GÓC NHÌN: ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ CÁC CƠ QUAN THUỘC ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

14/12/2023

Đổi mới tổ chức và hoạt động của UBTVQH phải gắn liền với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; phát huy dân chủ, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về đổi mới tổ chức và hoạt động của UBTVQH và các cơ quan thuộc UBTVQH.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT NĂM 2024 TỪ KINH NGHIỆM THỰC TẾ TẠI ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH

GÓC NHÌN: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XEM XÉT BÁO CÁO, GIẢI TRÌNH

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phải trên cơ sở đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội (không thể tách bạch riêng rẽ UBTVQH để đổi mới mà trái lại phải gắn bó chặt chẽ, hữu cơ trong một tiến trình). Xin được trình bày một số điểm chính:

Đường lối chiến lược tổ chức và hoạt động của Quốc hội đến năm 2030 có thể tóm tắt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như sau: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; phát huy dân chủ, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Xây dựng và hoàn thiện được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và ổn định; nâng tầm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, bảo đảm giám sát là cơ sở quan trọng nhất đối với việc kiểm soát quyền lực của hành pháp và tư pháp; và quyết định chính xác nhất những vấn đề trọng đại của quốc gia. Để đạt được những yêu cầu lớn lao đó, Quốc hội phải tập trung vào một số nội dung quan trọng sau đây:

Tổ chức bộ máy vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Bộ máy có cấu trúc hợp lý, dễ vận hành và có đủ sức mạnh thì mới bảo đảm nâng tầm chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Đặc điểm tổ chức bộ máy của cơ quan Quốc hội:

Quốc hội thuộc nhánh quyền lực lập pháp có tổ chức bộ máy khác xa với hai nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp. Trong khi nhánh quyền lực hành pháp có cơ cấu tổ chức mang tính chất “chuyên môn hóa cao”, ngoài cơ quan Chính phủ ra còn có nhiều cơ quan khác (bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ) có tính độc lập tương đối (có trụ sở riêng, có Nghị định hoạt động riêng...) theo từng lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực, và có hệ thống dọc từ trung ương xuống tới địa phương; thì lập pháp chỉ có một cơ quan duy nhất, đó là Quốc hội, không có hệ thống dọc, nhưng phạm vi hoạt động là toàn bộ hoạt động của một xã hội.

Do phạm vi hoạt động của Quốc hội là toàn bộ hoạt động của một xã hội nên trong cấu trúc tổ chức bộ máy của Quốc hội được tổ chức theo dạng “cơ quan trong cơ quan”, nghĩa là có nhiều cơ quan trong một cơ quan - Quốc hội. Các cơ quan trong Quốc hội dù nhân lực ít (trên dưới 40 thành viên) nhưng tương đương các bộ, cơ quan ngang bộ bên hành pháp. Các cơ quan này được phân công hoạt động ở những lĩnh vực nhất định.

Các cơ quan chuyên môn của Quốc hội khóa XV.

Nhân sự (cán bộ, công chức, người lao động) thuộc các bộ, ngành bên hành pháp thường ổn định lâu dài như một dòng chảy của thời gian, trừ người đứng đầu có thể thay đổi theo nhiệm kỳ; thì nhân sự của Quốc hội (đại biểu Quốc hội) cứ 5 năm thay đổi một lần, kể cả người đứng đầu. Trong đó có người làm việc với toàn bộ thời gian cho Quốc hội, nhưng cũng có người chỉ làm việc khoảng một phần ba thời gian (2/3 thời gian còn lại có thể làm việc ở cơ quan hành pháp, tư pháp hoặc ở các cơ quan chính trị, các đoàn thể nhân dân, ở doanh nghiệp, hợp tác xã...).

