TỔNG THUẬT CHIỀU 15/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI) CÙNG 02 NGHỊ QUYẾT VÀ HỌP PHIÊN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XV

15/11/2022

3625 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 14h00 chiều 15/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời họp Phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

TỔNG THUẬT SÁNG 15/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp

Theo đó, đầu giờ chiều 15/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đồng thời biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

15h20 chiều 15/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên bế mạc. Tại Phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Kết thúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

16h12: KẾT THÚC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

15h50: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp: Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tiếp nối và phát huy thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đã có 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 07 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận Hội trường; 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 lượt tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 06 luật, 12 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý và cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. 

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã báo cáo khái quát kết quả kỳ họp. Cụ thể, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022. 

Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 06 luật, 03 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 06 dự án luật khác.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội đã nghe và thảo luận sâu sắc, thực chất các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án. 

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, sôi động, được cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cử tri và Nhân dân cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng nhân dân các cấp tích cực tham gia cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện nghị quyết giám sát, các cam kết, lời hứa của Chính phủ và các Bộ, ngành, tạo nên sức mạnh cộng hưởng để đồng hành, thúc đẩy, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Về công tác nhân sự , tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, dù có những điều chỉnh nhất định về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao và thời gian được rút ngắn hơn. 

Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cảm ơn cử tri và Nhân dân cả nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.

Cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương đã đưa tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đầy đủ, khách quan diễn biến và kết quả kỳ họp; cảm ơn và biểu dương các Bộ, Ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức phục vụ chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Kỳ họp. 

Nêu rõ, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã yêu cầu tập trung thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tinh thần chỉ đạo đó đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần và được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này, để lại những dấu ấn, hình ảnh tốt đẹp đối với cử tri và đồng bào cả nước.

Với thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của cử tri và Nhân dân cả nước, sự phối hợp của Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cùng với Nội quy kỳ họp Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này, hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

15h49 : Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành phiên bế mạc.

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đến thời điểm này Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ các nội dung trong Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu Bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

15h47: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung biểu quyết thông qua Biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 484 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,19 %. Như vậy, Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

15h33: Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; Căn cứ kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 15 tháng 11 năm 2022; Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV quyết nghị: Sau 21 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung: Thông qua 06 luật: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Thông qua 13 nghị quyết: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sang Kỳ họp kế tiếp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến lần đầu về 07 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.

Về công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đẩy mạnh triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xác định rõ trách nhiệm, đề cao kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguồn lực cho công tác tổ chức thi hành pháp luật; kịp thời trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh trên cơ sở kết quả rà soát theo đúng tiến độ; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, hủy bỏ, thay thế những văn bản không phù hợp, có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; phấn đấu từ năm 2023 trở đi khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, đặc biệt là các văn bản nợ đọng kéo dài đã nhiều năm…

Đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư, tài chính, tài sản, đất đai, xây dựng cơ bản thông qua đấu thầu, đấu giá; quản lý thuế, giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan có liên quan nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Từ năm 2023, giao Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo chung về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để báo cáo Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cũng nêu rõ, kể từ ngày Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nghị quyết cũng nêu rõ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Giao Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức Hội nghị kỷ niệm 80 năm thực hiện “Đề cương văn hóa Việt Nam”, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại, các lễ hội văn hóa bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm…

15h21: Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và đã nhận được 425 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Có 369 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 56 đại biểu Quốc hội góp ý đối với một số nội dung cụ thể.

Về nội dung tại Mục 2, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “kịp thời trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các hồ sơ xây dựng luật, pháp lệnh trên cơ sở kết quả rà soát” để bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã thể hiện cụ thể tại dự thảo Nghị quyết. Liên quan đến nội dung tại Mục 3, có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định thời gian tổng hợp số liệu để báo cáo Quốc hội về công tác tư pháp tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 cùng năm và thời điểm báo cáo Quốc hội là tại Kỳ họp đầu năm.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, không bổ sung nội dung nêu trên trong dự thảo Nghị quyết. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp với cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, thực hiện thống nhất thời gian tổng hợp số liệu để báo cáo Quốc hội.

