QUY ĐỊNH RÕ VỀ VIỆC ÁP DỤNG THỦ TỤC RÚT GỌN ĐỂ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ TRONG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

28/04/2023

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thống nhất quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 20

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trước đó, dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 20. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng để kịp thời, cụ thể, khả thi, phù hợp với các hình thức giao dịch đặc biệt là giao dịch điện tử trực tuyến; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương; lưu ý quy định về ngôn ngữ, chữ viết trong hợp đồng, hòa giải tranh chấp khi giao dịch với đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và dịch vụ không bảo đảm chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hợp đồng, hợp đồng theo mẫu; tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trách nhiệm của người tiêu dùng để bảo đảm đúng phạm vi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, không làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực thi Luật; rà soát để bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tiếp tục rà soát đảm bảo kỹ thuật lập pháp, bố cục các điều, khoản trong dự thảo Luật, kỹ thuật văn bản, từ ngữ, văn phong, thuật ngữ đảm bảo chặt chẽ, hợp lý, khoa học và dễ hiểu.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Về khái niệm người tiêu dùng được quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật, tại các phiên thảo luận tổ, phiên thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 4 và tại các hội nghị, hội thảo, đã có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì: trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại; việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì: theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít; người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp; kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì vậy, dự thảo Luật nên quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, sau khi nghiên cứu ý kiến đại hi và trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật (khoản 1 Điều 3).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V), , còn có 02 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 316, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đại biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật.

Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo Luật, quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 Điều 70 vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 78 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Minh Hùng