BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG NHÀ THẦU LÀ HỢP TÁC XÃ TRONG NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ VỀ TƯ CÁCH HỢP LỆ CỦA NHÀ THẦU

28/04/2023

Dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu trên các diễn đàn Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã bổ sung đối tượng nhà thầu là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã (đang được sửa đổi) trong nội dung đánh giá về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư trong nước.

HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Dự án luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo đó, về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, một số ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc xác định nhà thầu, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán; bổ sung quy định về tư cách hợp lệ đối với nhà thầu là tổ hợp tác, liên đoàn, hợp tác xã; bổ sung quy định nhà thầu, nhà đầu tư được coi là đáp ứng tư cách hợp lệ khi không còn các khoản nợ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác với ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, việc xác định nhà thầu, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng nhà thầu là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã (đang được sửa đổi) trong nội dung đánh giá về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư trong nước.

Đối với đề nghị bổ sung quy định nhà thầu, nhà đầu tư được coi là đáp ứng tư cách hợp lệ khi không còn các khoản nợ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác với ngân sách nhà nước, hiện nay trong Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quy định nhà thầu phải hoàn thành nghĩa vụ thuế. Đây là nội dung có tính kỹ thuật về đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Do đó, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục quy định cụ thể nội dung này trong các Mẫu hồ sơ mời thầu cho phù hợp.

Bên cạnh đó, với một số ý kiến ĐBQH góp ý tại các quy định cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã tiếp thu tại Điều 5 của Dự thảo luật, cụ thể, dự thảo luật đã có quy định: “Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu” để đảm bảo tính thống nhất; Sửa điểm b khoản 3 thành "Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự"; Tại điểm a khoản 1, bỏ cụm từ “đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác” để đảm bảo tính thống nhất với Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Rà soát, chỉnh lý để thống nhất quy định “không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu” với nội dung quy định tại điều 88 (Điều 92 của Dự thảo luật chỉnh lý).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo

Một số ý kiến đề nghị cần chỉnh sửa quy định về đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia “trước thời điểm đóng thầu” thay vì “trước thời điểm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” như quy định tại điểm d khoản 1 để tránh trường hợp các cơ quan, đơn vị mất thời gian lựa chọn nhà thầu mà cuối cùng vẫn phải loại nhà thầu về tư cách hợp lệ quy định tại điểm d khoản 1.

Đối với vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo quy định về lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng, trong thời gian tới, hầu hết các gói thầu sẽ tổ chức đấu thầu qua mạng. Khi đó các nhà thầu tham dự thầu đều phải đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước thời điểm đóng thầu. Đối với các gói thầu không tổ chức đấu thầu qua mạng (chủ yếu là đấu thầu quốc tế), việc quy định nhà thầu, nhà đầu tư phải đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia “trước thời điểm trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham dự thầu tại Việt Nam, nhằm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Có ý kiến cho rằng, quy định nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân phải có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật là chưa cụ thể, đề nghị quy định rõ về nội dung này trong Luật để bảo đảm thuận lợi khi tổ chức thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định này là cần thiết và thực tế đã được áp dụng ổn định từ Luật Đấu thầu năm 2013, không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Đối với từng gói thầu cụ thể, trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư sẽ quy định chứng chỉ chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất, phạm vi công việc của gói thầu. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật.

Cùng với đó, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư trong việc cung cấp tài liệu chứng minh khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản tại điểm c, khoản 1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc làm rõ nội dung của hồ sơ dự thầu, trong đó bao gồm nội dung làm rõ về khả năng thanh toán thuộc trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư và đã được quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin đã đăng ký tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83 dự thảo Luật chỉnh lý. Bên cạnh đó, trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sẽ quy định cụ thể cách thức kê khai và xác định tính chính xác về khả năng thanh toán của nhà thầu, nhà đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc, bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 để bảo đảm tính thống nhất, tính công khai, minh bạch, công bằng, tránh việc ưu đãi quá mức trong trường hợp chỉ định thầu.Có ý kiến cho rằng, không nên quy định nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý đối với các dự án đầu tư của các DNNN để bảo đảm thu hút được các nhà thầu có chuyên môn, năng lực tốt trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Có ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp độc lập về tài chính, độc lập pháp lý nhưng vẫn nằm trong một hệ sinh thái nên cần thiết phải quy định rõ nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh với loại hình doanh nghiệp này để tránh tình trạng thông thầu; cần nghiên cứu cho phép nhà thầu tư vấn thiết kế tham dự thầu gói thầu xây lắp, đồng thời có quy định đối với hoạt động đấu thầu của các Tập đoàn kinh tế nhà nước có các công ty con, công ty cổ phần.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật trình Quốc hội, đồng thời bổ sung quy định để làm rõ yêu cầu bảo đảm cạnh tranh giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Theo đó, nhà thầu (là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con của tập đoàn, tổng công ty nhà nước) không phải đáp ứng yêu cầu độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với chủ đầu tư, bên mời thầu. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập tham dự thầu gói thầu do cơ quan quản lý nhà nước làm chủ đầu tư; công ty con tham dự thầu gói thầu do công ty mẹ làm chủ đầu tư để tận dụng lợi thế, sở trường trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con (Điều 6 khoản 2 điểm a).

Minh Hùng