TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/12: UBTVQH XEM XÉT, THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2024 VÀ XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN THÁNG 10, 11/2023

14/12/2023

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 28, 14h00 chiều 14/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và 11/2023. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương luân phiên điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 13/12: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN PHÁP LỆNH CHI PHÍ TỐ TỤNG VÀ THÔNG QUA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIẢI TRÌNH TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

PHIÊN HỌP THỨ 28: ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, HỢP TÁC QUỐC TẾ NĂM 2023; XEM XÉT, THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NĂM 2024 CỦA UBTVQH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận sau khi nghe: Tổng Thư ký Quốc hội trình bày tờ trình về dự thảo Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1); Trưởng Ban Dân nguyện trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023 (2). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương luân phiên điều hành nội dung phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:

14h00: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình phiên họp, đầu giờ chiều ngày 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự phiên họp có Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương.

Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

14h01: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

Đánh giá khái quát việc thực hiện chương trình công tác của UBTVQH năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến tháng 12/2023, UBTVQH đã chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công 02 kỳ họp thường lệ và 03 kỳ họp bất thường của Quốc hội; đã tiến hành 16 phiên họp, trong đó có 10 phiên họp thường kỳ, 01 phiên họp chuyên đề pháp luật, 02 phiên họp giữa 02 đợt của Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp thứ 7 và 03 phiên họp khác; xem xét 181 nội dung (bao gồm 168 nội dung xem xét tại phiên họp, 13 nội dung xem xét, cho ý kiến bằng văn bản).

Các nội dung trình UBTVQH đều được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tại phiên họp hoặc được gửi xin ý kiến bằng văn bản, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao khi quyết định, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Với những vấn đề lớn, quan trọng, còn ý kiến khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, UBTVQH đã xem xét nhiều lần để bảo đảm sự thận trọng, kỹ lưỡng và kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, bố trí nhiều cuộc làm việc với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa” để nghe các cơ quan báo cáo về công tác chuẩn bị thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết, bảo đảm chất lượng trước khi trình UBTVQH.

Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, việc triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2023 đã bảo đảm bám sát các nội dung trọng tâm đã đề ra, đồng thời, có sự linh hoạt và được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Những nội dung được Chính phủ, các cơ quan đề nghị bổ sung vào Chương trình đã được UBTVQH chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét với tinh thần hết sức khẩn trương, bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến tháng 12/2023, vẫn còn 11 nội dung đã có trong Chương trình công tác năm 2023, nhưng chưa được xem xét, phải chuyển sang năm 2024. Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ cụ thể còn một số nội dung chưa bảo đảm thời hạn trình UBTVQH xem xét, phải lùi so với dự kiến (do các cơ quan trình không chuẩn bị kịp tài liệu). Việc ban hành một số văn bản của UBTVQH quy định chi tiết nội dung được giao trong luật còn chưa bảo đảm tiến độ đề ra trong Chương trình công tác, chưa bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nêu trên là do việc nghiên cứu, đề xuất, cho ý kiến về các nội dung trong Chương trình công tác năm của UBTVQH còn chưa được các cơ quan quan tâm và dành thời gian thỏa đáng, dẫn đến nội dung đề xuất thiếu tính dự báo, trong quá trình triển khai cụ thể thường xuyên phải đề xuất bổ sung, điều chỉnh.

Đề cập về dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của UBTVQH năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết, tuân thủ đúng thẩm quyền của UBTVQH và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xem xét, quyết định, cho ý kiến của UBTVQH.

Dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024 gồm 3 điều và Phụ lục Dự kiến các phiên họp thường kỳ và phiên họp chuyên đề của UBTVQH năm 2024.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề cập về một số vấn đề lớn báo cáo, xin ý kiến UBTVQH như về việc bố trí các phiên họp và một số hội nghị, hoạt động khác do UBTVQH tổ chức; về một số nội dung các cơ quan đề nghị nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; về một số nội dung UBTVQH xem xét, cho ý kiến bằng văn bản; về các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan. 

14h18: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chuẩn bị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về nguyên tắc, cách thức, quy trình xây dựng dự thảo nghị quyết, chương trình công tác; nội dung, thời gian bố trí cho từng phiên họp; các biện pháp thực hiện và đề xuất sáng kiến đổi mới, triển khai thực hiện tốt chương trình công tác… Đồng thời, cho ý kiến về các nội dung xem đã đầy đủ, phù hợp, đúng thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội hay chưa; tính toàn diện, khả thi của các nội dung này như thế nào.

14h24: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có báo cáo góp ý, bày tỏ thống nhất với dự thảo Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, có một nội dung mới về Tờ trình của Chính phủ sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề xuất xin chuyển dự án sửa đổi luật này lên Kỳ họp tháng 5/2024.

14h27: Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng phát biểu

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết liên quan đến chương trình làm việc năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có tờ trình của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề ra một số vấn đề đưa vào phiên họp tháng 1 năm 2024.

Bên cạnh đó, tờ trình của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về thành lập 3 đơn vị thuộc Viện kiểm sát Quân sự Trung ương cũng như đề xuất tăng biên chế cho kiểm sát viên các ngạch của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương đã được đưa vào Kỳ họp 35 vào tháng 7 năm 2024, tuy nhiên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng đề xuất điều chỉnh chương trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 7 năm 2024 về tháng 3 năm 2024.

14h29: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Cơ bản nhất trí về dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề cập đến một số nhiệm vụ trong tháng 1 cần phải chuẩn bị rất tích cực như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Quy hoạch không gian biển quốc gia. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, sau Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Ủy ban Kinh tế đã gửi văn bản cho một số cơ quan liên quan, nêu các vấn đề cần tập trung làm rõ. Hiện nay còn chưa đến 1 tháng để chuẩn bị các nội dung này, nếu không tập trung thì khó có thể đảm bảo chất lượng các dự án Luật này, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một luật khó, có nhiều vấn đề mới, Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục hoàn chỉnh về mặt nội dung và các vấn đề lớn. 

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo hai cơ quan trực tiếp liên quan là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra). Phó Chủ tịch Quốc hội lo ngại không đảm bảo tiến độ và chất lượng vì có nhiều vấn đề cần làm rõ thêm.

Liên quan đến quy hoạch không gian biển quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hiện Chính phủ chưa gửi hồ sơ, theo đề xuất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nội dung này tùy thuộc vào Chính phủ chuẩn bị kịp hồ sơ.

Bên cạnh đó, cho rằng nội dung này còn liên quan đến Kỳ họp bất thường, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn nội dung này có đưa vào Kỳ họp bất thường hay không? Đề nghị Chính phủ cần tập trung làm rõ hơn các nội dung này để đảm bảo tiến độ đưa vào trong Chương trình. Còn nếu không đảm bảo chất lượng thì đề nghị Chính phủ cân nhắc các thời gian trình.

14h33: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Đánh giá cao Tờ trình dự thảo Nghị quyết được trình bày tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong nội dung liệt kê 12 dự án luật, nghị quyết và pháp lệnh do các cơ quan đề xuất chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn thiếu dự án Luật Hóa chất, đề nghị nghị chỉnh sửa, bổ sung. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản đồng tình với các dự kiến nội dung lập pháp trong Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên đề nghị xem xét làm rõ một số nội dung trong phụ lục của các phiên họp.

Về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ngoài dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân do các cơ quan thuộc Quốc hội chuẩn bị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể chủ động kế hoạch. Đối với các dự án luật khác đề nghị, hiện chưa có hồ sơ, nếu đưa ngay vào chương trình là phù hợp, đại biểu cho rằng, đối với các đề nghị bổ sung nhưng chưa có hồ sơ thì chỉ ghi nhận, chưa đưa vào trong chương trình, kể cả dự phòng, khi nào có hồ sơ sẽ đưa vào chương trình chính thức.

Liên quan đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2024, nhưng qua rà soát công việc của Ủy ban Pháp luật, đề nghị điều chỉnh sớm 1 tháng tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân bổ thời gian cho các nội dung khác…

14h39: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Văn phòng Quốc hội chuẩn bị ngày càng bài bản, công phu, với cách làm mới tốt hơn… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nội dung bố trí tại các phiên họp đang rất nhiều, đặc biệt sẽ còn có các nội dung phát sinh. Trong khi đó, thời gian lại ngắn…. 

