ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN, TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO ĐỊA PHƯƠNG TRONG LẬP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT CẤP TỈNH

23/07/2023

Tham gia ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo luật không quy định nội dung phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giảm bớt thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương.

QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Quan tâm đến nội dung về nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Hiền chỉ rõ, tại điểm b khoản 2 Điều 63 dự thảo luật có quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định" và tại khoản 1 Điều 69 về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo luật cũng quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia".

Theo các quy định trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và cho ý kiến đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã có trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, khi xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh thì căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành có sử dụng đất cấp quốc gia, liên tỉnh theo quy định tại Điều 65.

Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu ý kiến

Do vậy, đề nghị giảm bớt thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương. Đại biểu đề nghị dự thảo luật không quy định nội dung phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đề nghị sửa lại điểm b khoản 2 Điều 63 dự thảo như sau: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng đất cấp đỉnh".

Về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện (Điều 67), đại biểu đồng tình với một số ý kiến mà trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề cập, đó là không quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trong dự án luật. Vì thực chất kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chỉ mang tính chất tập hợp, tổng hợp thông tin, ít có tính khả dụng, rất mất thời gian và gây lãng phí nguồn lực.

Trong trường hợp luật vẫn quy định phải có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, đại biểu đề nghị cần đơn giản hóa các tiêu chí và nội dung của kế hoạch, không nên quá chi tiết, cụ thể, sẽ gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cả trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Hiện nay, việc lập kế hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào danh mục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đang là vấn đề gặp rất nhiều vướng mắc của các địa phương. Vì vậy, trong kế hoạch sử dụng đất, đề nghị chỉ cần quy định Hội đồng nhân dân thông qua danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi quyết định thu hồi đất là đủ.

Liên quan đến quy hoạch sử dụng đất cấp huyện ở Điều 66, đại biểu Đào Chí Nghĩa chỉ rõ, tại khoản 3 Điều 66 quy định đối với cấp quận, thành phố trực thuộc trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng tại địa phương.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa phát biểu thảo luận tại hội trường

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để khắc phục những bất cập khi thực hiện khoản 3 Điều 66 vì những nguyên nhân sau:

 Hiện nay, chúng ta đang gặp một số vướng mắc về công tác tích hợp quy hoạch, quy hoạch sau chồng lên quy hoạch trước. Chính vì chưa khớp nhau trong các lớp quy hoạch đã dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án không thể thực hiện được. Thực trạng này hiện nay đang diễn ra ở một số địa phương, các dự án kinh doanh bất động sản không được giao đất, cho thuê đất vì quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án mâu thuẫn với quy hoạch đô thị dẫn đến các dự án này gần như tê liệt.

Đại biểu chỉ ra rằng, nếu thay quy hoạch sử dụng đất bằng quy hoạch đô thị thì sẽ gặp những vướng mắc sau:

Thứ nhất, quy hoạch đô thị hiện nay chưa có tính kế thừa tốt như quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020, có những vị trí trên quy hoạch sử dụng đất là đất sản xuất kinh doanh nhưng khi qua quy hoạch đô thị là đất ở. Việc này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Thứ hai, những nơi đã được quy hoạch sử dụng đất trước đây là đất ở mà người dân đã sinh sống hàng chục năm nay quy hoạch đô thị, quy hoạch với mục đích sử dụng khác thì vô hình trung đã tước đi lợi ích hợp pháp của người dân trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở.

Thứ ba, hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm đem lại nhiều lợi ích cho người dân và rút ngắn thời gian về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế lại mất nhiều thời gian hơn do phát sinh các thủ tục liên quan đến bất cập trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Ví dụ, người dân muốn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, trước đây người dân chỉ cần nộp hồ sơ chuyển mục đích tại Phòng Tài nguyên và Môi trường và mất 14 ngày để hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay người dân ngoài việc nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường còn phải nộp hồ sơ qua Phòng Quản lý đô thị để xác nhận các yêu cầu cho việc chuyển mục đích sử dụng đất, mất thêm 14 ngày nữa cho thủ tục này, do đó tổng thời gian giải quyết sẽ tăng gấp đôi so với quy trình thủ tục trước đó. Như vậy, người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn và thực hiện nhiều thủ tục hơn so với trước đây. Điều này đi ngược với yêu cầu tinh gọn thủ tục hành chính mà Chính phủ đang tập trung thực hiện.

Thứ tư, việc chưa đồng nhất trong việc sử dụng phần mềm giữa quy hoạch đô thị do Sở Xây dựng thực hiện và phần mềm quy hoạch sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, cách thức vận hành và sản phẩm đầu ra của 2 phần mềm này khác nhau dẫn đến việc chồng ghép các lớp quy hoạch lên nhau sẽ không trùng khớp. Ví dụ, thực hiện dự án tuyến đường qua đơn vị hành chính của cả quận và huyện thì quận sẽ do Sở Xây dựng cập nhật trên bản đồ đô thị, còn huyện thì do ngành tài nguyên môi trường cập nhật trên bản đồ sử dụng đất, nghĩa là cùng một dự án nhưng 2 đơn vị phải thực hiện theo dõi, cập nhật và quản lý bằng 2 phần mềm khác nhau nên chắc chắn việc thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý sẽ rất khó khăn.

Thứ năm, về ký hiệu các loại đất giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang hoàn toàn khác nhau, dẫn đến việc khi Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành trong việc chuyển mục đích sử dụng đất thì phải làm văn bản trao đổi với Sở Xây dựng vị trí đó sử dụng vào mục đích gì thì ngành tài nguyên môi trường mới thực hiện được nhiệm vụ. Đây là những bất cập nội tại, mất nhiều thời gian, gây lãng phí cho xã hội.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và nên để quy hoạch sử dụng đất thực hiện đúng sứ mệnh của chính mình. Trong thực tế, trong những thời gian qua đối với công tác quy hoạch chung của từng địa phương, xác định quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền, quy hoạch cụ thể, mục đích sử dụng đất của từng khu chức năng, từng vị trí thửa đất, quy hoạch đô thị sẽ là lớp quy hoạch chồng lên quy hoạch nền, xác định ở từng vị trí cụ thể được xây dựng bao nhiêu tầng, khoảng lùi bao nhiêu, có tầng hầm hay không, v.v. và đó là nhiệm vụ của quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, còn đất sử dụng với mục đích gì là nhiệm vụ của quy hoạch sử dụng đất.

Hồ Hương