TĂNG CƯỜNG SỰ GẮN KẾT GIỮA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VÀ HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP, HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH

16/08/2023

Bàn về vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng cần tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp, hoạch định chính sách.

Bàn về vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, cần thực hiện sơ kết việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội. Hoàn thiện cơ chế theo dõi, đôn đốc, xử lý trách nhiệm của các đối tượng chịu giám sát; quy định hình thức phù hợp để xem xét trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung trong các nghị quyết giám sát, các kiến nghị giám sát chuyên đề… để đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Từng bước hoàn thiện quy định về chế độ, kinh phí cho việc thuê khoán chuyên gia, hỗ trợ tìm kiếm thông tin cho đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cần quy định chi tiết hơn về hoạt động của Ủy ban lâm thời do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định thành lập để điều tra về một vấn đề nhất định. Cần xác định rõ việc thu thập chứng cứ của Ủy ban lâm thời được tiến hành theo thủ tục tố tụng nào; các toà án và chính quyền địa phương có trách nhiệm phải giúp đỡ về mặt pháp lý và chuyên môn đối với Ủy ban hay không; các phiên họp của Ủy ban điều tra diễn ra công khai hay họp kín; Ủy ban lâm thời có quyền triệu tập các nhân chứng như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội hay những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn hay không và sự có mặt nhân chứng có bắt buộc không…

Đưa ra kiến nghị cụ thể đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội,đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt cần tập trung vào hai hình thức giám sát là giám sát theo chuyên đề và giám sát thông qua chất vấn.

Cùng với đó, cần tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp, hoạch định chính sách về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần xác định nhằm cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, do đó, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát cần được nghiên cứu nâng lên thành các chính sách để Quốc hội tiến hành xem xét, có giải pháp cụ thể. Trong điều kiện Quốc hội hoạt động không thường xuyên, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc yêu cầu các Bộ, ngành giải trình về các chính sách trong các dự án luật, giải trình về việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Quốc hội đã đề ra trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thêm vào đó, cần tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban của Quốc hội được phân công phụ trách một mảng công việc chuyên môn khác nhau, đều có liên quan nhất định tới quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Do đó, việc Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát cấp Hội đồng/Ủy ban đối với cơ cấu lại ngành nông nghiệp sẽ bảo đảm tính chuyên môn sâu, cũng như tập hợp được đa góc độ về bức tranh tổng thể của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

           

Tăng cuờng hơn nữa sự phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong giám sát việc thực hiện pháp luật về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Việc phối hợp này sẽ tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội trao đổi thông tin về tình hình chấp hành pháp luật và triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương, cũng như kịp thời phát hiện nhanh chóng những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Đa dạng hóa phương thức cũng như nâng cao chất lượng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội để thực hiện các nhiệm vụ của người đại biểu. Thực tế hoạt động cho thấy có hai nguồn thông tin rất quan trọng trong quá trình giám sát việc thực hiện pháp luật về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, rất cần được quan tâm, đó là: Dư luận xã hội nhất là từ báo chí và các phương tiện thông tin, truyền thông về vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; Những kiến nghị, khiếu nại của nhân dân, cử tri nhất là của đối tượng chịu sự tác động bởi những văn bản về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gửi tới Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và đại biểu Quốc hội hoặc thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri.

Một trong những việc quan trọng là cần chú trọng vấn đề hậu giám sát; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát, các kiến nghị của Đoàn giám sát đã được Quốc hội chấp thuận.

Ngoài ra, đối với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội cần tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ về những vấn đề liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi, trọng tâm chất vấn. 

Hồ Hương