Ảnh minh họa: Nguồn internet
Nghiên cứu về hoạt động Nghị viện, PGS.TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp cho biết, dù tồn tại ở hình thức nào thì Nghị viện các nước trên thế giới, nhìn chung có cùng bản chất và vai trò. Bản chất nổi bật của thiết chế Nghị viện là đại diện và dân chủ. Nghị viện do nhân dân bầu ra, theo hình thức phổ thông đầu phiếu và hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ, quyết định theo đa số. Vì đại diện cho ý chí của số đông trong xã hội nên Nghị viện được trao quyền lực và là cơ quan quyền lực nhà nước.
Trong quá trình hình thành và phát triển, để đánh giá hiệu quả hoạt động của Nghị viện, tại các nước đều đưa ra và dựa vào các tiêu chí nhất định. Các tiêu chí đó cũng không giống nhau hoàn toàn, ngoài các tiêu chí mang tính phổ quát, mỗi quốc gia đều có các tiêu chí đặc thù gắn liền với các đặc điểm lịch sử cụ thể của từng quốc gia, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức và hoạt động của Nghị viện từng nước.
Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, một số quốc gia gồm cả các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới có cơ chế riêng đánh giá hiệu quả hoạt động của Nghị viện (ví dụ như Anh, Úc, Mỹ, Pháp,….), nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa có cơ chế rõ ràng. Một số tổ chức khu vực, đặc biệt là ở châu Âu hay Khối Thịnh vượng chung đã ban hành những hướng dẫn cho các quốc gia thành viên trong đó xác định một só phương thức, tiêu chí chung để đánh giá hiệu quả hoạt động của Nghị viện trong khu vực.
Một số tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm Liên minh Nghị viện thế giới, Cơ quan phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới… cũng đã tổ chức biên soạn và công bố một số tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Nghị viện để tư vấn cho tất cả các quốc gia.
Cũng theo GS.TS Võ Khánh Vinh, đến nay, trên thế giới đã hình thành nên hai cơ chế đánh giá cơ bản hiệu quả hoạt động của Nghị viện và của nghị sĩ. Đó là đánh giá bên trong và đánh giá bên ngoài. Theo đó, đánh giá bên trong là đánh giá do một cơ quan hay một bộ phận nào đó của Nghị viện thực hiện. Đánh giá bên ngoài là đánh giá do một cơ quan, tổ chức xã hội và người dân thực hiện. Cả hai cơ chế đánh giá đều sử dụng cùng một bộ tiêu chí, công cụ đánh giá nhất định, nhưng có thể khác nhau về phạm vi, đối tượng đánh giá.
Chia sẻ về Bộ công cụ đánh giá Nghị viện do Liên mịnh Nghị viện thế giới (IPU) ban hành, TS.Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ bna Thường vụ Quốc hội cho biết, Bộ công cụ đánh giá được ban hành với mục đích hỗ trợ các nghị viện và các thành viên của họ đánh giá cách thức Nghị viện của họ hoạt động dựa trên các tiêu chí được chấp nhận rộng rãi cho các nghị viện dân chủ. Từ đó xác định các ưu tiên và phương tiện để củng cố nghị viện.
Theo đó, các thành viên Nghị viện sẽ tham gia vào việc đánh giá hoạt động của Nghị viện thông qua việc thảo luận và trả lời các câu hỏi. Việc đánh giá sẽ được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào, tùy vào các chương trình của Nghị viện và các quyết định của Chủ tịch Nghị viện.
Bộ công cụ cung cấp một khôn khổ để thảo luận giữa các thành viên của nghị viện. Phương pháp này liên quan đến việc trả lời các câu hỏi về bản chất các công việc của Nghị viện và các điều kiện liên quan để có thể thực thi. Những câu hỏi này được nhóm lại theo sau chủ đề bao gồm: Tính đại diện của Nghị viện; Sự giám sát của Nghị viện đối với hành pháp; Năng lực lập pháp của Nghị viện; Tính minh bạch và khả năng tiếp cận của Nghị viện; Trách nhiệm giải trình của Nghị viện; Sự tham gia của Nghị viện vào chính sách quốc tế.
Bộ công cụ đã được sử dụng bởi nghị viện của Rwanda, Sierra Leone, Thượng viện Campuchia, Quốc hội Ireland, Andorra….. một tổ chức tư vấn Pakistan và nhóm thực hiện thể chế tại Quốc hội Nam Phi đã bước đầu giúp các nghị viện tại các quốc gia này đánh giá kết quả hoạt động của nghị viện theo các tiêu chí của Liên minh Nghị viện thế giới đặt ra.
Nhìn chung, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Nghị viện trên thế giới được thực hiện thông qua đánh giá việc thực hiện các chức năng chính của Nghị viện bao gồm: đại diện, lập pháp, giám sát,.. và hoạt động của các thiết chế chủ yếu như các Ủy ban, các Nghị sỹ, người đứng đầu, người phát ngôn,… Ngoài ra, ở mức độ nhất định, còn có những đánh giá về một số hoạt động và vấn đề đặc biệt trong hoạt động của Nghị viện như đối ngoại, bình đẳng giới, sự tham gia của người dân, sự tham gia của người trẻ, tôn trọng và thúc đẩy nhân quyền, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, chuyển đổi số trong hoạt động của Nghị viện, tổ chức các cơ quan của Nghị viện; tổ chức các hoạt động nghiên cứu của Nghị viện; các giá trị của Nghị viện, bầu cử và vị thế của Nghị viện…../.