NHIỀU LĨNH VỰC TRONG THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ CẦN TIẾP TỤC ĐỔI MỚI

10/09/2023

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp ý kiến với Diễn đàn, TS.Đặng Kim Sơn cho rằng, thời gian qua, thị trường hàng hóa của nước ta phát triển nhanh nhưng thị trường dịch vụ còn nhiều lĩnh vực phải tiếp tục đổi mới, đặc biệt là các ngành đường sắt, vận tải biển, y tế, giáo dục, văn hóa,…

Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 lựa chọn xác định chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Tham gia đóng góp tham luận tại diễn đàn, TS.Đặng Kim Sơn quan tâm đến việc đổi mới thể chế theo hướng cộng đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo TS.Đặng Kim Sơn, gần 20 năm đổi mới vừa qua đất nước ta đã đạt những thành công to lớn trong đó nổi bật nhất là những thành tựu của phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhờ đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, cải thiện đời sống của đông đảo cư dân nông thôn đã giúp Việt Nam về đích sớm nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Nền kinh tế nông nghiệp từ cung cấp đủ lương thực thực phẩm đã vươn lên xuất khẩu nông sản mạnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 48 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước giai đoạn 2016-2020 giảm từ 10% xuống còn 5%, riêng nông thôn giảm 12,7% xuống 5.6%. Thu nhập 2010-2020 tăng gấp 3 lần. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 8.9% lên 17,8%.

TS.Đặng Kim Sơn

Điều cần nhấn mạnh là nguồn gốc của những thắng lợi to lớn đó không đến từ tăng vốn đầu tư hay áp dụng khoa học công nghệ mới, mà xuất phát từ hai yếu tố nội tại là: thứ nhất là đổi mới thể chế kinh tế (chuyển từ kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể sang đa dạng hóa các thành phần kinh tế và trao quyền làm chủ cho họ trong sản xuất kinh doanh). Thứ hai là chuyển từ điều hành bằng kế hoạch hành chính sang cơ chế thị trường (tạo điều kiện để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất theo quan hệ cân đối cung cầu). Tuy nhiên cả hai bước đổi mới này đều chưa thực sự hoàn chỉnh, vì vậy, sau đỉnh cao giai đoạn 19 năm tăng trưởng trên 7%/năm, tăng GDP bình quân Việt Nam 1991-2007 là 7,49%/năm, sau khi lên mức thu nhập trung bình thấp năm 2010 đã tăng chậm lại.

Từ năm 2007 đến nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu chững lại và giảm dần, 2011-2018 GDP chỉ đạt 6,3%/năm. Cả 4 kì kế hoạch gần đây đều không đạt mục tiêu: tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001-2005 đạt 6,9%/năm, thấp hơn mục tiêu 7,5%; giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng GDP đạt 6,32%/năm mà mục tiêu 7,5-8%. Tăng trưởng thực tế 2011-2015 là 5,91 so với mục tiêu 6,5 và 2016-2020 là 5,8%/năm thấp hơn mục tiêu 7%/năm. Tốc độ tăng trưởng hiện nay cũng thấp nhiều so với tốc độ trung bình đề ra tại Đại hội XIII là 6,5-7,0%. Một lần nữa, chúng ta lại đứng trước yêu cầu phải kiên quyết đổi mới về cơ chế thị trường và nhất là thể chế.

Thị trường hàng hóa thời gian qua phát triển nhanh nhưng thị trường dịch vụ còn nhiều lĩnh vực phải tiếp tục đổi mới (đường sắt, vận tải biển, y tế, giáo dục, văn hóa,…). Đặc biệt, thị trường tài nguyên còn ở dạng sơ khai. Cơ chế thị trường chưa vận hành hiệu quả để điều tiết đất đai, nước, biển, rừng, sinh học, và ngay cả với khoa học công nghệ, tài nguyên lao động... Bức bách hơn là vấn đề đổi mới thể chế kinh tế (cả về khía cạnh tổ chức, cả về cơ chế vận hành) vẫn là điểm nghẽn tắc chính đã xác định nhưng chậm sử lý. Trong quá trình chuyển các tổ chức sản xuất kinh doanh từ nền kinh tế nhà nước điều hành sang nền kinh tế thị trường, đã xuất hiện những khoảng trống, những điểm yếu mà cả các mô hình tổ chức của nhà nước và thị trường đều không khắc phục được, đây là những địa bàn cần có sự tham gia của mô hình tổ chức cộng đồng.

