TỔNG THUẬT CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

09/11/2022

3099 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 14h00 chiều 09/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự.

TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp nội dung 1

Trước khi các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự (nội dung 2) dưới dự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (nội dung 1). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp này (nội dung 1).

16h48: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp theo 107 ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, chiều 9/11 đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan, thẳng thắn và có rất nhiều thông tin từ kinh nghiệm, từ thực tiễn sinh động, sâu sắc và toàn vẹn, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với nội dung dự án luật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vốn đầu mà đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đểtrình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh về dự án luật; cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản dự thảo luật như đề nghị Chính phủ. Trong đó có nhiều vấn đề đã được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu gửi đến các vị đại biểu theo dõi, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và0 tháng 05/2023 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.

16h38: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề các đai biểu Quốc hội quan tâm

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng cao nhất yêu cầu phòng thủ dân sự.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh đảm bảo không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Về đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại hình thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm hoạ, sự cố; Đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; Diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố; Khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao.

16h37: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu điều hành

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, do hết thời gian thảo luận, 13 đại biểu đăng ký đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp và các cơ quan nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

16h32: Đại biểu Chau Chắc - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Phòng thủ dân sự cần lồng ghép vào quy hoạch sự phát triển kinh tế-xã hội

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Chau Chắc cho rằng, việc phòng thủ dân sự cần lồng ghép vào quy hoạch sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của địa phương. Ngoài ra, việc phòng thủ dân sự cần hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, giao thông... .

Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 11, đại biểu Chau Chắc đề nghị xác định nội dung phòng thủ dân sự cần lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước và của địa phương. 

Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 12, đại biểu Chau Chắc đề nghị chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến phòng thủ dân sự phải bảo đảm yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro thảm họa sự cố và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thảm họa sự cố.

Tại Khoản 4, Điều 26 có nêu là tăng cường kiểm soát các hoạt động giao thông làm gia tăng rủi ro đối với tính mạng, sức khỏe người dân. Để tránh hiểu nhầm, đại biểu Chau Chắc đề nghị tăng cường kiểm soát các hoạt động giao thông, làm hạn chế rủi ro đối với tính mạng, sức khỏe người dân.

16h27: Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Cần quy định cụ thể về Quỹ phòng thủ dân sự và đảm bảo công khai, minh bạch

Để tránh chồng chéo luật, về giải thích từ ngữ, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị Ban soạn thảo cần quy định một cách thống nhất và đồng tình với ý kiến của đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh.

Về giải thích từ ngữ với đối tượng người dễ bị tổn thương, đại biểu cho rằng, việc giải thích từ ngữ quy định trong Luật này và Luật Phòng, chống thiên tai chưa thống nhất với nhau, đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu sửa đổi sao cho phù hợp và thống nhất. 

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định với các hành vi bị nghiêm cấm đó là thiếu tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, chỉ huy của người đứng đầu cơ quan, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng thủ dân sự. Vì đại biểu cho rằng, khi người đứng đầu cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy không kịp thời, không đến nơi đến chốn, không huy động được, các lực lượng thờ ơ, vô cảm thì sẽ xảy ra thảm họa hoặc sự cố nghiêm trọng hơn.

Về trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 50, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bỏ nội dung “quản lý và sử dụng lực lượng công an chuyên trách làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” theo quy định cho phù hợp với Luật Phòng cháy và chữa cháy. Vì Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định lực lượng phòng cháy và chữa cháy là lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy của toàn dân, ngoài lực lượng công an chuyên trách còn có lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Cho nên để tránh chồng chéo, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung này.

Về huy động các nguồn lực và Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu Lê Thị Thanh Lam băn khoăn, việc điều tiết từ các nguồn khác sang Quỹ phòng thủ dân sự thì được thực hiện như thế nào, cho những lĩnh vực gì và ai là người có thẩm quyền để điều tiết… Do đó, đề nghị cần phải có quy định cụ thể. Bên cạnh đó, việc điều tiết cần đảm bảo công khai, minh bạch và với nội dung này, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định chi tiết rõ hơn.

16h20 Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên:

Đại biểu Hoàng Anh Công bày tỏ nhất trí với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội; bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, ghi nhận sự cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo trong tiếp thu các ý kiến.

Đại biểu Hoàng Anh Công tiếp tục khẳng định có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc ban hành Luật. Cùng với đó, hồ sơ dự án Luật cũng đã đủ điều kiện để trình Quốc hội, bố cục dự thảo Luật được thiết kế khoa học, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Anh Công  cho rằng dự thảo đã quy định khá bao quát, đầy đủ những nội dung được đề cập; không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật chuyên ngành khác. 

Về chính sách của Nhà nước đối với phòng thủ dân sự, đại biểu Hoàng Anh Công nêu rõ,  trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh thì việc huy động được sức dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của xã hội là rất quan trọng. Do đó, cần thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cho các tổ chức, cá nhân xây dựng những công trình và làm những trang thiết bị về ứng dụng lưỡng dụng về phòng thủ dân sự. 

