HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG NGÀY CÀNG THIẾT THỰC

23/07/2023

Thời gian qua hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực và phát huy hiệu quả trên thực tế, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của từ hiệu quả giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2024

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội

Hoạt động giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội. Chủ thể giám sát bao gồm: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội,...Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn và tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia giám sát với Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương

Theo quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát thông qua các hoạt động như: Giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật ở địa phương; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; Cử đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi có yêu cầu;…

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá khảo sát thực tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định

Triển khai hoạt động giám sát, trong những năm qua, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng thiết thực, vừa giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tốt hơn, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động, vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trên cơ sở Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn các chuyên đề phù hợp để tổ chức giám sát tại địa phương.

Để có góc nhìn toàn diện hơn, đa chiều hơn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tùy thuộc vào nội dung giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội mời thêm đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Ban đảng Tỉnh ủy, Thành ủy, thường trực Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân và đại diện các sở, ngành, thuộc lĩnh vực có liên quan hoặc mời chuyên gia có chuyên môn sâu tham gia các cuộc giám sát.

Để cuộc giám sát đạt hiệu quả, các Đoàn đã lựa chọn những địa phương, đơn vị có tính đại diện cao, có nhiều mô hình, có tính đặc thù riêng, nơi có nhiều khó khăn, vướng mắc để tổ chức giám sát trực tiếp; còn lại là những địa phương, đơn vị sẽ thực hiện giám sát qua báo cáo. Quan tâm tham khảo, sử dụng các báo cáo, kết luận, kiến nghị của Hội đồng Nhân dân, các ban Hội đồng Nhân dân, cơ quan Kiểm tra, cơ quan kiểm toán, thanh tra,… có liên quan đến nội dung giám sát chuyên đề.

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh giám sát chuyên đề

Sau các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội đều thực hiện báo cáo kết quả giám sát, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, cấp ủy, chính quyền địa phương và đối tượng chịu sự giám sát, các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện và công khai trên cổng thông tin của Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, thành phố để cử tri và Nhân dân tiếp tục theo dõi, giám sát. Nhiều kiến nghị giám sát đã góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng được thụ hưởng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Chia sẻ về hoạt động này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiệu quả giám sát của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả giám sát tối của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Từ thực tiễn hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH TP HCM, đại biểu kiến nghị tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tăng cường vai trò và thẩm quyền giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đây là yêu cầu bức thiết nhằm tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, thẩm tra, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết triệt để, kịp thời; chú trọng giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước.

Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị giữa các cơ quan dân cử, chính quyền, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đảm bảo việc giải quyết không chồng chéo, trùng lắp nhưng vẫn triệt để; …

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Cũng theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết để phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội cần tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Ủy ban kiểm tra, cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra; thường xuyên mời đại diện Ủy ban kiểm tra các cấp, cơ quan kiểm toán tham gia cuộc giám sát do Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức;....

Bên cạnh đó, cần tăng cường chế độ bảo đảm phục vụ hoạt động giám sát và việc huy động chuyên gia vào công tác giám sát của Quốc hội. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Văn phòng trực tiếp phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát.

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên giám sát việc thi hành pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trên địa bàn tỉnh; các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; tham gia cùng các đoàn khảo sát, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đến làm việc tại địa phương; các hoạt động khảo sát, giám sát của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh,…

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Từ thực tiễn tại địa phương, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chậm trễ trong việc gửi báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, phải đôn đốc nhiều lần,… Việc xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát chưa có chế tài đủ mạnh, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong tổ chức triển khai, chưa bảo đảm thời gian thực hiện theo quy định, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chưa cao; việc trả lời, giải quyết của một số cơ quan chức năng liên quan còn chậm, chất lượng chưa cao,…; việc tập hợp, theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội chưa được thường xuyên.

Để khắc phục triệt để tình trạng này, theo đại biểu vẫn cần chú trọng và nâng cao hơn nữa khâu hậu giám sát nhằm đảm bảo các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan giải quyết triệt để và Ủy ban nhân dân tại nơi giám sát nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội và ban hành các chỉ đạo  kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót và khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm pháp luật được thi hành hiệu lực, hiệu quả trong đời sống./.

Lê Anh

Các bài viết khác