CHÚ TRỌNG THANH TRA, KIỂM TRA, KỊP THỜI PHÁT HIỆN, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

16/08/2023

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để khắc phục bất cập trong công tác giám định tư pháp, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh hoạt động giám định tư pháp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ TƯ PHÁP

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đã có 28 đại biểu Quốc hội chất vấn 43 vấn đề liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác đấu giá tài sản và giám định tư pháp. Một số đại biểu nêu thực trạng thu hút những người làm công tác giám định tư pháp rất khó khăn, nhất là giám định pháp y vì hoạt động giám định tư pháp rất vất vả và độc hại.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm bị xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi. Theo đại biểu có 5 nguyên nhân chủ yếu khiến hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp đột phá để khắc phục triệt để hạn chế này. Đó là: Chưa được quan tâm nên mọi nguồn lực cho hoạt động này rất hạn chế; Xã hội hóa hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng tại Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Còn tâm lý né tránh, đùn đẩy;Thời hạn giám định chưa hợp lý; Chất lượng giám định chưa cao.

Về vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, công tác tư pháp nói chung, trong đó có công tác xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đấu giá tài sản, giám định tư pháp nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước. Đối với công tác giám định tư pháp, Quốc hội đã ban hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng rất quan tâm và có nhiều chỉ đạo cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, quản lý nhà nước về giám định tư pháp thuộc trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau, trong đó Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý chung. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác thực hiện quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực do mình quản lý; phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương. Cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

Trong báo cáo khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã nêu một số kết quả chủ yếu trong công tác giám định tư pháp. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, như: Hoàn thiện thể chế về công tác giám định tư pháp; cụ thể, đã chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án tăng cường hiệu quả công tác giám định đến năm 2030; ban hành Chương trình khung Bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người giám định tư pháp và hằng năm đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật gắn với bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa phương...

Tính đến đầu năm 2023, toàn quốc có 136 tổ chức giám định tư pháp công lập, 411 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Việc lựa chọn để bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công bố cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực giám định tư pháp là điều kiện thuận lợi để cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Đội ngũ người giám định tư pháp tăng về số lượng và chất lượng; hiện có 7.111 giám định viên tư pháp, 2.921 người giám định tư pháp theo vụ việc. Theo báo cáo thống kê của các bộ, ngành và địa phương, từ năm 2020 đến hết năm 2022, các tổ chức giám định tư pháp, người giám định tư pháp trong cả nước đã thực hiện 538.638 vụ việc. Về cơ bản, việc thực hiện giám định đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác giám định tư pháp cũng còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập; đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực, địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhiều lúc chưa tốt; nội dung trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng ở một số trường hợp còn chưa rõ, việc thực hiện yêu cầu giám định trong một số vụ việc còn chậm, chưa sát.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế như đại biểu nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã đề ra một số giải pháp khắc phục.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan để khắc phục những khó khăn, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác này; đặc biệt là một số hạn chế, bất cập đã được chỉ ra tại các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của Đồng chí Tổng Bí thư; kết luận của các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý giám định tư pháp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giám định, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh hoạt động giám định tư pháp. Đồng thời, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước kiện toàn đội ngũ giám định viên có đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tư pháp; xử lý một số bất cập hiện nay liên quan đến chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng giám định viên.

Lan Hương