Đại biểu Hoàng Anh Công chỉ rõ,  thời gian qua công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thiên tai lớn xảy ra nhưng chưa cảnh báo được hậu quả, chưa cảnh báo được cấp độ dẫn đến thiệt hại rất lớn. Vì vậy cần có quy định về khuyến khích việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. 

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Anh Công cũng góp ý cụ thể về nội dung tại Điều 9 của dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm. Đề nghị có thêm điều khoản quy định về trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy trong hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh. Bổ sung quy định về huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, trong đó quy định rõ việc Nhà nước về khuyến khích các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ để phục vụ khắc phục hậu quả do thảm họa sự cố gây ra.

16h14: Đại biểu Thạch Phước Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Quy định tiêu chí phân loại thảm họa

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự, đảm bảo ứng phó sẵn sàng với mọi tình huống xảy ra. Nhằm góp ý hoàn thiện Luật, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát giải thích từ ngữ, đảm bảo thống nhất với Luật Quốc phòng.

Đối với khái niệm thảm họa được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm và nội hàm của thảm họa, cần chia giai đoạn, phân loại thảm họa để có quy định phù hợp về phương pháp ứng phó. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của dự án luật. Đại biểu chỉ ra rằng, Điều 45, Điều 46 có quy định về chế độ chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự, tuy nhiên lực lượng này đa dạng, chế độ chính sách được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Do đó, cần làm rõ chế độ chính sách với những người làm ở Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự và một số lực lượng cụ thể áp dụng theo quy định cụ thể nào.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, Điều 44 quy định Quỹ phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Cho rằng quy định này chưa rõ ràng, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn để đảm bảo tính chặt chẽ trong văn bản pháp luật.

Ngoài ra, theo đại biểu, cần hợp tác chặt chẽ với các nươc trong khu vực, ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trong phòng thủ dân sự để công tác này đạt hiệu quả cao.

16h08: Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng thủ dân sự.

16h08: Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng thủ dân sự.
Thống nhất cao sự cần thiết xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, tại Điều 3 về nguyên tắc phòng thủ dân sự, ban soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự hay nguyên tắc phòng thủ dân sự, vì trong Điều 3 sử dụng cả hai cụm từ này. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ để bố cục các nội hàm nguyên tắc cho phù hợp. 

Khoản 7 Điều 3 của dự thảo Luật có quy định: Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với độ tuổi, giới tính, đối tượng dễ bị tổn thương. Đại biểu đề nghị rà soát, quy định khoản này để đảm bảo tính bao quát, chặt chẽ.

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, đại biểu thống nhất với việc thành lập Ban chỉ đạo chung của quốc gia, tuy nhiên cần có quy định rõ thành phần Ban chỉ đạo, đồng thời, cần có Ban chỉ đạo ở các địa phương trọng điểm với cơ chế phối hợp rõ ràng, đảm bảo phát huy sức mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung quy định nêu cụ thể nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng lực lượng nòng cốt, góp phần phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác quan trọng này.

16h02: Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Đề nghị làm rõ thế nào là “trường hợp khẩn cấp”.

Thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, Đại biểu Trần Thị Kim Nhung đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật phòng thủ dân sự với những lý do được nêu trong Tờ trình Chính phủ. 

Việc ban hành luật riêng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý lý cụ thể, thống nhất cho tổ chức hoạt động của phòng thủ dân sự, nhằm bảo đảm hạn chế, khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan có liên quan, cũng như tập trung nguồn lực, tăng tính cơ động trong huy động lực lượng và thống nhất trong chỉ huy, xử lý các sự cố thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

Góp ý về lực lượng phòng thủ dân sự quy định tại Điều 38 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cân nhắc bổ sung lực lượng dự bị động viên vào lực lượng nòng cốt phòng thủ dân sự. Vì lực lượng này đã được huấn luyện nhiều kỹ năng trong thời gian tại ngũ và tại các địa phương hiện nay đang quản lý theo quy định của lực lượng dự bị động viên. Lực lượng này được sắp xếp, được phân loại và sẵn sàng huy động và lực lượng vũ trang khi thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết. Nếu được bổ sung lực lượng này tham gia phòng thủ dân sự và giao Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ bảo đảm kịp thời phát huy được lực lượng tại chỗ.

Tại Điều 23 quy định về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, đại biểu Trần Thị Kim Nhung cho rằng quy định này còn khá chung chung, rất khó cho việc thực hiện và dễ chồng chéo trong thực tế triển khai.

Đặc biệt, cần làm rõ thế nào là trường hợp khẩn cấp và có được hiểu như quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Tại Khoản 5 Điều 23 cũng quy định trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra thảm họa, sự cố đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Đại biểu cho rằng cần làm rõ phạm vi đề nghị như thế nào, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến đâu là phù hợp để đảm bảo không trái với quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu Trần Thị Kim Nhung cũng góp ý quy định tại Điều 70 về bãi bỏ, sửa đổi một số điều của luật có liên quan trong dự thảo luật; Điều 38 quy định về lực lượng phòng thủ dân sự.

