TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 10/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Ban hành nghị quyết tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Thẩm tra về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của OECD (sau đây được gọi là Quy định về thuế TTTC), hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Nội dung thực hiện thuế TTTC này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế TTTC thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam và đang nộp thuế TNDN thực tế dưới 15%.
Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế TTTC từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024, đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp ĐTNN thuộc diện điều chỉnh của thuế TTTC có thể kê khai thuế TNDN bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà ĐTNN nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế TTTC từ 01/01/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế TTTC, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo Quy định về thuế TTTC của OECD trước khi tiến hành sửa Luật để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế; đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.
Có ý kiến trong Uỷ ban TCNS không đồng tình với việc ban hành Nghị quyết này một cách đơn lẻ; có ý kiến đề nghị sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung, để giữ chân các nhà đầu tư cũ và tránh các hệ luỵ rất lớn nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam; có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc thực hiện Nghị quyết.
Đánh giá đầy đủ tác động đối với môi trường đầu tư do việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Về mục đích và quan điểm ban hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí rằng cần sớm nội luật hoá việc thực hiện thuế TTTC để bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam, phù hợp với thông lệ và xu thế thuế quốc tế đang được các nước triển khai; Phù hợp với các định hướng và chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách thu và hội nhập quốc tế; Thể hiện sự rõ ràng về môi trường đầu tư tại Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của một số tập đoàn ĐTNN lớn đang hoạt động và muốn được kê khai nộp thuế TTTC bổ sung tại Việt Nam, bắt đầu từ kỳ tính thuế 2024.
Trong Tờ trình, Cơ quan soạn thảo cũng thể hiện quan điểm tiếp tục “giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế TTTC”. Uỷ ban TCNS nhất trí với quan điểm này, song đề nghị cần xác định đây chỉ là cách xử lý trong thời gian áp dụng tạm thời, trước khi tiến hành sửa Luật Thuế TNDN một cách tổng thể. Trong bối cảnh và xu thế mới về thực hiện thuế TTTC, việc tiếp tục duy trì hệ thống ưu đãi thuế TNDN hiện hành là không phù hợp và không còn có tác dụng trên thực tế, trong khi chi phí về miễn giảm thuế làm giảm thu NSNN hàng năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia đều cho rằng việc thực hiện thuế TTTC mở ra cơ hội để Việt Nam tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống ưu đãi thuế hiện hành.
Vì vậy, Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tác động đối với môi trường đầu tư do việc thực hiện thuế TTTC, để khi tiến hành sửa Luật Thuế TNDN, ngoài việc đưa vào Luật các quy định về thuế TTTC, Chính phủ đồng thời cần nghiên cứu, cải cách hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách tổng thể và phù hợp, để có hướng xử lý về chính sách đối với các nhà đầu tư mới và bảo đảm hiệu quả thực tế của các ưu đãi thuế; theo đó, cần nghiên cứu thay thế chính sách ưu đãi hiện hành dựa trên lợi nhuận (thông qua việc miễn, giảm thuế) bằng các biện pháp ưu đãi dựa trên chi phí một cách phù hợp.
Cần quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc nghị quyết
Thẩm tra về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành Nghị quyết và hình thức văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết này đã bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL).
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Uỷ ban TCNS nhận thấy, đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật BHVBQPPL thì hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi thẩm tra có đầy đủ các loại tài liệu theo quy định. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết tại theo đúng quy định của Luật BHVBQPPL.
Về hình thức văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ: Luật VBQPPL quy định Quốc hội ban hành Luật để “sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế” và ban hành Nghị quyết (thí điểm) để “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một nội dung hoàn toàn mới, khác với các quy định hiện hành của Luật Thuế TNDN và một số luật liên quan khác. Vì vậy, đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng việc áp dụng thuế TNDN bổ sung này cần được quy định trong Luật Thuế TNDN. Trong trường hợp ban hành Nghị quyết thì tên gọi của Nghị quyết phải là Nghị quyết thí điểm. Một số ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng đây không phải là nghị quyết thí điểm.
Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD hoặc các nước có quyền lợi liên quan thực hiện rà soát đồng cấp. Đây là vấn đề về hình thức văn bản. Tuy nhiên, để giảm tối đa các vướng mắc có thể có cho các nhà đầu tư khi thực hiện kê khai thuế tại nước mẹ, đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS nhất trí với việc không có chữ “thí điểm” trong tên gọi của Nghị quyết, song về bản chất, Nghị quyết này vẫn là một Nghị quyết thí điểm do có những quy định về chính sách mới, khác với các quy định của các luật hiện hành. Theo đó, cần có các quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Về đánh giá tác động, Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn ĐTNN sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết. Đối với các tập đoàn trong nước, Báo cáo của Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết.
Tuy nhiên, theo Quy định về thuế TTTC, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa (QDMTT) để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước. Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ hiện còn chưa đánh giá hết những tác động này, bao gồm cả khả năng số tập đoàn trong nước bị ảnh hưởng sẽ thay đổi hàng năm và có thể là nhiều hơn số lượng đang dự kiến. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các tác động này để chuẩn bị phương án, quan điểm xử lý phù hợp.
Chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết.
Thẩm tra về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế TTTC của Việt Nam và cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Vì vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về số thuế phải nộp, về cách tính toán,… của các doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia.
Do đó, Ủy ban TCNS đề nghị các cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế như Cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với các quốc gia hoặc doanh nghiệp có liên quan,…
Việc áp dụng thuế TTTC là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đối với cơ quan quản lý thuế khi thực hiện quản lý thu từ các cơ chế thuế khác nhau, trong đó cần chuyển hoá các Quy định về thuế TTTC của OECD thành các quy trình quản lý thuế thực tiễn, thiết kế các thủ tục hành chính, biểu mẫu mới, điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin, phân tích tác động kinh tế, dự báo thu,... và đặc biệt là nhận diện những tập đoàn nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng thuế TTTC thay đổi hàng năm.
Các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp với tổ chức thuế quốc tế và cơ quan thuế các nước, triển khai các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ thu thuế TTTC cũng như từ góc độ tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện trong nước. Tờ trình của Chính phủ đã đề cập sơ bộ đến một số nội dung để bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết song chưa bao trùm được các nội dung công việc cần thiết nêu trên. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai chính thức, làm rõ về các công việc cụ thể, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế cũng như người nộp thuế.
Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày cũng nêu một số nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết, liên quan đến phạm vi thu thuế; giải thích từ ngữ; công thức tính thuế; tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành…