HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN NỘI DUNG CUỐN SÁCH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh trong thời gian qua đã khẳng định quyết tâm lớn lao của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là nhằm góp phần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nói chung.
Quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, đại biểu Y Khút Niê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm rất quyết liệt, không có vùng cấm và đã hoàn chỉnh từng bước các cơ chế, chính sách; quy định rất rõ những điều đảng viên không được làm. Kết quả đạt được đã tạo ra dư luận rất tốt, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên đương chức, đang làm nhiệm vụ.
Đại biểu Y Khút Niê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thông qua việc xử lý nghiêm minh những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp thời gian qua cho thấy, Đảng đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước. Đến nay, công tác này đã có những bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đồng tình với nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện đã trở thành xu thế, thành phong trào. Với việc kỷ luật hành chính được tiến hành đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng đã một lần nữa phản ánh tính nghiêm minh, là căn cứ thực thi trong công tác cán bộ, tránh hiện tượng “đặc quyền”, “nể nang”, bệnh “cánh hẩu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong các cơ quan công quyền. Điều này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và đội ngũ cán bộ về quy trình, quy chuẩn trong công tác cán bộ của Đảng.
Đại biểu nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là “gương tày liếp” để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự tu dưỡng, rèn luyện trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, thực sự xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân. Điều này khẳng định quan điểm không có điểm dừng, phát hiện đến đâu xử lý đến đó. Hiện nay, với sự quyết tâm chính trị rất cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, liên tục của Đảng, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng đã liên tiếp phanh phui nhiều vụ việc, không chỉ những vụ án, vụ việc mới, mà cả với những vụ việc cũ từ những năm trước đó.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Cùng tham gia ý kiến về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, yêu cầu lớn, trách nhiệm cao đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khiến chúng ta chưa thể hài lòng với kết quả hiện tại, tuy nhiên, kết quả đó thể hiện một bước tiến dài trong cuộc chiến sinh tử để bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ chế độ. Điều quan trọng nhất là công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực đẩy mạnh thì tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn được duy trì mức cao so với khu vực và thế giới, ngay cả trong bối cảnh đại dịch khó khăn, đó là tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và niềm tin của người dân, của doanh nghiệp đang trở lại.
Nhìn nhận về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam từ bình diện quốc tế, Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Petersburg cho rằng, tình hình tham nhũng đang thay đổi và công tác phòng, chống tham nhũng cũng đang thay đổi. Các doanh nghiệp lớn đã xuất hiện ở Việt Nam và họ cần phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nếu doanh nhân hoặc công chức vi phạm pháp luật, họ phải chịu trách nhiệm. Nguyên tắc đúng đắn này sẽ giúp ổn định lại tình hình trong nước và nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách kinh tế.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Petersburg
Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Petersburg nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất đúng đắn khi ciu rằng nạn tham nhũng là giặc nội xâm của Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả những quan chức cao cấp vẫn phải chịu trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm hình sự. một trọng tâm cần chú trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam trong thời gian tới là cần xử lý triệt để tham nhũng ở cấp cơ sở.
Cùng chia sẻ quan điểm, TS.Vijay Sakhuja, Đại học Rashtriya Raksha, Ấn Độ cho biết, Việt Nam là một điển hình cam kết đấu tranh chống tham nhũng tới cùng, và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những lời kêu gọi chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới người dân đã tạo sự kết nối giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và người dân trong cuộc chiến này.
TS.Vijay Sakhuja nêu rõ, 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam luôn được triển khai trên hai mặt: Xây dựng chính sách và triển khai thực thi. Dù là chính sách hay thực thi thì cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo nên không khí xây dựng lòng tin không chỉ ở người dân trong nước mà cả những nhà đầu tư nước ngoài đang đến đầu tư vào Việt Nam... Minh bạch là nền tảng cơ bản, là cơ sở để các nước làm ăn với Việt Nam. Việt Nam đang đối thoại để tham gia khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khuôn khổ này thì minh bạch và chống tham nhũng là một trong bốn trụ cột. Việt Nam đã mạnh dạn đi lên, bắt tay với các nước để cam kết thực hiện vấn đề này...