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, thời gian dự kiến cho các phiên họp cần phải tăng lên. Cụ thể, như phiên họp tháng một cần phải tăng thời gian và đẩy lên sớm hơn. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguyên tắc các dự án Luật trước khi Quốc hội thông qua tại các Kỳ họp, nhất thiết phải đưa ra phiên họp đại biểu chuyên trách...

14h45: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phát biểu góp ý Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng những nội dung chưa có hồ sơ thì không nên đưa vào dự phòng mà chỉ nên đưa vào phần dự báo nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng nội dung này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đề nghị sớm đưa vào chương trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. 

Về giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng đây là chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm đưa lên vào phiên họp tháng 3, tháng 4/2024 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, phục vụ việc Quốc hội cho dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vào tháng 5/2024.

14h49: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy, Chương trình công tác của UBTVQH năm 2023 hết sức tích cực, nỗ lực tối đa, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết và trước mắt. Bằng chứng là ngoài các kỳ họp thường kỳ, chúng ta đã tổ chức 4 kỳ họp bất thường, qua đó cho thấy rất nhiều việc cần giải quyết. 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh chương trình là đương nhiên do dự kiến và thực tiễn khác nhau. Tuy nhiên, tán thành ý kiến của các Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá lại việc điều chỉnh chương trình quá nhiều. Đây là trách nhiệm đầu mối của các Ủy ban cần rút kinh nghiệm để phối hợp với các cơ quan của Chính phủ.

“Sau này có lẽ phải kiểm điểm lại theo từng tháng, bao nhiêu đầu việc chậm, phải thay đổi do bộ phận nào chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội cần rút kinh nghiệm, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ “tuy hai mà một” cần gần gũi, đốc thúc, nhắc nhở trong việc phối hợp. Đề nghị Chương trình công tác của UBTVQH năm 2024 cần siết lại vấn đề này, truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra chậm trễ thì cần kiên quyết xử lý. 

Chủ tịch Quốc hội thống nhất cần rà soát lại để xem xét nội dung nào chắc chắn thì đưa vào chương trình, nội dung nào không đảm bảo thì không đưa vào. Do đó, đề nghị cần tăng cường kỷ luật kỷ cương và các Ủy ban của Quốc hội phải bám sát các nội dung này. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong thời gian qua dù rất nhiều công việc nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc. Đồng thời đề nghị các Ủy ban cần rút kinh nghiệm và tích cực phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan của Chính phủ.

Quan tâm đến phiên họp tháng 1/2024, với công tác chuẩn bị như hiện tại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sẽ khó khăn cho công tác chuẩn bị Kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần phiên họp tháng 1/2024 là chỉ ưu tiên các nội dung liên quan đến Kỳ họp bất thường, còn các nội dung khác lùi lại sang tháng 2/2024 như Luật BHXH (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần ưu tiên tập trung vào các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu các nội dung này không kịp, không đảm bảo thì lùi lại đến Kỳ họp gần nhất. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội để chuẩn bị kỹ các nội dung, nếu chưa thống nhất thì tiếp tục họp để cho ý kiến. Đồng thời lưu ý nhanh chóng tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cho Kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024.

15h12: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết thời gian vừa qua, rất nhiều nội dung trong nghị quyết của Quốc hội ban hành vào năm 2024 nhưng vẫn chưa có hồ sơ để đưa vào kì họp nào. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề xuất cần có danh mục dự phòng cho hàng tháng hoặc phụ lục để yêu cầu Chính phủ trình các dự thảo luật… 

Liên quan đến các khoản phân bổ dự toán đầu năm chưa phân bổ được. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh đây là nội dung nổi bật trong năm 2023.

Cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đề xuất với Thường vụ Quốc hội một số vấn đề điều chỉnh về tài chính, về ngân sách, vốn hàng năm là có thời hạn. Nếu Thường vụ Quốc hội cho phép thì hạn cuối cùng là kì họp tháng 9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

15h18: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn bày tỏ thống nhất với các nội dung trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời thông tin thêm về một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan đến vấn đề này và thường xuyên tổ chức các cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp phụ trách để tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng là dự án luật quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ ngành liên quan để trình trong kỳ họp gần nhất, với yêu cầu chất lượng cao nhất.

Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiến độ xây dựng dự án quy hoạch không gian biển quốc gia và một số dự án đường cao tốc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

15h23: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp đã có 9 ý kiến phát biểu, trong đó có ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Theo đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nguyên tắc, cách thức xây dựng dự kiến Chương trình… 

Đồng thời cho rằng dự kiến chương trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, trách nhiệm. Các nội dung được bố trí trong từng phiên họp đều thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều là các nội dung cụ thể hóa từ các văn bản quan trọng, có tính chất định hướng trong thời gian tới, thực hiện theo các quy định của các luật, nghị quyết có liên quan…

Tuy nhiên, cần lưu ý những vấn đề cơ bản như tính toán, sắp xếp, bố trí nội dung, thời gian hợp lý của từng phiên họp, nhất là phục vụ cho những nhiệm vụ phải mất nhiều thời gian như cho ý kiến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, vấn đề xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và kỳ họp bất thường (nếu có). 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí cao việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình, nhất là phải quán triệt tinh thần siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về gửi tài liệu tại phiên họp, trong đó cần chú trọng về công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đạt chất lượng, đúng tiến độ, đảm bảo thời gian để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội có điều kiện nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, góp phần nâng cao chất lượng phiên họp, kỳ họp…

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức các cuộc họp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị có liên quan để rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, sau đó gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

15h28: Nghỉ giải lao (15 phút)

15h44: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thời gian còn lại buổi chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023.

Dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng ban Tiếp công dân trung ương Trần Quốc Dũng. Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử cán bộ cấp vụ dự.

Tiếp đó, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023.

15h45: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao những thành tựu to lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, theo dõi hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua; các chuyến thăm chính thức Việt Nam của một số Nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch Nghị viện, Thủ tướng Chính phủ của một số nước đến Việt Nam, nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, góp phần củng cố và phát triển quan hệ tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và các nước Bạn. 

Cử tri và Nhân dân cũng đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trên các lĩnh vực lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và việc thực hiện các hoạt động giám sát của Quốc hội đối các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; tình hình biến đổi khí hậu đã gây sạt lở núi, bờ biển, xâm thực ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng của người dân; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân; việc tăng giá xăng, giá điện kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo, đây là vấn đề lo lắng trong Nhân dân, đặc biệt các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp... 

Về kết quả tiếp nhận, xử lý và giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.292 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Trong thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, về cơ bản, các  công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Địa điểm Tiếp công của Quốc hội và Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, về khiếu nại, tố cáo và nội quy, quy chế tiếp công dân; không gây ra các vụ việc, tình huống phức tạp về an ninh trật tự.

Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng và lao động ở một số địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Về công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, trong tháng 10 và tháng 11/2023, các cơ quan đã tiếp 801 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 792 vụ việc. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 100 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 29 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 663 vụ việc.

Các cơ quan cũng đã chuyển 628 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 193 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 133 đơn, tiếp tục xếp lưu 124 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và nhận được 438 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền…

16h03: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Điều hành nội dung về xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023 , Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, bên cạnh việc cử tri, nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cử tri và nhân dân ủng hộ và đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội, nhất là Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa qua. Nhân dân cũng cho rằng, những thành tựu to lớn về hoàn thiện thể chế trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo cơ sở pháp lý, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cử tri đánh giá cao kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, bày tỏ niềm tin tưởng trong hoạt động đối ngoại năm 2023 của Đảng, Nhà nước. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề cập đến một số vấn đề mà cử tri quan tâm như tình hình mưa lũ ở miền Trung, tình hình tiêu cực của kinh tế thế giới, giá xăng, giá điện, tình hình khó khăn của doanh nghiệp dù đã được khôi phục nhưng đời sống của người dân ở nhiều vùng vẫn gặp khó khăn, nhất là hộ có thu nhập thấp, hộ nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn…

Các nội dung gần đây mà người dân lo lắng và bức xúc như tình hình vi phạm tội phạm, trong đó có nhiều vụ cướp có tính chất manh động, một số công nhân mắc bệnh nghề nghiệp ở các khu công nghiệp, lừa đảo bán hàng qua mạng, về lương của giáo viên mầm non, tình trạng xuống cấp đạo đức trong học đường, về tình hình cháy nổ…

Do đó, qua tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị UBTVQH cho ý kiến thêm. 