Từ các đặc điểm trên, bộ máy làm việc của Quốc hội, cũng cứ 5 năm được tổ chức lại một lần và làm việc theo cơ chế mà Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định, đó là,“Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số” (Khoản 1, Điều 3 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Quốc hội các khóa từ khóa XVI trở đi phải được tổ chức và kiện toàn theo hướng chặt chẽ, đủ khả năng, đủ năng lực kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các hoạt động nhằm nâng chất lượng lên những tầm cao mới.

Hiện trạng và hướng đổi mới tổ chức bộ máy của Quốc hội:

Có thể nói, Quốc hội là cơ quan tiên phong trong việc tổ chức bộ máy tinh gọn theo phương châm, bộ máy giản lược, nhân lực tối thiểu, hiệu quả công việc tối đa. Theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội có các chức danh: Thành viên UBTVQH; Chủ tịch Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Trong bộ máy nhà nước, các chức danh này được khẳng định và có thang lương và mức lương khác nhau. Vị thế của Ủy viên ỦBTVQH cao hơn Chủ tịch HĐDT và Chủ nhiệm các Ủy ban. Tuy nhiên từ Quốc hội khóa IX đến nay, các thành viên UBTVQH kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Từ khóa XI đến nay, Ủy viên UBTVQH kiêm luôn Trưởng ban Công tác đại biểu và Trưởng ban Dân nguyện. Như hiện nay là đã giảm bớt được 12 nhân sự cấp cao, chất lượng cao (tương đương Bộ trưởng).

Trên thế giới có 3 mô hình tổ chức số lượng các cơ quan của Quốc hội (Nghị viện). Khá nhiều Nghị viện các nước có số Ủy ban thường trực tương đương với số bộ của Chính phủ; một số Nghị viện có số Ủy ban thường trực nhiều hơn số bộ; và Nghị viện một số nước có số Ủy ban thường trực ít hơn số bộ của Chính phủ. Lẽ đương nhiên hai mô hình tương đương và nhiều hơn có ưu thế hơn, nhất là trong hoạt động giám sát. Ở nước ta, qua các khóa, Quốc hội được tổ chức theo mô hình thứ ba, số Ủy ban thường trực của Quốc hội chỉ bằng trên dưới 30% số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ (chưa tính các cơ quan thuộc Chính phủ). Khóa XIV và XV trong Quốc hội có 10 cơ quan thường trực, nhiều nhất so với nhiều khóa trước đây, nhưng cũng chỉ bằng 45% số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Tuy nhiên, do chất lượng bộ máy, chất lượng nhân lực được nâng lên, do điều hành, phối hợp chặt chẽ và nhiều yếu tố đổi mới khác mà kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV và XV có hiệu quả cao.

Có thể nói bộ máy và hoạt động của Quốc hội đã luôn luôn được chú ý tổ chức hợp lý, gọn nhẹ và hiệu quả. Nhưng tất nhiên, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phải xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước và theo yêu cầu của thực tiễn thì còn phải đổi mới hơn nữa. Do sử dụng mô hình thứ ba (nói trên) nên 10 cơ quan của Quốc hội đối ứng với 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ thì phạm vi hoạt động của mỗi cơ quan Quốc hội rất rộng, rất khó có thể bao quát hết, nhất là trong hoạt động giám sát. Và cứ 5 năm thay đổi nhân sự “toàn diện” một lần nên tổ chức bộ máy công tác có khó khăn, nhất là sự kế thừa thành quả hoạt động của các nhiệm kỳ trước... Từ đó, trong nhiều giải pháp thì trước hết rất cần thiết phải xem xét kiện toàn, tăng cường bộ máy của Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo.

Như đã biết, Nghị viện/ Quốc hội các nước trên thế giới đang tồn tại 3 mô hình về số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đó là số cơ quan chuyên môn của Quốc hội nhiều hơn, ngang bằng và ít hơn so với các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ/Nội các. Số cơ quan chuyên môn của Quốc hội nước ta hiện nay là 10 so với 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ (bằng khoảng 45%). Trong khi nhiều Ủy ban đang quá tải công việc như Ủy ban xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban kinh tế... Chắc chắn Quốc hội nước ta vẫn theo mô hình ít hơn, nhưng dù là ít hơn cũng không thể quá ít, sẽ rất khó khăn trong bao quát công việc, nâng tầm chất lường hoạt động, nhất là hoạt động giám sát - công cụ của kiểm soát quyền lực.

