QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Điều 38 của Dự thảo luật quy định về lực lượng phòng thủ dân sự có nêu: Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ, dân phòng; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị nghiên cứu xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự gồm lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động, lực lượng rộng rãi theo hướng lực lượng tại chỗ gồm lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, công an xã, phường, thị trấn, lực lượng cơ động gồm lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội, công an và các lực lượng thuộc bộ, ngành trung ương, địa phương, lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Đồng thời, đại biểu cho rằng cần xác định rõ thành phần, nhiệm vụ của từng lực lượng này để thuận lợi hơn trong việc huy động lực lượng, chỉ huy, tổ chức thực hiện có hiệu quả, kịp thời trong khắc phục thảm họa sự cố.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhận thấy rằng quy định tại Điều 38 của dự thảo luật tương tự như tại khoản 3 Điều 13 của Luật Quốc phòng. Tuy nhiên, đối với lực lượng nòng cốt của lực lượng phòng thủ dân sự thì dự thảo luật có bổ sung lực lượng dân phòng và bỏ lực lượng các ngành trung ương so với Luật Quốc phòng. Nhưng trong Dự án luật chưa có đánh giá, giải trình rõ về sự thay đổi này. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc để bổ sung lực lượng dự bị động viên vào lực lượng nòng cốt phòng thủ dân sự, vì lực lượng này đã được huấn luyện nhiều kỹ năng trong thời gian tại ngũ và tại các địa phương hiện nay đang quản lý theo quy định của Luật Lực lượng dự bị động viên và lực lượng dự bị động viên được sắp xếp, được phân loại và sẵn sàng huy động vào lực lượng vũ trang khi thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết.
Đại biểu chỉ rõ, nếu được bổ sung lực lượng này và giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền của các địa phương về huy động lực lượng dự bị động viên tham gia phòng thủ dân sự thì sẽ bảo đảm kịp thời phát huy được lực lượng tại chỗ và các nguồn lực tại chỗ trong xử lý thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ rõ, tại Điều 38 về lực lượng phòng thủ dân sự có 2 khoản. Đề nghị bổ sung thêm khoản 3 đó là: Khi cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền có thể huy động lực lượng dự bị động viên tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Lý do bổ sung là vì trong thực tế những năm qua, nhiều địa phương đã huy động lực lượng dự bị động viên tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có sự cố thiên tai rất hiệu quả. Đồng thời, phù hợp với khoản 3, khoản 4 Điều 24 Luật Lực lượng dự bị động viên.
Liên quan đến một số nội dung về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phân tích, do tính chất, quy mô, tầm quan trọng của phòng thủ dân sự quốc gia và Hiến pháp đã quy định bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, đồng thời các nghị quyết gần đây của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trọng điểm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 quy định rất rõ cần phải nghiên cứu xây dựng thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng. Vì vậy, đại biểu thống nhất với đề xuất của Ban soạn thảo là thành lập một Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia để đảm bảo tính thống nhất, toàn diện trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành. Nhưng cần có các Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các vùng trọng điểm, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự theo từng lĩnh vực và có cơ chế chỉ đạo, phối hợp rõ ràng, nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu đề nghị luật cần quy định rõ thành phần Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo và người đứng đầu của các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương là thành viên, cơ quan thường trực là Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, đối với từng vùng, từng lĩnh vực giao Thủ tướng Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách lãnh đạo, điều hành, có quy chế hoạt động, xác định bổ sung thêm các cơ quan chức năng, địa phương trọng yếu cùng làm cơ quan thường trực để tham mưu thực hiện, như vậy sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của toàn dân trong phòng thủ dân sự.
Đồng thời, căn cứ nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung đầy đủ các giải pháp phòng thủ dân sự theo các nhóm giải pháp lớn, gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể chứ không chỉ có quy định, biện pháp và thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các cấp. Để từ đó tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân tương ứng với từng loại cấp độ phòng thủ dân sự đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần bổ sung nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên về xây dựng lực lượng nòng cốt nhân dân, nhằm huy động và phát huy sức mạnh của Nhân dân trong tham gia phòng thủ dân sự. Vì thực tế qua các thảm họa, sự cố xảy ra vừa qua, lực lượng tình nguyện viên của các đoàn thể chính trị, xã hội đã phát huy rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.