Sự phát triển đa dạng các ngành nghề và hoạt động kinh tế trên mọi lĩnh vực và địa bàn đã khiến công tác quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý thị trường, quản lý môi trường,… của các cơ quan quản lý của nhà nước với lực lượng hạn hẹp quá tải. Ví dụ cứ một người trong ban quản lý rừng trung bình phải quản lý 670 - 690 ha rừng đặc dụng và phòng hộ với mức lương ít ỏi và điều kiện làm việc khó khăn. Hay lực lượng kiểm ngư của Việt Nam với lực lượng nhỏ bé, có tổng số 31 chiếc tàu phải quản lý một bờ biển dài 3.260km với 91.720 tàu cá hoạt động trên các vùng biển . Tình trạng tương tự diễn ra trong công tác giám sát quản lý hầu hết các ngành kinh tế xã hội hiện nay. Ngoài một số hoạt động có thể phân cấp hoặc giao dịch vụ cho tư nhân tham gia thì đa số các hoạt động quản lý kinh tế, xã hội chỉ có thể sử dụng các tổ chức cộng đồng có vị thế khách quan và vai trò làm chủ để đảm nhiệm.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam

Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động mới xuất hiện, ví dụ cả nước có khoảng 3000 khu chung cư với 40.000 hộ ở Hà Nội và 45.000 ở thành phố Hồ Chí Minh, vai trò tham gia quản lý của cộng đồng cư dân trong ban quản lý nhà là vấn đề mới . Ví dụ khác là trong Chương trình Nông thôn mới, ủy ban xã (không có tư cách pháp nhân, nguồn nhân lực hạn chế, nguồn thu ngân sách chính từ đất công) quyết định Ban quản lý làm chủ đầu tư nên việc huy động nguồn lực, thiết kế, thanh quyết toán… bảo đảm yêu cầu xây dựng công trình NTM thường là bài toán khó. Trong ngân sách hạn hẹp của xã được giao, ở nhiều địa phương đã huy động phần lớn tiền đấu giá, giao, thuê đất để xây dựng nông thôn mới và đang khai thác rất mạnh quĩ đất làng xã còn lại. Phát triển nông thôn muốn thực sự vững bền và hiệu quả phải có cơ chế huy động sự tham gia làm chủ của nhân dân.

Cùng với đó, nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam dựa trên nền tảng tổ chức sản xuất kinh doanh manh mún và nhỏ lẻ. Việt Nam có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 97% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; trên 25 nghìn hợp tác xã có phạm vi nhỏ là chính và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Các hộ này đóng góp 30% GDP, tạo ra gần 45% việc làm toàn xã hội, nhiều hơn cả khối doanh nghiệp FDI, nhiều hơn cả doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó là 8-9 triệu hộ nông lâm ngư nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán làm nên thành tựu to lớn về an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, ổn định chính trị xã hội,… thu nhập bình quân ở nông thôn năm 2022 là 3,86 triệu đồng/tháng, qui mô đất 0,5- 0,6 ha/hộ. Tất cả các đơn vị kinh tế nhỏ bé này luôn chịu bất bình đẳng trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ mạnh toàn cầu, họ cũng không thể tự lột xác vươn lên. Cánh cửa duy nhất là tổ chức cộng đồng trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài r nhu cầu cộng đồng hóa tổ chức cơ sở. Hiện nay, ngoài số ít “người có uy tín” ở vùng dân tộc thiểu số, có tới hơn 1 triệu cán bộ, nhân viên hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cả nước có 10.616 xã, phường, thị trấn. Mỗi đơn vị ngoài 20 công chức còn 80% là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, đoàn thể, tối thiểu 100 cán bộ các loại dính đến ngân sách. So với bộ máy trước cách mạng không dùng ngân sách, không có công chức và sau cách mạng chỉ có 5 cán bộ cũng không phải là công chức thì cách tổ chức này chưa đúng với lời Hồ Chủ tịch: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân ”.

Minh Hùng