Có vấn đề cần đặc biệt lưu ý là: ở lĩnh vực hành pháp và tư pháp nếu tổ chức thêm cơ quan mới là lập tức làm tăng biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp công. Nhưng ở Quốc hội (lập pháp) dù có tăng bao nhiêu cơ quan mới cũng chỉ trong tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu (không phải đại biểu thì không thể tham gia Hội đồng, Ủy ban được), do đó không làm tăng biên chế nhà nước. Có thể chỉ tăng một vài đơn vị phục vụ thuộc Văn phòng Quốc hội, san sẻ biên chế từ các đơn vị đã có sang. Vấn đề là cách thức tổ chức bộ máy để làm việc cho có hiệu quả, khắc phục tình trạng quá tải. Do đặc thù này, Quốc hội dù có tăng thêm bao nhiêu cơ quan chuyên môn cũng chỉ là tổ chức lại công việc của các đại biểu theo hướng phân công chuyên sâu, bố trí sử dụng tất cả đại biểu tham gia hoạt động, vận hành hết “công suất” làm việc của đại biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Tiểu ban số 2 xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 Việc tổ chức thêm Ủy ban thường trực của Quốc hội phụ thuộc chủ yếu vào  hai yếu tố sau:

Một là, yêu cầu mức độ hoạt động chuyên sâu của Quốc hội (hiện nay do phạm vi hoạt động quá rộng nên Hội đồng, Ủy ban đều lựa chọn ưu tiên những vấn đề lớn, cấp bách xử lý trước - đuổi theo yêu cầu, các vấn đề khác tùy thời gian, tùy yêu cầu sẽ xem xét sau, nghĩa là việc nhiều, làm không hết - quá tải). Với tình hình đó, chắc chắn yêu cầu hoạt động chuyên sâu, bao quát hết công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội là yêu câu thực tiễn, cấp thiết. Vì thế việc tổ chức thêm các cơ quan thường trực của Quốc hội là yêu cầu tất yếu, khách quan.

Hai là, với mức độ nhất định số lượng Ủy ban phụ thuộc vào số lượng đại biểu (số lượng đại biểu quá ít thì số lượng Ủy ban cũng khó có thể tổ chức nhiều hơn, ngược lại nếu số lượng đại biểu nhiều mà quá ít số Ủy ban thì cũng rất khó tận dụng được khả năng, năng lực của đại biểu). Tuy nhiên, số lượng đại biểu của mỗi khóa lại phụ thuộc vào mức độ đại diện của đại biểu. Khóa XV ở thời điểm bầu cử tháng 5-2021, một đại biểu đại diện cho hơn 20 vạn dân. Với số dân bình quân mỗi năm tăng thêm 1,1 triệu người thì vào năm 2031, Việt Nam có số dân khoảng 106 triệu người, năm 2044 vào khoảng 120 triệu người. Từ khóa Quốc hội XVI trở đi nếu không thay đổi mức độ đại diện của đại biểu thì số đại biểu Quốc hội có thể đến 550 và nhiều hơn nữa.

Tích hợp các yếu tố yêu cầu hoạt động chuyên sâu và dự kiến tăng số lượng đại biểu, có thể dự báo Quốc hội khóa XVI (2026 - 2031) cần có 12 cơ quan chuyên môn (Hội đồng, Ủy ban), đến khóa XIX (2041 - 2046) là 15 cơ quan và có thể định hình tại đây.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

A. Đối với UBTVQH:

UBTVQH là một thiết chế do Hiến pháp quy định. Hiến pháp năm 2013 có 2 điều quy định về UBTVQH. Điều 73 quy định về vị trí (vai trò), cấu trúc nhân sự và Điều 74 nói về nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH.

