QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát
Được thành lập theo Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã nghiên cứu báo cáo, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt tổng quan tỉnh hình thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phố thông, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, về chính sách tiền lương đối với giáo viên, theo quy định của chế độ tiền lương hiện hành thì giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), được thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu), được hưởng chế độ làm thêm giờ. Ngoài các chế độ chung như công chức, viên chức các chuyên ngành khác nêu trên, giáo viên còn được hưởng các chế độ đặc thù ngành nghề như sau:
Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp tham gia giảng dạy từ 25% đến 50% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp thâm niên nhà giáo (nhà giáo đủ 5 năm giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng; sau đó, cứ năm được tính thêm 1%, phụ cấp này được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa
Giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP . Cụ thể: Phụ cấp thu hút mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), không quá 05 năm (60 tháng); Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (3 mức: 0,5; 0,7 và 1,0 mức lương cơ sở); Trợ cấp lần đầu (10 tháng lương cơ sở, trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình đi cùng); Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu.
Thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp lưu động: Giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở. Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số: Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Giáo viên công tác tại trường chuyên biệt còn được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP. Cụ thể: Phụ cấp ưu đãi mức phụ cấp 50% - 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); Phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu; Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy, giáo viên làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đã hưởng chế độ, chính sách về tiền lương (gồm lương cơ bản và phụ cấp, trợ cấp) cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức khác, đã góp phần thu hút, ổn định đời sống của đội ngũ nhà giáo.
Về số lượng người làm việc (định mức biên chế sự nghiệp) ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT thì định mức số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập như sau:
Đối với cấp tiểu học: Trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,20 giáo viên trên một lớp; Trường tiểu học dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,50 giáo viên trên một lớp; Ngoài định mức quy định trên, mỗi trường tiểu học; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, đối với cấp trung học cơ sở: Mỗi trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,90 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên trên một lớp; Ngoài định mức trên, mỗi trường trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 01 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Đối với cấp trung học phổ thông: Mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp.
Ngoài ra, về phân bổ biên chế giáo viên đối với các địa phương trong cả nước giai đoạn 2015-2022: Năm 2019, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non đối với 14 tỉnh tăng dân số cơ học cao (do có nhiều khu công nghiệp và tốc độ đô thị cao) và 05 tỉnh Tây Nguyên và bổ sung 12.267 biên chế giáo viên mầm non để chuyển số giáo viên mầm non đang hợp đồng tại các cơ sở mầm non bán công chuyển sang công lập. Như vậy, năm 2019 đã bổ sung 32.567 biên chế giáo viên.
Trên cơ sở báo cáo của 63 địa phương, Bộ Nội vụ đã thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026 cho các địa phương. Riêng năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên, trong đó: Mầm non 13.015 biên chế; Tiểu học 8.162 biên chế; Trung học cơ sở 4.665 biên chế; Trung học phổ thông 2.008 biên chế. Từ năm học 2023-2026, tiếp tục rà soát, bổ sung 38.130 biên chế giáo viên theo thực tế của từng địa phương tại từng thời điểm cho phù hợp.