CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHÁT HUY DÂN CHỦ, TRÍ TUỆ, THỰC CHẤT NHẤT, HIỆU QUẢ NHẤT TRONG LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, việc quản lý đất đai và chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.
Nghiên cứu về dự luật, Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên cho biết, Luật Đất đai năm 2013 không đưa ra một khái niệm cụ thể về chuyển mục đích sử dụng đất mà chỉ đề cập đến các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất và một số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất mới được chuyển mục đích sử dụng đất. Có thể hiểu, chuyển mục đích sử dụng đất là sự thay đổi về mục đích sử dụng đất so với loại đất ban đầu bằng quyết định hành chính, trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép hoặc việc đăng ký biến động đất đai và trong trường hợp không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển mục đích sử dụng đất có thể do yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế hoặc các nhu cầu phát triển đô thị và văn hóa xã hội.
Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên, PVT. Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Theo Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên chuyển mục đích sử dụng đất là hoạt động mang tính điều chỉnh về đất đai. Hoạt động này được thực hiện khi tình hình kinh tế, xã hội có sự biến đổi làm nhu cầu sử dụng đất có sự biến động.
Để chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải thực hiện 2 bước: thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo pháp luật về đất đai.
Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp/đất rừng tại Luật Đất đai sửa đổi lần này, Ths. Nguyễn Thị Mai Hiên nêu rõ 04 kiến nghị :
Một là, hoàn thiện quy định về lấy ý kiến chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là bước thể hiện rõ nguyên tắc dân chủ và công khai trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cần một cách tiếp cận và một phương thức mới khi lấy ý kiến của người dân đó là: với sở hữu toàn dân thì người dân là chủ thực sự đối với đất nên họ có quyền quyết định việc sử dụng tài sản, tài nguyên của mình, của quốc gia mình cùng với Nhà nước trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích chung của quốc gia và lợi ích riêng của họ. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được hiểu là, Nhà nước với tư cách là tổ chức đại diện cho nhân dân, vì lợi ích công của toàn xã hội, sau khi chủ động hoạch định việc sử dụng nguồn tài nguyên quý của quốc gia thì thống nhất với nhân dân trên cơ sở lợi ích hợp lý và cộng đồng trách nhiệm.
Như vậy cần: bổ sung một khoản tại Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 về quy trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến để bảo đảm quyền của người dân trực tiếp nêu ý kiến tại Hội nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó, có nội dung chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Quy định thành phần bắt buộc là những hộ nông dân thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để giao, cho thuê người sử dụng đất khác đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp;
Ngoài ra, cần bổ sung vào nội dung lấy ý kiến nhân dân đối với các dự án sử dụng đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Phương thức lấy ý kiến là nguyên tắc “đồng thuận”, tức là phải đạt một tỷ lệ đồng ý tối thiểu nhất định của những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án hoặc của cộng đồng cư dân địa phương thì dự án mới được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm tổng hợp ý kiến góp ý, tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý.
Hai là, bổ sung các quy định về điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch, kế hoạch về nội dung thu hồi để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Thực tiễn tại Việt Nam thời gian qua, một trong những điểm tồn tại cơ bản là công tác điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền địa phương khá tùy tiện. Do vậy, việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp nói chung, đặc biệt đối với đất trồng lúa diễn ra không như mong muốn của chính quyền Trung ương.
Việc tránh sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần gắn với việc tránh Nhà nước đặt ra quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng không thực hiện được, đến khi điều chỉnh, hủy bỏ đã gây ra cho người sử dụng đất những thiệt hại do hạn chế quyền. Để khắc phục, cần: quy định điều kiện chặt chẽ của việc điều chỉnh, hủy bỏ nội dung quy hoạch; bổ sung quy định xử lý đối với diện tích đất đã được xác định phải thu hồi hoặc phải chuyển mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố mà sau ba năm không được thực hiện; bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất do hạn chế quyền sử dụng đất gây ra.
Ba là, hoàn thiện các quy định về thẩm định nhằm nâng cao chất lượng công tác hoạch định chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp
Chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung, của công tác hoạch định chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp nói riêng là nội dung mang tính pháp lý – kỹ thuật. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã quy định một quy trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm việc tính toán về diện tích, khu vực, vị trí chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, mục tiêu phát triển đất nước và có tính khả thi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong nhưng điều đáng băn khoăn nhất của Việt Nam hiện nay.
Như vậy, cần: Bổ sung quy định về vị rí, tính chất của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai sử đổi, trong đó cần xác định tính độc lập của Hội đồng thẩm định đối với cơ quan lập và cơ quan quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Có quan điểm cho rằng cần thành lập các hội đồng khoa học độc lập đánh giá các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan để tránh tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra tràn lan, liên tục ở nhiều địa phương đều vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng những hệ quả khôn lường về môi trường thì lại chwua được quan tâm thích đáng.
Bốn là, cần quy định đảm bảo sự thống nhất giữa chuyển mục đích sử dụng đất rừng với chuyển mục đích sử dụng rừng, trong đó cần ưu tiên trọng tâm đối với chuyển mục đích sử dụng rừng./.