1. Kiện toàn tổ chức bộ máy của UBTVQH: Việc kiện toàn phải trên cơ sở quy định của Hiến pháp (không thể thoát ly Hiến pháp).

Điều 73 Hiến pháp 2013 quy định

1. UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội.

2. UBTVQH gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên.

3. Số thành viên UBTVQH do Quốc hội quyết định. Thành viên UBTVQH không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.

4. UBTVQH của mỗi khóa Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra UBTVQH.

Theo quy định của Điều này thì Quốc hội chỉ có quyền quyết định số lượng thành viên của UBTVQH và bầu ra các thành viên cụ thể. Như đã biết, số lượng thành viên UBTVQH lại phụ thuộc số lượng Phó Chủ tịch Quốc hội, số lượng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan phục vụ Quốc hội và số lượng các cơ quan của UBTVQH có yêu câu bố trí nhân sự là Ủy viên UBTVQH.

Điểm  lại cho thấy, thành viên là lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, người đứng đầu các cơ quan của UBTVQH hầu như đã “mặc định” về số lượng. Muốn tăng thêm số lượng Ủy viên UBTVQH chỉ còn con đường tăng thêm cơ quan thường trực (cơ quan chuyên môn của Quốc hội), rất may là yêu cầu này như đã trình bày là cần thiết, cấp bách (để làm hết công việc, nhất là hoạt động giám sát và để từng bước chuyên môn hóa công việc theo từng lĩnh vực). Bởi vậy các khóa tới có thể thành lập thêm ít nhất 2 cơ quan, nghĩa là UBTVQH có thể có 20 thành viên. Cũng có thể xem xét thêm chức danh Viện trưởng (vì 3 cơ quan của UBTVQH thì 2 cơ quan có người đứng đầu là Ủy viên UBTVQH). Dự báo đến khóa XIX có thể có 15 cơ quan thường trực (cơ quan chuyên môn nghiệp vụ), tức là UBTVQH sẽ có 23 hoặc 24 thành viên. So với nhiều khóa trước đây thì về số lượng thành viên đó là hợp lý. Xin được mở ngoặc nói thêm: Từ khóa II đến khóa VI Quốc hội chỉ có 4 đến 6 cơ quan thường trực (cơ quan chuyên môn nghiệp vụ) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nhưng UBTVQH có tới 22 đến 26 thành viên, cụ thể là:

- Khóa II có 26 thành viên, trong đó có 5 thành viên dự khuyết.

- Khóa III có 26 thành viên, trong đó có 3 dự khuyết.

- Khóa IV có 26 thành viên, trong đó có 3 dự khuyết.

- Khóa V có 22 thành viên, trong đó 3 dự khuyết.

- Khóa VI có 22 thành viên, trong đó có 3 dự khuyết.

Khóa VII và khóa VIII tổ chức bộ máy nhà nước được tổ chức theo Hiến pháp năm 1980 - mô hình Hội đồng Nhà nước nên không so sánh được.

Từ khóa IX đến nay, tổ chức bộ máy nhà nước được tổ chức theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Các cơ quan của Quốc hội có từ 8 đến 10 cơ quan. Tất cả các thành viên UBTVQH đều hoạt động chuyên trách. Trước đây có thành viên UBTVQH dự khuyết vì những thành viên đó họ làm việc ở các cơ quan đảng, đoàn thể, tôn giáo..., khi nào họp UBTVQH thì họ mới đến họp; nay UBTVQH làm việc chuyên trách thường xuyên với bộ máy hoàn chỉnh thì không thể có thành viên dự khuyết... Lãnh đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban phần lớn là hoạt động chuyên trách, đến nay hầu như không còn lãnh đạo kiêm nhiệm nữa.

