CẦN QUYẾT SÁCH THIẾT THỰC ĐỂ DUY TRÌ VÀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

02/06/2023

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro thì cần lấy quyền an sinh xã hội của người lao động để làm tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGUỒN LỰC NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ

QUY ĐỊNH RÕ CHẾ TÀI, TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHẬM BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Tại phiên họp, cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và ghi nhận những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, giúp kinh tế đất nước phục hồi nhanh, đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lại dấu ấn nổi bật; an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tình hình trong và ngoài nước hết sức khó khăn, nhưng vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỷ giá và lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định là thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những vướng mắc này.

Đóng góp ý kiến về việc bảo đảm đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã làm cho thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất, bởi khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả những người phụ thuộc. Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân, gia đình mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu đặt vấn đề, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng. Trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của người lao động sẽ ra sao? Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia, do đó, không biết Chính phủ đã dự liệu giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro này chưa?

Đại biểu cho rằng, tại thời điểm hiện nay, người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài việc cần thiết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, người làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách, lấy quyền an sinh xã hội của người lao động làm tiêu chí đánh giá chất lượng cũng như hiệu quả chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.

Chính phủ cần nghiên cứu, triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Đại biểu nêu rõ, việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế. Qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng. Trong những tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần.

Hệ lụy liền kề là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc diễn ra tại nhiều khu công nghiệp. Trong số đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng trên cho thấy, trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cùng với việc chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Cần chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động.

Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry– Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, do ảnh hưởng của đại dịch COVID và suy thoái kinh tế, trong quý I/2023, tình trạng lao động thất nghiệp còn nhiều, khoảng 150.000. Theo dự báo, nếu trong điều kiện doanh nghiệp còn khó khăn như hiện nay thì trong thời gian tới sẽ có chiều hướng gia tăng chứ không giảm. Ngoài ra, nếu so với cùng kỳ năm 2022, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20%. Trong đó, đối tượng lao động nữ trên 55%; đặc biệt các đối tượng này còn khá trẻ với độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, chiếm khoảng 50%. Do đó, đại biểu cho rằng cần quan tâm đến thực trạng về lao động và việc làm sau đại dịch COVID.

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Cũng quan tâm đến việc thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhận thấy, việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, do quy mô quỹ an sinh xã hội còn hạn chế nên chưa thể đảm bảo được thu nhập cho mọi đối tượng người cao tuổi. Trong khi đó, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và trong tương lai gần sẽ tác động mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội người cao tuổi chưa hoàn thiện nên đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Trước thực trạng trên, đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc người cao tuổi, nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia và mỗi người dân. Xây dựng chính sách pháp luật về an sinh xã hội cho người cao tuổi cần phải xây dựng, thực hiện song song với hệ thống pháp luật về kinh tế./.

Minh Thành