TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO NĂNG LỰC SỐ ĐỂ NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA GIỚI TRẺ TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

10/09/2023

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sắp tới sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Chia sẻ về nội dung này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng, cần tăng cường đào tạo năng lực số để nâng cao vai trò của giới trẻ trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGHỊ SĨ TRẺ, GIỚI TRẺ TRONG GIẢI QUYẾT NHỮNG THÁCH THỨC TOÀN CẦU

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sắp tới sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Theo dự kiến các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trang bị kỹ năng số và tạo điều kiện để giới trẻ phát huy năng lực công nghệ số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế.

Cụ thể, những nội dung trọng tâm của các phiên thảo luận sẽ xoay quanh việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy quả trình chuyển đổi Số nhằm tăng cường cơ hội phát triển bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của Nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hoá các hoạt động của Nghị viện vì sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đại diện Nghị viện các nước sẽ thảo luận về việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); Chia sẻ kinh nghiệm của Nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Trao đổi, thảo luận về sự về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; Đề xuất đối với các nghị viện về chính sách và giải pháp về xây dựng , hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Đóng góp ý kiến về những nội dung này, ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, Thế giới tương lai sẽ là thế giới thực - số, công nghệ số sẽ tích hợp vào mọi mặt đời sống xã hội, lao động, việc làm, văn hoá, kinh tế. Đó là thế giới của giới trẻ. Giới trẻ chính là động lực chính của chuyển đổi số, và thành tựu của chuyển đổi số cũng là để phục vụ cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai. Vì vậy, giới trẻ chính là lực lượng chủ yếu trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.

Ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) 

Theo ông Nguyễn Nhật Quang, hiện nay chúng ta đang phối hợp nhiều biện pháp để hỗ trợ giới trẻ trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, trong đó có Đề án số 749 về Chuyển đổi số quốc gia, các đề án của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp. Giới trẻ sẽ được trang bị kỹ năng nghề nghiệp để sống và làm việc trong môi trường số trong tương lai.

Ông Nguyễn Nhật Quang cho biết, hiện nay, công nghệ số phát triển bùng nổ. Hai xu hướng chính của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho đến nay là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này liên quan chặt chẽ với nhau. Đây chính là thời điểm bùng nổ của đổi mới sáng tạo. Ở tần suất hàng ngày đều xuất hiện những công nghệ mới, mở ra những tiềm năng mới. Chúng ta có nhiều cơ hội, nhiều công cụ và ý tưởng để thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều chuyển biến cụ thể, mới mẻ, thiết thực. Chuyển đổi số không chỉ chuyển thế giới thực sang thế giới số, mà còn thực sự tạo ra thay đổi lớn lao với số phận, vận mệnh của thế hệ và đất nước.

Chuyên gia này nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo nói chung, chuyển đổi số nói riêng đòi hỏi vai trò chủ động của thanh niên, thế hệ trẻ, cần có thay đổi trong nhận thức, nếu không có sự thay đổi trong cách học, cách sống thì sẽ rất thách thức, sẽ không có cơ hội trong tương lai. Nhưng nếu chủ động thay đổi, ý thức được sự thay đổi của môi trường sống, môi trường làm việc, thì sẽ nắm bắt được cơ hội lớn. Vì vậy, hỗ trợ lớn nhất của các cấp, các ngành, của thế hệ đi trước với thế hệ trẻ là hỗ trợ về nhận thức.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Ngan Cheng Hwa, chuyên gia về đào tạo nghề nghiệp công nghệ cho biết, theo một số nghiên cứu, hơn 70% giới trẻ thế giới thực sự đang sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, internet hàng ngày. Phương thức học tập này mang lại thuận lợi cho giới trẻ. Tuy nhiên, các giáo viên và các nhà đào tạo cần tạo nhiều cơ hội hơn cho những người trẻ để họ sử dụng những kỹ năng kỹ thuật số vốn đã sẵn có nhưng chưa được khai thác tốt. Chuyên gia này cho rằng, các giáo viên cần thiết phải lên kế hoạch việc dạy học lồng ghép với việc khuyến khích giới trẻ sử dụng kỹ năng số trong học tập để có thể lĩnh hội bài giảng tốt hơn.

Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM)

Bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) cho rằng, giới trẻ đang đối mặt với môi trường rất thách thức. Có rất nhiều thay đổi đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số và dịch Covid-19 đã thúc đẩy mọi chuyển đổi diễn ra nhanh chóng. Tự động hóa và chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh không chỉ ở VN mà còn trên toàn cầu, trong nhiều doanh nghiệp và trong nhiều ngành khác nhau. Điều đó có nghĩa là những loại công việc mà giới trẻ có thể tìm kiếm và tiếp cận đang thay đổi. Do đó giới trẻ cần phải có tính thích ứng cao và kiên cường. Giới trẻ phải luôn học hỏi, luôn trang bị những kĩ năng mới. Việc nâng cao kỹ năng không phải chỉ là việc đến trường, hoàn thành các khóa học và tốt nghiệp, giới trẻ cần phải học tập không ngừng học tập và việc này cần phải trở thành thái độ của giới trẻ trong cuộc sống. Đó là cách thức duy nhất để giới trẻ tồn tại trong một thế giới thay đổi rất nhanh chóng.