Nói tóm lại, việc kiện toàn, tăng cường tổ chức bộ máy UBTVQH các khóa tới là cần tăng thêm số lượng thành viên hợp lý, nâng tầm chất lượng thành viên theo yêu cầu chất lượng công việc với vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội.

2. Nâng cao chất lượng hoạt động của UBTVQH:

Theo Điều 74 của Hiến pháp năm 2013 thì UBTVQH có 13 nhiệm vụ, quyền hạn (Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020 cụ thể hóa thành 19 nhiệm vụ, quyền hạn). Theo nội dung các điều thì có thể phân chia ra làm hai loại nhiệm vụ, quyền hạn.

Loại thứ nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn mang tính chất thực thi theo quy trình, thủ tục đã được luật định như khoản 6 Điều 74 của Hiến pháp, đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong bộ máy nhà nước; hay khoản 11 Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại các nước... Những việc như thế này thì chỉ cần chú trọng công việc, đề cao tinh thần trách nhiệm là có thể hoàn tất.

Loại việc thứ hai là những nhiệm vụ quyền hạn đòi hỏi phương pháp tổ chức làm việc khoa học; đòi hỏi năng lực, trình độ, trí tuệ của tập thể của UBTVQH và từng thành viên phải xứng tầm mới có thể đổi mới, sáng tạo, ngày càng nâng tầm chất lượng hoạt động của UBTVQH lên được. Nghĩa là sức mạnh tập thể và năng lực từng thành viên là cực kỳ quan trọng. Đó là các nhiệm vụ hoạt động giám sát hay công tác đối ngoại (quy định tại khoản 3, khoản 7, khoản 11 Điều 74 của Hiến pháp 2013).

Toàn cảnh phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

a/ Tổ chức hoạt động của UBTVQH:

Khoản 4 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định, “UBTVQH làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số...”.

Điều 61 Luật này đã quy định, “UBTVQH họp thường kỳ mỗi tháng một phiên. Khi cần thiết, UBTVQH họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên UBTVQH”.

Như vây, phương thức làm việc, điều kiện tiến hành công việc đã được luật định, trong phạm vi một nhiệm kỳ mà luật pháp không thay đổi thì không thể làm khác. Vấn đề còn lại là chất lượng các cuộc làm việc “các sản phẩm”, các quyết đáp của UBTVQH như thế nào. Việc này phụ thuộc ít nhất vào 3 yếu tố: tổ chức và điều hành công việc của lãnh đạo; chất lượng (năng lực, trình độ mọi mặt) của các thành viên UBTVQH và Chất lượng phục vụ nội dung của cơ quan phục vụ.

Khóa đương nhiệm thì việc tổ chức làm việc và điều hành công việc là khá tốt, khá chuẩn mực. Phục vụ của các cơ quan, chủ yếu là Văn phòng Quốc hội cũng khá tốt (chỉ có vấn đề thời gian gửi tài liệu thường sát ngày họp, lỗi này chủ yếu không do Văn phòng, đây là một chuyên đề dài sẽ bàn ở một phạm vi khác). Còn năng lực, trình độ mọi mặt của các thành viên UBTVQH khóa này nói chung là cao. Tất nhiên, theo mong muốn và theo yêu cầu thì còn phải phấn đấu cật lực.

Tổ chức làm việc của UBTVQH các khóa tiếp theo được đặt trong các điều kiện: Hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hóa, tiến đến làm việc thường xuyên hơn. Theo thực tế hiện nay mới nửa nhiệm kỳ, Quốc hội đã họp 10 kỳ (6 kỳ thường kỳ và 4 kỳ bất thường) thì các khóa tới mỗi năm có thể họp 3 hay 4 kỳ thường kỳ (mỗi quý một kỳ, mỗi kỳ 2 tuần). Do đó UBTVQH cũng hoạt động liên tục hơn (có thể một tháng 2 phiên, mỗi phiên 3 đến 5 ngày).

b/ Nâng cao chất lượng các thành viên UBTVQH các khóa sau:

Bàn cho các khóa tiếp theo, nếu là Quốc hội thì phải bàn sâu vào chất lượng đại biểu, bởi vậy đối với UBTVQH xin chỉ bàn sâu về chất lượng các thành viên UBTVQH.

