TIẾP TỤC HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM Ở CÁC CƠ QUAN DÂN CỬ

28/04/2023

Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã trải qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 08/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Lần lấy phiếu gần đây nhất là vào nửa cuối năm 2018 đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm ở cơ quan dân cử nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn....

QUỐC HỘI SẼ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ DO QUỐC HỘI BẦU HOẶC PHÊ CHUẨN TẠI KỲ HỌP THỨ 6

SỬA ĐỔI NGHỊ QUYẾT 85/2014/QH13: KỊP THỜI THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG VỀ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH TRONG CÁC VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày, 02/02/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định 96-QĐ/TW được nhận định có nhiều điểm mới quan trọng, thể hiện rõ bước tiến trong việc đánh giá cán bộ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở nước ta đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên UBTVQH khóa XI, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một trong những điểm mới quan trọng của Quy định 96-QĐ/TW đó là, đối tượng điều chỉnh của Quy định. Nếu Quy định số 262 là Về việc lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thì Quy định số 96 là, Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Nghĩa là toàn bộ Cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến các cấp có đơn vị trực thuộc.

Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã nâng tầm việc lấy phiếu tín nhiệm (cả phạm vi quy mô và nội dung lấy phiếu) thì tất yếu việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cơ quan dân cử cũng phải đổi mới theo Quy định mới.

Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, lần lấy phiếu gần đây nhất là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bố trí một ngày rưỡi cho Phiên họp lấy phiếu tín nhiệm. Thực hiện Nghị quyết số 85/2014/QH13, thời điểm đó, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ở Hội đồng nhân dân các cấp, đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người. Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được Nghị quyết đã phát sinh một số vướng mắc cần nghiên cứu hoàn thiện.

Chiều ngày 25/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiến hành công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Tới đây, theo Nghị quyết chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến 10 -11/2023), Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật, việc sớm sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/Q-H13 là cần thiết.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIV Đặng Đình Luyến, việc sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hôi, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn năm 2014, để khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn thực hiện, cũng như để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Tỏ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020.

Nêu quan điểm, PGS.TS Lê Minh Thông, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 cần bám sát các quy định của Quyết định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của Nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung của Nghị quyết số 85/2014/Q-H13, PGS.TS Lê Minh Thông lưu ý các sửa đổi, bổ sung mới phải đáp ứng được yêu cầu về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm tới các nội dung như: hệ quả đối với người được  lấy phiếu tín nhiệm; về giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm;…

Về nội dung này, TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, khi nói đến tín nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người giữ chức vụ, quyền hạn là đề cập đến phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công vụ được giao.

Đặc biệt quan tâm tới vấn đề hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, TS. Nguyễn Đình Quyền lưu ý, hệ quả pháp lý phải được bổ sung để làm căn cứ xem xét trong các hoạt động liên quan đến công tác cán bộ, như: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ quan trọng để phục vụ công tác xem xét, đánh giá cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, công vụ được giao, phân công phụ trách, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước;…

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Quyền, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được coi là một trong những căn cứ để quy hoạch, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch và quyết định quy hoạch đối với từng vị trí công tác của cán bộ ở tất cả các cấp chiến lược, trung ương, địa phương và cơ sở.

Liên quan đến kinh nghiệm của thế giới về hoạt động này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng chia sẻ, ở các nước cũng có hai hình thức bỏ phiếu là: bỏ phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Nếu sáng kiến về việc bỏ phiếu do chính phủ đề xướng, thì đó là bỏ phiếu tín nhiệm. Việc này thường xảy ra, khi chính phủ chịu nhiều chỉ trích nên tính chính danh bị suy giảm. Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu còn được tín nhiệm, chính phủ sẽ còn có được tính chính danh để tiếp tục thúc đẩy đường lối của mình. Nếu không còn được tín nhiệm, chính phủ sẽ từ chức. Trường hợp, nếu sáng kiến về việc bỏ phiếu do phía Quốc hội đề xướng, thì đó là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Bởi vì rằng còn được tín nhiệm, thì Quốc hội không đề xuất việc bỏ phiếu để làm gì.

Bên cạnh đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm chỉ được thực hành ở những nước chính phủ được hình thành trên cơ sở Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Ở những nước, chính  phủ được hình thành trên cơ sở cử tri trực tiếp bầu chọn, thì việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm không được đặt ra..../.

Lê Anh