LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI): 04 HÌNH THỨC LỰA CHỌN NHÀ THẦU KÝ KẾT HỢP ĐỒNG DẦU KHÍ

29/11/2022

Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương và 69 điều, trong đó tập trung bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách ưu đãi và chính sách khai thác tận thu đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí; chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

PHIÊN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương và 69 điều, trong đó tập trung bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí; hợp đồng dầu khí; hoạt động dầu khí; chính sách ưu đãi và chính sách khai thác tận thu đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí; chức năng, quyền hạn và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Luật này quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Toàn bộ mẫu vật, tài liệu, thu được trong quá trình thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí do Nhà nước Việt Nam quản lý

Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này đã quy định rất cụ thể về các nội dung liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Theo đó, về nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí: Tài nguyên dầu khí của Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước Việt Nam đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ tài nguyên, di sản văn hóa và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, bảo hiểm con người, bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Toàn bộ mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí do Nhà nước Việt Nam quản lý. Việc thu thập, giao nộp, quản lý, sử dụng, bảo mật các mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu thu được trong quá trình triển khai điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, thỏa thuận thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hợp đồng dầu khí.

Luật quy định, kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân. Hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí bao gồm: Giao nhiệm vụ trong trường hợp cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện đề án; Thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổ chức khác trong trường hợp tổ chức đó chủ trì thực hiện đề án.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Căn cứ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Phê duyệt đề cương chi tiết, dự toán chi phí để thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; phê duyệt nội dung thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; Hướng dẫn tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; Nghiệm thu, phê duyệt kết quả thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí; Thẩm định nội dung chi và phê duyệt quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước (nếu có), nội dung chi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nếu có) thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dầu khí được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

04 hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí

Liên quan tới các nội dung về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Luật đã quy định rõ về hình thức lựa chọn nhà thầu. Cụ thể việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau đây: Đấu thầu rộng rãi; Đấu thầu hạn chế; Chào thầu cạnh tranh; Chỉ định thầu.

Về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu, Luật quy định tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Tổ chức có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp theo quy định pháp luật của quốc gia bên dự thầu; cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của quốc gia mà cá nhân đó là công dân; Có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí; trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Đồng thời, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho một hoặc một số lô dầu khí thuộc danh mục lô dầu khí được phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này để triển khai thực hiện việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí.

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung chính sau đây: Danh mục lô dầu khí và hình thức lựa chọn nhà thầu đối với từng lô dầu khí; Đánh giá sơ bộ tiềm năng dầu khí của từng lô dầu khí; Thời gian tiến hành; Tiêu chí lựa chọn nhà thầu; Phương pháp đánh giá.

Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí

Theo Luật Dầu khí (sửa đổi), các loại hợp đồng dầu khí gồm: Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí; Loại hợp đồng dầu khí khác.

Nội dung chính của hợp đồng dầu khí bao gồm: Tư cách pháp lý, quyền lợi tham gia của nhà thầu ký kết hợp đồng; Đối tượng của hợp đồng;Giới hạn diện tích và tiến độ hoàn  trả diện tích hợp đồng; Hiệu lực của hợp đồng, thời hạn hợp đồng, các giai đoạn của hợp đồng, điều kiện gia hạn các giai đoạn và việc điều chỉnh, gia hạn thời hạn hợp đồng; Quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng, người điều hành; Cam kết công việc tối thiểu và cam kết tài chính tối thiểu theo giai đoạn của hợp đồng; Nguyên tắc chia sản phẩm dầu khí và xác định chi phí thu hồi; Nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí.

Hợp đồng dầu khí cũng phải nêu rõ quyền của nước chủ nhà đối với tài sản, công trình dầu khí sau khi thu hồi chi phí và sau khi chấm dứt hợp đồng; Điều kiện chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng; Quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tham gia vào hợp đồng dầu khí khi có phát hiện thương mại và được ưu tiên mua trước quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ mà nhà thầu chuyển nhượng trong hợp đồng dầu khí khi có chuyển nhượng; Cam kết về hoa hồng, đào tạo, quỹ nghiên cứu khoa học và ưu tiên sử dụng lao động, dịch vụ Việt Nam; Trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trong khi tiến hành hoạt động dầu khí; nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí; Điều kiện chấm dứt hợp đồng, xử lý các vi phạm; Phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng và luật áp dụng.

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định nội dung chính của loại hợp đồng dầu khí khác phù hợp với đặc thù của mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí. Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Về thời hạn hợp đồng dầu khí, Luật quy định thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 30 năm, trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí không quá 05 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với các lô dầu khí trong danh mục các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 35 năm, trong đó thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí không quá 10 năm. Thời hạn hợp đồng dầu khí có thể được gia hạn nhưng không quá 05 năm, thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn nhưng không quá 05 năm trên cơ sở chấp thuận của Bộ Công Thương, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh, điều kiện địa chất dầu khí phức tạp, điều kiện thực địa triển khai hoạt động dầu khí có những khó khăn rất đặc thù hoặc cần bảo đảm thời gian khai thác khí hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc cho phép gia hạn thêm thời hạn hợp đồng dầu khí và thời gian gia hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí quy định tại khoản 3 Điều này trên cơ sở thẩm định của Bộ Công Thương....

Đồng thời, Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí, thời hạn giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, quyết định thời hạn giữ lại diện tích phát hiện khí, quyết định thời hạn tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do quốc phòng, an ninh.

Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Luật Dầu khí ngày 06 tháng 7 năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Hồ Hương

Các bài viết khác