Một số ý kiến đề nghị cần tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thêm các nội dung: giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông… Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong thời gian qua đã phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Đề cập về nội dung tại Mục 5,

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết đã quy định giao Chính phủ khẩn trương rà soát, nghiên cứu để sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo Nghị quyết. 

Về nội dung tại Mục 7, một số ý kiến đề nghị không quy định thời gian tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023; đồng thời, đề nghị cân nhắc điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 “tại Kỳ họp gần nhất” thành “trong thời gian sớm nhất”. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến nêu trên là xác đáng, do đó, xin tiếp thu, chỉnh lý Mục 7 trong dự thảo Nghị quyết như sau: Không quy định “cứng” về thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 là vào ngày 31/12/2023 để bảo đảm linh hoạt, thống nhất với nội dung trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 và phù hợp với thực tiễn. Chỉnh lý quy định về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 “trong thời gian sớm nhất” để bảo đảm thời gian, chất lượng công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm, đề xuất hoàn thiện chính sách mới và tiếp thu đầy đủ ý kiến Kết luận của Bộ Chính trị.

Về nội dung tại Mục 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung này và đã thể hiện lại tại dự thảo Nghị quyết như sau: “8. Giao Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức Hội nghị kỷ niệm 80 năm thực hiện “Đề cương văn hóa Việt Nam”, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại, các lễ hội văn hóa bảo đảm trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm”.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần ban hành thành các nghị quyết riêng đối với các nội dung sửa luật (mục 5, mục 6, mục 7) để thuận lợi khi áp dụng và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép được thể hiện tập trung trong Nghị quyết chung của Kỳ họp, nhằm ghi nhận tất cả các nội dung đã được Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong việc xử lý các vấn đề đột xuất, cấp bách phát sinh, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý một số vấn đề về nội dung và kỹ thuật văn bản trong dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua

15h18: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 486 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,59 %. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã được chính thức thông qua.

15h04:  Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến bằng văn bản của 404 đại biểu Quốc hội, trong đó, 356 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 48 đại biểu có ý kiến góp ý cụ thể.

Đối với lĩnh vực xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát với Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về công tác quy hoạch và một số Nghị quyết liên quan, bảo đảm không trùng lặp về nội dung.

Về đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu Chính phủ, Bộ Xây dựng có giải pháp khắc phục tình trạng chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung này phản ánh đúng tình hình thực tiễn và phù hợp với diễn biến phiên chất vấn, cần có giải pháp khắc phục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.

Đối với các đề nghị bổ sung nội dung về chính sách hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư hạ tầng số, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung trên là những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung trong dự thảo Nghị quyết. 

Về việc bổ sung nội dung về hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia không thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai.

Thời gian tới, để tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu ưu tiên, trong đó đã bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.

Liên quan đến đề nghị bổ sung việc xây dựng dự án Luật đạo đức công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, nội dung về đạo đức công vụ đã được quy định lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…); hơn nữa, theo định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV chưa giao việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật này. Để có đủ căn cứ, cơ sở bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết. 

Liên quan đến các kiến nghị bổ sung yêu cầu về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, vấn đề tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thanh tra; hơn nữa, vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập tại phiên chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. 

Nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ bố cục và kết cấu của dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn được xây dựng theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với một số nội dung cơ bản như đề xuất của đại biểu.

Đồng thời, tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạt động giám sát, căn cứ diễn biến phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ với những yêu cầu, tiêu chí định lượng, mốc thời gian và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm hiệu quả, khả thi, làm cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện và giám sát có hiệu quả; bảo đảm bao quát được trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ, trách nhiệm chính của người trả lời chất vấn cũng như của từng Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia giải trình…

15h03: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu điều hành phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị khách quý đến dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 21 ngày làm việc với tinh thần tích cực, dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 15/11, Quốc hội tiến hành Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Mở đầu phiên bế mạc Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

14h50: Quốc hội nghỉ giải lao

14h47: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 04 Chương, 66 Điều. Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 483 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 96,99 %. Như vậy Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

14h29: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về sự phù hợp của dự thảo Luật với Hiến pháp, các luật có liên quan và tính tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, đối chiếu các nội dung của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, dự án Luật Giao dịch điện tử... 

