ĐỀ XUẤT QUỐC HỘI CÓ CƠ CHẾ RIÊNG ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

02/06/2023

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện hiện nay.

CẦN QUYẾT SÁCH THIẾT THỰC ĐỂ DUY TRÌ VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các địa phương đã tích cực chủ động điều hành, thực hiện các chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân đến nay còn thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả mục tiêu của chương trình.

Theo đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn tại Quyết định số 652 ngày 28/5/2022 và Quyết định số 653 về dự toán ngân sách trung ương năm 2022. Nhưng nguồn vốn sự nghiệp mới được giao trong năm 2022 và năm 2023 mà chưa được giao cả giai đoạn. Do vậy, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các danh mục sử dụng vốn sự nghiệp, nhất là các dự án có thời gian thực hiện trong nhiều năm. Bộ Tài chính quyết định giao dự toán bổ sung có mục tiêu vốn sự nghiệp cho địa phương phân bổ cho từng dự án, từng lĩnh vực chi khi triển khai có nhiều nội dung chưa phù hợp, nhiều lĩnh vực thừa kinh phí, nhiều lĩnh vực có khả năng chi nhưng thiếu kinh phí. Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ và hệ thống các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành, nhiều nội dung còn chưa rõ ràng nên khó khăn cho địa phương trong công tác tổ chức triển khai thực hiện.

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cả giai đoạn 2021-2025 giống đầu tư công cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện. Giao vốn sự nghiệp hàng năm thực hiện chương trình cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để các địa phương chủ động phân bổ cho từng lĩnh vực phù hợp với thực tế.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, ngoài những bất cập trên, vướng mắc nhất hiện nay là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Nội dung cần chi không được phân bổ, có những nội dung được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Địa phương không được tự điều chỉnh do thẩm quyền này là của Trung ương.

Đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Còn theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, nguyên nhân của việc triển khai thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia không đảm bảo tiến độ đề ra là do một số quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Kế hoạch vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025 của các chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện cũng như việc giao vốn hàng năm có mặt chưa hợp lý.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức triển khai thực hiện các chương trình. Xem xét, điều chỉnh việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp, ngân sách Trung ương theo hướng giao vốn cho cả giai đoạn 2021-2025. Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, không giao theo lĩnh vực để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong việc phân bổ chi tiết và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, Chính phủ đánh giá mức độ hoàn thành 100% mục tiêu vào cuối năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng chưa làm rõ cơ sở cho các dự báo. Trong khi đó, nhiều nội dung quan trọng, số vốn chưa giải ngân lớn và đang có những vướng mắc về chế độ thực hiện như hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung thêm các phân tích, đánh giá cụ thể về những khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn chồng chéo trong quy trình xây dựng chính sách và trong tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời, cần đánh giá dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện các chương trình như hiện nay./.

Minh Thành