Về tình hình khiếu nại, tố cáo trong tháng 10 và tháng 11/2023, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua số liệu thống kê cho thấy tăng cả số lượt đoàn đông người, số lượt công dân và số vụ việc. Đáng chú ý, tăng 8 lượt đoàn đông người.

Trong kỳ báo cáo, số đoàn đông người tại Hà Nội có nhiều dấu hiệu phức tạp, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Theo báo cáo của các địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo ở các địa phương chủ yếu liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng và lao động, trong đó có 5 vụ khiếu kiện đông người và phức tạp. 

Về kết quả thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại báo cáo dân nguyện kỳ trước, tình hình giải quyết chưa thật sát sao. Ban Dân nguyện đề xuất giám sát 2 vụ việc. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị UBTVQH cho ý kiến về số lượng, nội dung khiếu nại, tố cáo để giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc xử lý, tiếp nhận đơn thư.

16h10: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  Bùi Văn Cường phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023 đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng; đồng thời đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… góp phần củng cố niềm tin của nhân dân trong hoạt động của dân nguyện Quốc hội. 

Tuy nhiên Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý cần rà soát xem phụ lục thống kê số lượng đơn thư để đảm bảo đầy đủ. “Bởi phần của Văn phòng Quốc hội hiện không thấy có, nhưng thực tế chúng tôi nhận được khá nhiều đơn để chuyển sang Ban Dân nguyện, trong đó có những cái vụ việc cụ thể cũng đã gửi trực tiếp sang”,  Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu nêu rõ.

16h16: Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Trần Quốc Dũng phát biểu

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Trần Quốc Dũng cho biết Thanh tra Chính phủ nhất trí cao với số liệu của Ban Dân nguyện đã báo cáo… 

Trong tháng 11, 12 số lượng công dân khiếu kiện lên Trung ương tăng cao, Thanh tra Chính phủ và Ban Dân nguyện phối hợp chặt chẽ để giải quyết.

Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Trần Quốc Dũng nhấn mạnh về kiến nghị của Ban Dân nguyện đối với những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm và sẽ báo cáo với Quốc hội trong các kì họp sau.

16h18: Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nhất trí cao với báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023, các kiến nghị liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của công an nhân dân; đồng tình với những kiến nghị của Ban Dân nguyện, trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán, lực lượng công an sẽ sẵn sàng phối hợp, có kế hoạch triển khai trong toàn lực lượng Công an Nhân dân từ Trung ương đến cơ sở đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng thông tin thêm về một số vụ việc được thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, trong đó có vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, những vụ việc xảy ra thời gian qua đã được xử lý nhanh chóng, kịp thời, điều tra, xác minh và xử lý đối tượng rất khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, trong dịp cuối năm, hoạt động của tội phạm thường gia tăng, trong đó có nhiều nguyên nhân.

Để nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh giác với các loại tội phạm, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các địa phương, các lực lượng ở sở, nhất là bị hại làm tốt về công tác tuyên truyền, phòng ngừa.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng thông tin về kết quả tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo có liên quan đến an ninh trật tự và chức năng nhiệm vụ của công an nhân dân được thực hiện tốt. Đối với 72 ý kiến của Ban Dân nguyện và các cơ quan gửi đến, Bộ Công an đã tiếp nhận nghiêm túc và thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

16h22: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023. Đây là báo cáo được tổng hợp trên cơ sở các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam... đã tổng hợp cơ bản đầy đủ công tác dân nguyện của Quốc hội. Báo cáo đã đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ban Dân nguyện đã đôn đốc các đơn vị trong công tác tổng hợp, thống kê bảo đảm các nội dung báo cáo, đồng thời đôn đốc các cơ quan giải quyết các cơ quan giải quyết các đơn thư của cử tri và nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến giải trình, báo cáo bổ sung của các cơ quan. Đồng thời phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội ban hành kết luận theo đúng quy định.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác