QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự "trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân.
Các đại biểu cũng nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nhiều đại biểu tán thành với việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 9 khoản, thuộc 5/46 điều của Luật Công an nhân dân năm 2018, tập trung vào các chính sách, như: hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan công nhân công an; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân…
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung 5/46 điều của dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết Luật Công an nhân dân được Quốc hội khóa XIV thông qua năm 2018 có hiệu lực ngày 1/7/2019, tính đến nay mới thực thi gần 4 năm.
Với phạm vi đề xuất sửa đổi lần này, đại biểu Dương Khắc Mai tán thành với quy trình xem xét thông qua một kỳ họp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị về lâu dài trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát tổng thể những phát sinh vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành luật cũng như tiên lượng những nhiệm vụ mới có thể phát sinh trong trung và dài hạn để làm cơ sở đề xuất sửa đổi mang tính toàn diện, đảm bảo hiệu lực và mang tính ổn định của Luật.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có tiếp xúc cử tri chuyên đề với 150 cán bộ chiến sĩ đại diện cho 2.739 cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng công an nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Ghi nhận ý kiến cử tri cùng với xem xét các nội dung của dự thảo Luật, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với các nhóm chính sách mà dự án Luật sửa đổi, bổ sung có đề cập; đồng tình với tính cấp thiết của dự án luật và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thận trọng, đúng quy định. Do đó, đại biểu cũng thống nhất với việc xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.
Bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và đặc điểm công tác của lực lượng công an
Một trong những nội dung sửa đổi của Luật là về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân. Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, việc sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân, tận dụng được nguồn lực chuyên sâu có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm, đồng thời nâng cao hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Đỗ Huy Khánh làm rõ, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an hiện nay ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước, như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa đảm bảo được sự đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước hiện hành. Do đó, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp với thực tế.
Thực tế, các trường hợp đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ rất ít, được thực hiện với quy định, thủ tục xét duyệt rất chặt chẽ, qua nhiều cấp bậc. Thời gian qua, việc kéo dài đối với một số đồng chí đã phát huy rất tích cực trình độ, năng lực ở góc độ sử dụng, cống hiến, trí tuệ, tầm cỡ, chuyên gia đầu ngành, đại biểu Đỗ Huy Khánh nêu rõ.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho nhiều nhóm đối tượng với những cách thức, lộ trình thực hiện không giống nhau.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 Luật Công dan nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ theo hướng: công nhân công an: Nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); Hạ sĩ quan: 47 (tăng 2 tuổi); Cấp úy: 55 (tăng 2 tuổi); Thiếu tá, Trung tá: nam 57, nữ 55 (tăng 2 tuổi cả nam và nữ); Thượng tá: nam 60, nữ 58 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 3 tuổi); Đại tá: nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); Cấp tướng: nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ giữ nguyên).
Trong khi đó, lộ trình tăng hạn tuổi phục cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam công nhân công an, đại tá và cấp tướng; và 4 tháng đối với nữ công nhân công an, thượng tá, đại tá. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành…
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Đề nghị cần làm rõ vì sao lại có sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục cao nhất, đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt vấn đề liệu có bảo đảm tính công bằng và bình đẳng đối với đối tượng là nữ. Theo đại biểu Thị Nguyệt, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày mùng 1/1/2021 theo quy định của Bộ luật Lao động. Còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp tục tiến hành rà soát để thiết kế, sắp xếp, bố trí tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất với những nhóm đối tượng, lộ trình, thời điểm thực hiện khoa học hơn, hợp lý hơn. Các quy định cần bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Bảo đảm bình đẳng giới trong các quy định của luật
Góp ý về nội dung này, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng quy định của dự thảo Luật về mức tăng tuổi đối với từng chức danh, đối tượng đã phù hợp với Bộ luật Lao động, trong đó có chú trọng quy định đối với các đối tượng đặc thù lao động trong môi trường độc hại, nặng nhọc. Dự thảo Luật quy định đảm bảo độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu của nhóm đặc thù với tuổi nghỉ hưu chung, đồng thời có tính đến các đối tượng đặc thù với cả nam và nữ như trước đây.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải
Liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, hiện cả tỉnh Thái Nguyên hàm Đại tá có 5 đồng chí nam và nữ là không có đồng chí nào, Thượng tá là 105 đồng chí nam và nữ là 5 đồng chí. Vì vậy việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với cấp nữ Thượng tá và Đại tá sẽ tạo một cơ hội bình đẳng về thời gian để các nữ lãnh đạo trong ngành công an có điều kiện phấn đấu. Đây cũng là tâm tư của chị em nữ cán bộ, chiến sĩ ngành công án tỉnh Thái Nguyên gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh qua tiếp xúc cử tri, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho hay.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, Bộ luật Lao động 2019 ra đời nâng mức tuổi nghỉ hưu theo lộ trình lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ để vừa thu hẹp khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa 2 giới, vừa dự phòng sự thiếu hụt lao động trong tương lai do quá trình già hóa dân số, đồng thời đảm bảo nguồn lực trong một số quỹ an sinh xã hội. Với tinh thần chung đó của bộ luật gốc, việc quy định nâng độ tuổi nghỉ hưu của lực lượng công an nhân dân là phù hợp. Dự thảo Luật cũng quy định sự chênh lệch 2 tuổi giữa nam và nữ làm việc trong lực lượng Công an nhân dân để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách giới. Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần tính toán đến đặc thù công việc khác nhau của các lực lượng thuộc ngành công an và phải có lộ trình cụ thể.
Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đối với các lực lượng thuộc các bộ phận trực chiến, cơ động, điều tra nên quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn đối với các bộ phận thuộc lĩnh vực quản lý hành chính, hậu cần, văn phòng, những vị trí không yêu cầu cao về thể lực và sức chiến đấu, điều này cũng phù hợp với quy định phân loại các nhóm lao động theo đặc thù công việc để áp dụng tuổi nghỉ hưu thấp hơn của pháp luật lao động.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, phát biểu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết các ý kiến góp ý xác đáng của các đại biểu không chỉ là sự chỉ đạo, sự quan tâm mà còn là sự động viên, biểu dương và chăm sóc rất kịp thời của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đối với lực lượng công an nhân dân. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan Quốc hội tổng hợp, tiếp thu, giải trình để báo cáo cấp có thẩm quyền, để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan, thẳng thắn và có nhiều thông tin, các ý kiến có căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn rõ ràng, sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội đối với nội dung dự án luật.
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, cũng như nhiều nội dung tại Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao để báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu Triệu Thị Huyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái
Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.