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Về tính khả thi, minh bạch của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật vẫn cơ bản kế thừa một số quy định như Luật hiện hành và quá trình triển khai chưa thấy Chính phủ báo cáo gặp vướng mắc.

Để bảo đảm tính khả thi, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, rà soát giảm bớt các nội dung: xây dựng quy định nội bộ của đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ (Điều 24); cho phép đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật, thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức khác hoặc bên thứ ba để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp (khoản 2 Điều 12)…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý tại dự thảo Luật nhiều điều, khoản nhằm bảo đảm tính khả thi, rõ ràng, cụ thể, dễ triển khai hơn trong thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung về đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; hoạt động của đối tượng báo cáo; nguyên tắc phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền; nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng; tiêu chí cụ thể cho việc phân loại mức độ rủi ro rửa tiền; các biện pháp giảm thiểu rủi ro về rửa tiền khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới; báo cáo giao dịch đáng ngờ; dấu hiệu đáng ngờ; trì hoãn giao dịch…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, dự thảo Luật đang giao Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo mà không quy định cụ thể trong Luật là phù hợp với bối cảnh đất nước đang trong quá trình phát triển nhanh, có nhiều thay đổi và mang tính kế thừa quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, các chuẩn mực quốc tế, thông lệ quốc tế để ban hành mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp vừa bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống rửa tiền, vừa không tạo thêm gánh nặng cho các đối tượng báo cáo.

Ngoài ra, về quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, để xác định được “cơ sở hợp lý” để nghi ngờ, đối tượng phải xem xét, thu thập và phân tích thông tin khách hàng trong từng tình huống cụ thể, do vậy, việc quy định ngay trong dự thảo Luật về cách thức xác định “cơ sở hợp lý” để nghi ngờ sẽ hạn chế tính linh hoạt, hiệu quả trong việc đối tượng báo cáo phân tích, đánh giá thông tin. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định trong dự thảo Luật.

14h28: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp theo chương trình, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

14h26: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau khi chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm có 06 Điều.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 487 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,79 %. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được chính thức thông qua.

14h13: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại Hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Trên cơ sở các ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 375/BC-UBTVQH15 ngày 15/11/2022 tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Điều 1), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá một số nội dung liên quan việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết chỉ nêu tổng thể kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế chủ yếu của 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát. Nội dung từng ngành, lĩnh vực cụ thể khác đã được thể hiện trong các Báo cáo của Đoàn giám sát. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. 

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc nhận định đánh giá giữa phần kết quả và tồn tại, hạn chế đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đảm bảo tính phù hợp, thống nhất và bỏ nhận định: cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn 2016-2021, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Các chỉ tiêu tinh giản biên chế vượt mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra. Công tác cải cách hành chính nhà nước bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. So với các lĩnh vực khác, có thể đánh giá đây là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.

Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, trong lĩnh vực trên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và được cập nhật bổ sung chi tiết hơn tại báo cáo của Bộ Nội vụ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhận định nêu tại dự thảo Nghị quyết. 

Về các kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Điều 4), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ, các bộ, ngành, đã được quy định cụ thể tại Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật liên quan; các nội dung công việc đã và đang triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.

Về khoản 2 Điều 4, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị: Rà soát các mốc thời gian, lộ trình giao Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương để xử lý các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính khả thi, phù hợp; Xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành các kiến nghị từ năm 2023 đến năm 2026 .

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và tiếp thu sửa đổi các mốc thời gian quy định tại các điểm a, b, h, k, l và khoản m thực hiện trong năm 2023 (không yêu cầu thực hiện trong năm 2022). Các nội dung trọng tâm nêu tại Khoản 2 Điều này chủ yếu liên quan tới việc rà soát, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu và xây dựng kế hoạch, lộ trình để xử lý các tồn tại, hạn chế; không phải xử lý xong các tồn tại, hạn chế này ngay trong năm 2023. Nếu để kéo dài đến năm 2026 mới hoàn thành việc rà soát, thống kê thông tin, số liệu của giai đoạn 2016-2021 sẽ không kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, dẫn đến tiếp tục kéo dài thất thoát, lãng phí, không đạt được mục tiêu của Quốc hội đặt ra.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm và báo cáo rõ kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân, đặc biệt của người đứng đầu để xảy ra các sai phạm, gây lãng phí, thất thoát; Xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và kiến nghị Chính phủ giải quyết, xử lý dứt điểm ngay trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các nội dung nêu tại điểm a Khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết. Riêng về thời gian phải có giải pháp, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này ngay trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo là yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phân loại, xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý vì theo báo cáo của Chính phủ, nhiều tồn tại, hạn chế này kéo dài nhiều năm, rất phức tạp không thể giải quyết hoàn thành ngay trong năm 2023.