Như quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội, trước hết “Thành viên UBTVQH là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách...”. Còn yêu cầu chất lượng thành viên UBTVQH thì cho tới nay và chắc chắn nhiều năm nữa, không có yêu cầu nào vượt qua được quy định của Đảng. Nói một cách tổng quát thì tất cả các chức danh trong UBTVQH đều phải đáp ứng Khung tiêu chuẩn chức danh do Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII quy định tại Quy định 214-QĐ/TW ngày 02-01-2020. Ngoài các tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng, về đạo đức, lối sống, về trình độ học vấn (tốt nghiệp đại học trở lên), về năng lực và uy tín về sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm thì phải bảo đảm tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh. Xin được nêu lên những tiêu chuẩn cơ bản nhất:

Chủ tịch Quốc hội:... Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, UBTVQH...

Phó Chủ tịch Quốc hội: ... Hiểu biết sâu rộng về phấp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có kiến thức cần thiết trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại... Có năng lực thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghi quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo tổ chức thực hiện, giám sát thực thi pháp luật có hiệu quả. Có năng lực phát hiện những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phụ trách và đề xuất các giải pháp khắc phục. Có năng lực điều hành các phiên họp Quốc hội, UBTVQH...

Các Ủy viên UBTVQH: ... Có trình độ hiểu biết sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực phụ trách. Có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước để tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực được phân công và giám sát thực hiện có hiệu quả. Có năng lực tư duy chiến lược, dự báo và định hướng sự phát triển của đất nước; năng lực tham gia tổng kết lý luận, thực tiễn; năng lực tham gia xây dựng đường lối chính sách, pháp luật... Có ý thức và năng lực đoàn kết, lãnh đạo, điều hành và tổ chức hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH. Có năng lực phối hợp với các cơ quan hành pháp và tư pháp trong việc thực hiện các chức năng, quyền hạn của cơ quan Quốc hội...

Để có thể xử lý được những vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy của Quốc hội các khóa tiếp theo và những vấn đề liên quan đến bộ máy thì chậm nhất là kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XV phải hoàn tất việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội hiện hành.

B. Đối với các cơ quan thuộc UBTVQH:

Thực ra đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động đối với các cơ quan thuộc UBTVQH phải là một chuyên đề riêng, vì các cơ quan này hoạt động liên tục như một dòng chảy, không bị giới hạn bởi thời gian, không có nhiệm kỳ như Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Ngay 3 cơ quan hiện tại cũng phải là hai đề tài khác nhau (một đề tài về cơ quan nghiên cứu khoa học, và một đề tài về cơ quan chuyên môn nghiệp vụ tương tự như cơ quan hành chính nhà nước).

Về tổ chức bộ máy, UBTVQH mới ban hành nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu (Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 ngày 11-7-2022) và Viện nghiên cứu lập pháp (Nghị quyết sô 05/2021/UBTVQH15 ngày 29-9-2021). Trước khi ban hành các nghị quyết này thì chắc chắn đã có sự nghiên cứu để đổi mới mọi mặt của mỗi cơ quan. Thời gian thực thi các nghị quyết cũng mới trên dưới một năm, do đó lúc này chưa cần đặt ra phải đổi mới tổ chức bộ máy. Riêng Ban Dân nguyện, chưa có nghị quyết mới nghĩa là Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 vẫn nguyên giá trị.

Bởi vậy, trong phạm vi bài viết này, xin chỉ nói sơ lược đôi nét về yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này.

