THỂ CHẾ HÓA CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ LƯU TRỮ, ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC NGHIỆP VỤ VỀ LƯU TRỮ

10/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 10/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2024

Toàn cảnh Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: (1) chưa kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ; (2) nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật gồm 09 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).

Bổ sung tập trung vào 04 chính sách mới

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Về quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Luật bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ; phân cấp quản lý tài liệu lưu trữ giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và ở địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao và thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận thấy, các quy định bổ sung nêu trên nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phân cấp và phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ giữa các cơ quan quản lý, giữa Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử; phân công các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao có trách nhiệm bảo quản, sử dụng khối tài liệu lưu trữ đặc thù (liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại quốc gia).

Liên quan đến quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, dự thảo Luật quy định rõ các loại tài liệu lưu trữ điện tử; bản số hóa tài liệu lưu trữ; chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số; thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số và hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị; Kho lưu trữ số; lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác.

Các quy định bổ sung nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và đặt ra những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số và Kho lưu trữ số để quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ số, đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

Đối với quy định về hoạt động lưu trữ tư, dự thảo Luật quy định rõ yêu cầu của hoạt động lưu trữ tư; Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư; quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; các hoạt động lưu trữ tư; hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tư; hoạt động lưu trữ phục vụ cộng đồng; mua, bán, trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, các quy định nêu trên nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

Về quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Dự thảo Luật quy định rõ các hoạt động dịch vụ lưu trữ; nguyên tắc hoạt động dịch vụ lưu trữ; tổ chức, cá nhân kinh doanh và cung cấp dịch vụ lưu trữ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

Các quy định nêu trên nhằm bảo đảm các nguyên tắc khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trữ và tiếp cận tài liệu lưu trữ chứa thông tin quan trọng trong hoạt động quản lý của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tránh nguy cơ mất tài liệu, mất dữ liệu, lộ lọt thông tin, dữ liệu không được sao lưu. Đồng thời, việc quy định về Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm bảo đảm yêu cầu về năng lực, thái độ của cá nhân khi tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ./.

Bích Ngọc