Trao đổi về vấn đề này, TS.Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thời gian qua, Tổng Cục đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nền tảng học tập trực tuyến công dân số (congdanso.edu.vn) và tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là những sản phẩm được thiết kế khoa học và công phu, bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp gần 40.000 người được học tập và cấp chứng chỉ, giúp hàng trăm cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với tài liệu hướng dẫn, từ đó xây dựng được kế hoạch cụ thể trong chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có nhiều doanh nghiệp đã tổ chức cho người lao động làm quen và học tập trên nền tảng congdanso.edu.vn, không chỉ là kỹ năng số, trong nền tảng này, người lao động, học sinh, sinh viên còn được học tập những kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc, khởi nghiệp… Đây là những kỹ năng đặc biệt để người lao động và sinh viên có thể tham gia vào thị trường lao động, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể có được công ăn, việc làm có thu nhập tốt trong tương lai.

Đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, lao động chất lượng cao ngoài có kiến thức, kỹ năng chuyên môn giỏi còn phải có khả năng làm việc trong môi trường cách mạng công nghệ thay đổi, đòi hỏi yêu cầu cao. Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, môi trường làm việc ứng dụng nhiều nền tảng số, kiến thức, kỹ năng số, mà người lao động cần phải thích ứng. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho người lao động trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng, đặc biệt với người muốn có cơ hội việc làm ở doanh nghiệp, lĩnh vực sử dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất. Những kỹ năng số là đặc biệt quan trọng, là điều kiện tiên quyết để người lao động tham gia vào những môi trường làm việc chất lượng cao như vậy.

TS.Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Thông qua việc trang bị những kiến thức kỹ năng số, người lao động không chỉ dừng lại ở những kỹ năng như vậy, mà còn linh hoạt, chủ động trong việc tiếp thu thêm những kiến thức, kỹ năng mới thông qua các nền tảng học tập.

Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giới trẻ là lực lượng lao động tương lai, là những người sẽ có đóng góp lớn vào sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội, việc được trang bị những kiến thức, kỹ năng để học tập tốt hơn, có cơ hội việc làm tốt hơn, sẽ giúp giới trẻ đóng góp vào sự phát triển của các tổ chức sẽ tham gia làm việc trong tương lai. Vai trò của giới trẻ trong chuyển đổi số là rất quan trọng. Giới trẻ cũng là đối tượng tiếp cận nhanh chóng, thích ứng nhanh với những thay đổi về công nghệ, vì vậy việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho giới trẻ là việc rất cần thiết để tạo ra lực lượng lao động cho tương lai, để họ có khả năng thích ứng, có năng suất lao động cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đối với chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Quyết định về Chương trình chuyển số tổng thể trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Rất nhiều nội dung trong chuyển đổi số đã được đặt ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang cụ thể hóa những chương trình, dự án để thực hiện việc này trong thời gian tới.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, có 2 hướng tiếp cận lớn để triển khai chương trình này. Một mặt là thực hiện các chương trình chuyển đổi số trong nội tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, phải bắt đầu từ thể chế, khung năng lực số cho người dạy, người học và cơ sở giáo dục đào tạo; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thiết kế các chương trình, nội dung đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong tương lai. Một mặt là cụ thể hóa ngay việc xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến để người lao động, học sinh sinh viên có nhu cầu học tập, nâng cao kỹ năng số có thể học mọi nơi, mọi lúc, nhận chứng chỉ mà không cần đến trường lớp như trước đây.

Phân tích nguyên nhân thiếu hụt lao động có năng lực chuyên môn trong chuyển đổi số, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, sự chuẩn bị về kỹ năng số cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia vào thị trường lao động còn chưa hiệu quả. Việc trang bị kỹ năng này không chỉ cần được thực hiện ở khâu giáo dục nghề nghiệp, mà cần thực hiện ngay ở khâu giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thông qua đẩy mạnh các môn học STEM, công nghệ, toán, chuyển đổi việc giảng dạy các môn công nghệ thông tin để các em tiếp cận với công nghệ số, thích nghi với kỹ năng số.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng số trong các cơ sở đào tạo cung ứng nhân lực, trong các trường đại học. Đây là điều rất cần thiết. Với người lao động đang tham gia lao động ở các doanh nghiệp, cần kịp thời trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng số thông qua việc học tập, vừa học vừa làm, thông qua các nền tảng trực tuyến như congdanso.edu.vn, để người lao động được trang bị kịp thời kỹ năng số. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp thì sẽ có được lực lượng lao động có đầy đủ các kỹ năng số phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, của đất nước. 

Minh Hùng - Minh Thành