Việc nâng tầm chất lượng hoạt động của các đơn vị, cơ quan nhà nước nói chung phụ thuộc vào hai yếu tố chủ yếu: Một là, trình độ tổ chức công việc và chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Hai là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tư duy của cán bộ trực tiếp thực thi công việc. Từ hai yếu tố đó, trên thực tế đang diễn ra rất nhiều cấp độ khác nhau về hệ quả kết quả công việc, nhưng để dễ “nhận diện” ta có thể khái quát thành 4 mô hình sau:

- Mô hình 1: Lãnh đạo giỏi và đội ngũ cán bộ cũng giỏi.

- Mô hình 2: Lãnh đạo yếu kém và đội ngũ cán bộ cũng yếu kém.

- Mô hình 3: Lãnh đạo giỏi, trong khi độ ngũ cán bộ còn yếu kém.

- Mô hình 4: Lãnh đạo yếu kém, trong khi đội ngũ cán bộ giỏi giang.

Hệ quả của mô hình 1 là kết quả công việc tuyệt vời.

Hệ quả của mô hình 2 là kết quả công viêc vô cùng bi đát, ngán ngẫm, nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, buộc cấp trên trực tiếp quản lý phải xử lý.

Còn mô hinh 3 và mô hình 4 buộc ta phải lựa chọn để có phương pháp xử lý hợp lý. Theo các nhà khoa học quản lý thì tạm thời có thể chấp nhận mô hình 3, vì ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị mà giỏi (có tài năng, có phẩm chất, đạo đức) thì họ biết cách tổ chức lại công việc, biết cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từng bước lên ngang tầm với công viêc (vì bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo). Đối với mô hình 4, tốt hơn hết là phải thay đổi lãnh đạo, chí ít là người đứng đầu. Vì lãnh đạo yếu kém chẳng những không thể sử dụng được nhân tài mà còn làm thui chột, “tan đàn, sẻ nghé”, gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong cơ quan, đơn vị.

Đối với ba cơ quan của UBTVQH, có thể chia ra 2 lớp cán bộ để có giải pháp phù hợp. Đối với lãnh đạo, trước nhất là người đứng đầu thì áp dụng tiêu chuẩn mà Ban chấp hành Trung ương Đảng đã quy định đối với Ủy viên UBTVQH và một số chức danh tương đương.

Đối với đội ngũ cán bộ tác nghiệp cụ thể từng phần hành công việc thì cần có tầm hiểu biết rộng và chuyên sâu trong công việc cụ thể.

- Những cán bộ làm công tác dân nguyện, ngoài kiến thức chuyên môn thì rất cần thiết phải là một “nhà tâm lý học” (bất kỳ ở nơi tiếp dân nào trong cả nước, thường những người nóng tính, cục cằn... thì rất khó bình tĩnh trong công tác tiếp dân, nhất là gặp những vụ việc gay cấn).

- Đối với các nghiên cứu viên khoa học, ngoài kiến thức ngành, liên ngành, phải có tầm khái quát cao, có khả năng tổng kết, đúc kết vấn đề, có tư duy liên kết, xâu chuỗi các vấn đề theo những hướng nghiên cứu khác nhau. Sau những tổng kết, đúc kết có thể nâng tầm lên thành lý luận.

- Đối với cán bộ làm công tác đại biểu đương nhiên là phải chuyên sâu về tổ chức bộ máy, cấu trúc bộ máy hợp lý, về con người đặt vào bộ máy, nhất là đối với những người có trình độ cao như đại biểu Quốc hội. Làm công tác bồi dưỡng thì còn phải có kiến thức của nhà giáo ở các học viện, các trường cấp cao.

Nói một cách tổng quát là mỗi cán bộ phải đạt được yêu cầu cao vị trí việc làm của mỗi chức danh khi đã được xác định./.

                               

TS.Bùi Ngọc Thanh

nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Các bài viết khác