14h12: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trước khi tiếp tục tiến hành biểu quyết, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

14h10: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 473 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,98 %. Như vậy, Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

14h02: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Theo đó, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết này. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ hoặc UBTVQH ban hành văn bản thí điểm. UBTVQH thấy rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Về phạm vi thí điểm, nhiều ý kiến nhất trí thí điểm trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi thí điểm, chỉ nên thực hiện tại một số địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Nghị quyết đã giới hạn phạm vi nội dung thí điểm với loại biển số đưa ra đấu giá và không giới hạn về phạm vi không gian để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương, đảm bảo công bằng về quyền lợi của người dân trên cả nước; đồng thời, khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

Do đó, trên cơ sở ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc. Đối với tên gọi của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị sử dụng cụm từ “số đăng ký xe ô tô” thay cho cụm từ “biển số ô tô” trong tên và nội dung của dự thảo Nghị quyết. Nhiều ý kiến nhất trí với Báo cáo thẩm tra đề nghị sửa tên Nghị quyết đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện là “Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh tên Nghị quyết là: “Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”.

Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng giải trình các nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết. Theo đó, về biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, nhiều ý kiến nhất trí với quy định biển số đưa ra đấu giá trong dự thảo Nghị quyết, nhưng đề nghị quy định rõ hơn biển số đưa ra đấu giá, nguyên tắc xác định biển số đưa ra đấu giá, biển số đấu giá không thành; Một số ý kiến đề nghị đấu giá với loại biển số xe ô tô nền vàng chữ đen.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định tại khoản 1 cho ngắn ngọn, nhưng cụ thể, rõ ràng. Về giá khởi điểm, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá, một số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng. Nhiều ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như nêu trong Báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là: 80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 0 đồng; ý kiến khác đề nghị giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số rất đẹp.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định.

Tiếp thu ý kiến nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Đối với quy định quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô, có ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá. Một số ý kiến đề nghị quy định phân bổ ngay trong dự thảo Nghị quyết % nộp ngân sách Trung ương, % ngân sách địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước thì tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô không thuộc trường hợp phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Để bảo đảm cơ chế sử dụng phù hợp, linh hoạt, đúng quy định của pháp luật, UBTVQH xin Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này như quy định tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm c quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để gắn sang xe khác trong trường hợp xe hỏng, bị mất, bị thu hồi…; quy định thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp bán xe giữ lại biển số trúng đấu giá.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quyền của người trúng đấu giá như tại khoản 1 Điều 6 để rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Về thời gian thực hiện thí điểm và điều khoản thi hành tại Điều 7, nhiều ý kiến nhất trí thời gian thí điểm là 3 năm, nhưng có ý kiến đề nghị thí điểm 1 đến 2 năm hoặc kéo dài lên 5 năm; một số ý kiến đề nghị ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 01/01/2023 hoặc ngày 01/7/2023; một số ý kiến băn khoăn về quyền và nghĩa vụ người trúng đấu giá khi kết thúc thí điểm.

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho thực hiện thí điểm trong 3 năm và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 7 như dự thảo Nghị quyết… Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, ngoài các nội dung trên, UBTVQH đã chỉ đạo tiến hành rà soát tiếp thu, chỉnh lý các nội dung khác có liên quan và chỉnh lý kỹ thuật văn bản và các nội dung bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, ngắn gọn, dễ nhớ và thuận lợi trong việc thực hiện.

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu mở đầu phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, chiều nay 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội