sách để đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở dạy nghề.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, một cách tổng thể, cần có lộ trình tăng đầu tư cho giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tương xứng với các nước phát triển trên thế giới.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo phát triển nhanh
Ngoài 4 lĩnh vực trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong tổng thể phát triển giáo dục và đạo tạo, cần quan tâm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo phát triển nhanh hơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, yêu cầu về cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ đang đặt ra các yêu cầu mới cho giáo dục, đào tạo, cần phải có chủ trương, quan điểm và giải pháp cho vấn đề này. Đồng thời, iếp tục khẳng định "giáo dục là quốc sách hàng đầu", cần đặc biệt nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho giáo dục và hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dù điều kiện đất nước còn khó khăn như thế nào đi chăng nữa, vẫn phải ưu tiên tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước.
Song song với việc tăng cường đầu tư của nhà nước, cần nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp để đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục.
Cần bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục
Với bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần phải tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
“ Giáo dục có ảnh hưởng quan trọng đến mục tiêu công bằng và hiệu quả trong sự phát triển kinh tế và xã hội; công bằng trong giáo dục là yêu cầu cần thiết, là bản chất của hiện đại hóa giáo dục. Một trong những yêu cầu lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục. Do vậy, dần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, chính sách cho giáo viên đối với các khu vực, địa bàn còn khó khăn; chính sách học phí, tín dụng cho các đối tượng học sinh, sinh viên nghèo”, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm.
Chú trọng xây dựng văn hóa học đường
Đặc biệt, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra một trong các mục tiêu lớn của giáo dục và đào tạo là phát triển con người Việt Nam toàn diện, chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, đây là nội dung lớn, đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, nội dung này đã có tiến triển tích cực, nhưng còn nhiều vấn đề phải xem xét. Do đó, cần đặc biệt chú trọng tới nhóm giải pháp về xây dựng văn hóa học đường, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng thành công văn hóa học đường là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện, xử lý nhiều vấn đề bức xúc trong trường học như bạo lực học đường...
Cần đặc biệt chú trọng tới nhóm giải pháp về xây dựng văn hóa học đường, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Trong các giải pháp xây dựng văn hóa học đường, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cần lưu ý tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; chú trọng xây dựng môi trường học đường lành mạnh, con người chuẩn mực; kiên trì xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học; có giải pháp hiệu quả để xây dựng giá trị trung thực trong giáo dục, chống bệnh thành tích.
Thêm vào đó, cần bảo đảm sự nhất quán, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cần phải là một hệ thống nhất quán, có sự bổ trợ, hỗ trợ cho nhau.
Cần ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và 5 năm thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước đã và đang có nhiều thay đổi; dự báo tình hình trong 10 năm tới cũng có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định tầm nhìn phát triển đất nước tới 2045, đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống các quan điểm, giải pháp về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cần được bổ sung làm rõ và sâu sắc hơn. Quan điểm lớn về phát triển giáo dục mầm non cũng cần được làm rõ.
Do Nghị quyết 29-NQ/TW có nhiều nội dung cần tiếp tục thực hiện, nhưng đồng thời có nhiều nội dung mới, quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là cần ban hành Nghị quyết mới, tên nghị quyết có thể là Nghị quyết về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới./.