SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

16/08/2023

Chiều 16/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Toàn cảnh phiên họp

Cần giải trình rõ lý do bỏ quy định đối với tài sản là hàng dự trữ quốc gia

Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn gặp khó khăn; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”. Nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản; công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương còn hạn chế nên việc phát hiện, chấn chỉnh sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Luật được xây dựng dựa trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 05 năm thi hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy tại khoản 1 Điều 4 (Tài sản đấu giá) của Luật Đấu giá tài sản hiện hành đã có quy định về các loại tài sản đấu giá, mặc dù Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức nhưng việc quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý. Tại dự thảo Luật lần này đề xuất sửa đổi, bổ sung về tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành đã được ban hành hoặc đang được sửa đổi, bổ sung sau thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành.

Có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 4 về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê như dự thảo Luật, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn. Có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn về lý do bỏ quy định đối với tài sản là hàng dự trữ quốc gia và bổ sung quy định đối với tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước. 

Đảm bảo luật sửa đổi tháo gỡ được những bất cập hiện nay

Tham gia thảo luận về dự án luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hồ sơ của dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6; bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, về xem tài sản bán đấu giá, khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật hiện hành, theo đó, khi người tham gia đấu giá có yêu cầu xem tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản, hồ sơ, hình ảnh tài sản. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 36 này lại quy định: “Trường hợp tài sản đấu giá là quyền tài sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được xem hồ sơ tài sản, giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan.”

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ trong trường hợp tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 thì có thuộc loại tài sản quy định tại khoản 1 hay không? Đồng thời, với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 thì có đặt ra yêu cầu “khi người tham gia đấu giá có yêu cầu xem tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản” hay không?

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xác định rõ quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung, làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với các luật khác. Trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản vô hình, loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào? Cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, việc sửa đổi luật có đảm bảo giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay hay không? Để luật Đấu giá tài sản bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, cần có sửa đổi cụ thể như thế nào? Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại một số nước, pháp luật có quy định về hình thức “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”, tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do chưa có hình thức này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiều nội dung sửa đổi đề xuất trong dự thảo luật nằm ngoài 3 chính sách đã định. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh rõ về các nội dung này, làm rõ các nội dung sửa đổi là để thực hiện chính sách nào, đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

Trong dự thảo luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi. Đề cập đến vấn đề khó khăn trong bán đấu giá tài sản thi hành án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo luật có những quy định đặc thù, trình tự thủ tục riêng để tháo gỡ vướng mắc trong bán tài sản thi hành án.

Đóng góp ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, yêu cầu rà soát văn bản pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội sẽ là chất liệu để giúp Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định pháp luật.

Về cổng đấu giá tài sản quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị dự thảo luật nêu cụ thể hơn về cổng thông tin này, trong đó đặc biệt cần làm rõ cơ quan quản lý, vận hành, kết nối với trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản… để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện. Đồng thời, dự thảo luật cần rà soát, giải trình, làm rõ hơn các nội dung về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản theo lộ trình phù hợp.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các nội dung quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá… để khắc phục những bất cập những vấn đề này.

Chủ tịch Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản có quy định “Người được cấp Thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại”. Đây là quy định cần thiết để tránh xung đột lợi ích, tuy nhiên, đây là quy định liên quan đến quyền tự do kinh doanh, do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần nghiên cứu, nếu cần thiết thì phải luật hóa, đưa vào luật sửa đổi bổ sung lần này.

Đối với việc đào tạo nghề đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đối với quy định về miễn đào tạo nghề với một số đối tượng, cần có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp cho từng đối tượng, đảm bảo tăng cường chất lượng hành nghề, đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật về các chức danh tư pháp có liên quan.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan thẩm tra đã nỗ lực cố gắng chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội, trong đó lưu ý tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao tính khái quát, tính hệ thống hóa, kế thừa những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo luật, nhất là hoàn thiện các quy định để đảm bảo thực chất, hiệu quả, tuân theo pháp luật trong đấu giá tài sản, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các phiên đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát, giám sát hoạt động đấu giá tài sản, thực hiện tốt chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, để Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, khái niệm “tài sản” đang có nhiều nội hàm mới, cơ quan soạn thảo cần lý giải rõ cách tiếp cận về khái niệm này​

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị rà soát, đảm bảo rõ ràng, thống nhất trong quy định về xem tài sản bán đấu giá

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo luật cần rà soát, giải trình, làm rõ hơn các nội dung về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các nội dung quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá… để khắc phục những bất cập những vấn đề này

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tham gia đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, để Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức