TÍCH CỰC TRIỂN KHAI 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ 3 ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC TRONG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG DOANH NHÂN

28/04/2023

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, thời gian tới, VCCI sẽ tích cực triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, vai trò của VCCI.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ LỄ KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Liên đoàn. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, thực hiện đường lối phát triển đất nước được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Đại hội đại biểu VCCI toàn quốc lần thứ VII tổ chức tháng 12/2021 đã đưa VCCI bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và sứ mệnh xây dựng “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Đây là tầm nhìn cho giai đoạn mới của đất nước ta, đó là phấn đấu thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi lễ

Đại hội đã thông qua việc đổi tên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, vai trò của VCCI. 

Trong đó, ba đột phá là: Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp. VCCI vừa phát huy các hoạt động truyền thống đã có, vừa đổi mới, phát triển thêm các nội dung và phương thức hoạt động mới để đem lại chất lượng, hiệu quả cao hơn. Các hoạt động như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19, tổ chức các hội nghị đối thoại với các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực thi chính sách, công bố và phát động thực hiện bộ 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, định hướng, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, hoạt động phát triển doanh nghiệp bền vững, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nhân nữ,… đều được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Nhiệm kỳ mới cũng ghi nhận việc VCCI có sáng kiến và vai trò tích cực mới trong thúc đẩy liên kết, hợp tác kinh tế giữa các địa phương theo vùng, tiểu vùng.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Đại hội VCCI lần thứ VII đã đưa ra tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ vị trí và vai trò của mình trong việc thực hiện các mục tiêu khát vọng phát triển của đất nước. Sự thịnh vượng của một quốc gia luôn gắn liền với sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Đến năm 2045, khi Việt Nam thực hiện được khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thịnh vượng thì cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân lúc đó cũng phải phát triển tương xứng, không chỉ đông về số lượng mà còn phải có đạo đức, văn hóa kinh doanh văn minh, tiến bộ, có năng lực cạnh tranh cao và trình độ hội nhập ngang tầm thế giới.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, để thực hiện điều này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta. Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, nhất là tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an ninh, an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.

Nghị quyết 09-NQ/TW đã nhấn mạnh, “việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân doanh nhân”. Chính vì vậy, bản thân mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần phải tự nỗ lực để vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần phải tăng cường hơn nữa tính liên kết hợp tác, đặc biệt trong hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, nguồn lực tài chính để đủ sức sánh ngang và đứng vững trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tận dụng các cơ hội từ hội nhập, từ sự chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, thì cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, phát huy vai trò của những “sếu đầu đàn”, đảm đương vai trò chủ lực trong các lĩnh vực kinh tế then chốt của quốc gia, là chỗ dựa để dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Cần xây dựng đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, tự tạo thành các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải tự định vị được bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế, từ năng lực kinh doanh cho đến vấn đề đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được xây dựng dựa trên kết hợp những tinh hoa của văn hoá Việt Nam với tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, phát huy trở thành sức mạnh mềm, tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có vị thế và uy tín cao ở trong nước cũng như quốc tế.

Về phía VCCI, đại hội lần thứ VII đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để thực hiện sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, Đảng đoàn VCCI vừa hoàn thành nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao về xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở kết quả tổng kết này, VCCI đã có những kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị về những phương hướng, giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao đến năm 2045.

Minh Hùng