GS.TS HOÀNG TRẦN HẬU: QUY ĐỊNH PHẢI CỤ THỂ, KHẮC PHỤC NHỮNG KHIẾM KHUYẾT TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

11/03/2023

Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu, Viện Phát triển Công nghệ Tài chính, giá gói thầu là nút thắt lớn nhất của tất cả các hoạt động mua sắm, đầu tư công. Do đó, sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần có những quy định khoa học, phù hợp với hiện thực cuộc sống, tránh chung chung dẫn nhiều cách thức khác nhau xác định giá gói thầu…

TỔNG THUẬT SÁNG 15/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cho thấy, một số quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội  khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu nhằm kịp thời khắc phục, tháo gỡ những bất cập hiện nay, PGS.TS Hoàng Trần Hậu góp ý cụ thể vào quy định tại Chương VII của Dự thảo Luật về đấu thầu qua mạng, mua sắm tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm dịch vụ trong trường hợp đặc biệt:

Một là, Điều 1: Bổ sung Mục h, Khoản 2 “Lựa chọn nhà thầu để cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng Ngân sách NN bởi các đơn vị sự nghiệp công đã áp dụng mô hình doanh nghiệp”

Quy định này là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyên tắc thị trường, thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công mở rộng dịch vụ, tăng cạnh tranh, nâng cao tự chủ tài chính. Cơ chế tài chính hiện hành đã quy định nguyên tắc “thu đủ bù đắp chi và có tích lũy” nên quy định mọi hoạt động mua sắm để thực hiện dịch vụ này phải đấu thầu sẽ gây cản trở việc cung cấp dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công nhất là trong y tế và giáo dục.

Hai là, Điều 5: Nên bổ sung định nghĩa “Mua sắm thường xuyên”; Bổ sung định nghĩa “Trang thiết bị y tế”, vì định nghĩ này chưa được hiểu thống nhất, hiện này được dùng với nhiều thuật ngữ khác nhau: Vật tư y tế; TTBYT; vật tư, hóa chất…..

Ba là, Điều 24: Mục b, Khoản 1 nên quy định bổ sung thêm chỉ định thầu trong trường hợp hết thuốc, hóa chất, sinh phẩm và chưa có kết quả mua sắm tập trung.

Mục c, khoản 1 nên bỏ gói thầu cung cấp sinh phẩm, hóa chất trường hợp máy móc chỉ sử dụng một loại hóa chất.

Quy định này sẽ tạo ra sự lũng đoạn của các đơn vị cung cấp hóa chất; các cơ sở y tế sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị cung cấp hóa chất lại cũng là đơn vị cung cấp máy đóng.

Bốn là, Điều 26 nên đổi thành: “b) Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó với bất kỳ chủ đầu tư nào ở Việt Nam”

Điều này sẽ tạo điều kiện giảm thiểu chi phí đấu thầu không cần thiết. Nếu không quy định rõ, thực tế nhiều Sở Y tế không cho các cơ sở y tế áp gói thầu tương tự mà một nhà thầu nào đó đã trúng với chủ đầu tư khác trước đó để mua sắm trực tiếp.

Năm là, Điều 36, Khoản 2. Giá gói thầu: Đây là nút thắt lớn nhất của tất cả các hoạt động mua sắm, đầu tư công. Nếu Luật Đấu thầu lần này không có những quy định khoa học, phù hợp với hiện thực cuộc sống, vẫn chung chung mà để các quy định dưới luật đưa ra rất nhiều cách thức khác nhau xác định giá gói thầu thì hiệu quả của việc sửa đổi Luật cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Do đó, nên quy định rõ: (1)Giá gói thầu là nguồn thu tối thiểu để nhà thầu có thể thực hiện được gói thầu và hạn mức kinh phí tối đa để chủ đầu tư có thể lựa chọn được nhà thầu; Việc xác định chi phí dự phòng phải phù hợp với điều kiện, quy mô, tính chất của từng gói thầu trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật; (2)Nguyên tắc xác định giá gói thầu trên cơ sở nguyên tắc thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà thầu, chủ đầu tư và Nhà nước.

Ngoài ra, Mục 3 nên bổ sung quy định về mua trang thiết bị y tế: Đây là vấn đề phức tạp, đặc thù của ngành Y tế, nếu không có quy định riêng thì việc mua TTBYT sẽ được áp dụng các quy định như mua hàng hóa thông thường. Như vậy sẽ là khoảng trống rất lớn trong quản lý mua sắm đối với các cơ sở y tế công lập.

Cũng theo PGS.TS Đinh Công Hâu, vấn đề hiện nay, không phải hoàn toàn do các quy định của Luật Đấu thầu gây cản trở việc mua sắm trang thiết bị y tế mà do các văn bản dưới luật của ngành Y tế có nhiều điểm nghẽn lớn như về giá trang thiết bị y tế; quy định về quản lý sử dụng tài sản công trong việc mua, thuê, mượn tài sản; tình trạng phụ thuộc đặt máy của các nhà cung cấp thiết bị diễn ra quá lâu; yếu kém trong quản lý cung ứng của các sở y tế; tình trạng tiêu cực diễn ra lâu ngày khi đối mặt với sự quyết liệt của các cơ quan pháp luật thì không thực hiện mua sắm…./.

Lan Anh