15h59: Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Cần quy định rõ hơn về tình trạng khẩn cấp

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Siu Hương cho rằng, trong dự án Luật cần quy định rõ hơn về tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực thực hiện việc giải quyết các sự cố trong tình trạng khẩn cấp cũng là vấn đề cần được ưu tiên.

Về tình trạng khẩn cấp, đại biểu Siu Hương đề nghị quyết định rõ hơn về khái niệm này. Trên cơ sở dự án Luật cho thấy, nhiều quy định liên quan đến cụm từ “tình trạng khẩn cấp” như tại Điểm d, khoản 2, Điều 21, Khoản 4, Điều 22 và Mục 4. Nếu như Nghị định số 71 ngày 23/7/2002 quyết định chi tiết tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm thì căn cứ ban hành Nghị định có Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp năm 2000 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số luật như: Luật Quốc phòng năm 2018, Luật phòng, chống thiên tai và thực tiễn đối phó với tình trạng dịch bệnh Covid 19 cho thấy, có giai đoạn cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở mức cao hơn và lâu dài hơn.

Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu đi hành lang pháp lý để thống nhất điều chỉnh. Vì vậy, để quyết định mang tính chung nhất về phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai thì cần làm rõ khái niệm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật là hết sức cần thiết và nội hàm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật thống nhất với các văn bản nêu trên.

Thứ hai, huy động trong phòng thủ dân sự để ứng phó kịp thời và khắc phục tình trạng khẩn cấp thiên tai thì việc huy động nguồn lực là cần thiết như việc huy động trong trường hợp này chỉ cần phân biệt với trưng mua, trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Quy định này cần đối chiếu các quy định có liên quan để tạo sự thống nhất trong thực hiện để đảm bảo việc huy động hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật phòng thủ dân sự chưa quy định rõ nội dung này như trong Luật Trưng mua, trưng dụng về thẩm quyền thực hiện.

15h56: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Cần thiết có các quy định để quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình phòng thủ dân sự

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cơ bán tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thảm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự chủ động trong việc phòng chống, ứng phó với các sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh xảy ra, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước.

Về đối tượng áp dụng, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét áp dụng quy định về đối tượng áp dụng gồm hai khoản: (1) luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nước ngoài sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. (2) trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế. 

Đồng thời đề nghị xem xét bổ sung vào Chương 2 dự thảo quy định về hệ thống tiếp nhận, xử lý, dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động thông tin phòng thủ dân sự, công tác báo cáo, kiểm tra về phòng thủ dân sự cho đầy đủ hơn.

Về xây dựng công trình phòng thủ dân sự, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, với tính chất đặc thù của hệ thống công trình phòng thủ dân sự thì cần thiết phải có các quy định để quản lý chặt chẽ việc xây dựng các công trình này, nhất là yêu cầu về đầu tư xây dựng, yêu cầu về chất lượng công trình và yêu cầu phải đảm bảo an ninh, quốc phòng. Điều 12 dự thảo Luật chưa làm rõ được các vấn đề này, do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung.

Liên quan đến phân loại cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng, phòng thủ dân sự được phân loại thành 4 cấp độ, trong đó cấp độ 4 là tình trạng khẩn cấp, còn cấp độ 1,2,3 được phân loại dựa trên tiêu chí, phạm vi, địa bàn xảy ra thảm hoả, sự cố và khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố. Tuy nhiên, tiêu chí về khả năng lan rộng mà chỉ gắn với phạm vi địa bàn của một hoặc một số tỉnh thì rất khó để xác định. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung. 

Quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá tác động và dự kiến nguồn lực để đảm bảo thực hiện chính sách này.

15h47 Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Rà soát các khái niệm trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành và thông lệ quốc tế

Đại biểu Vương Quốc Thắng bày tỏ cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các nội dung của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự. 

Góp ý về khái niệm phòng thủ dân sự và phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Vương Quốc Thắng nêu rõ, yêu cầu về “hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trở lại bình thường” được nêu ở Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị nhưng chưa được thể hiện ở khái niệm phòng thủ dân sự tại khoản 1 Điều 2 trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật có giải thích khái niệm “sự cố”, “thảm họa” nhưng không rõ ranh giới của sự cố thiên tai, dịch bệnh được điều chỉnh trong Luật này với các luật chuyên ngành khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Năng lượng, nguyên tử, Luật An ninh mạng, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Phòng, chống thiên tai.

Mặt khác, khái niệm “thảm họa” chưa phù hợp với các tiếp cận quốc tế. Theo Hiệp định Asian về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp thì thảm họa có nghĩa là hoạt động của một cộng đồng hay một xã hội bị rối loạn nghiêm trọng, gây ra những tổn thất về người, vật chất, kinh tế hoặc môi trường. Do vậy, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật với các luật chuyên ngành, quy định quốc tế, đồng thời thể hiện sâu sắc hơn quan điểm được nêu Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước cần nhất quán, tránh bỏ sót trách nhiệm của các bộ, ngành; cần rà soát lại quy định phân công trách nhiệm quản lý để tránh xáo trộn trong tổ chức bộ máy thực thi pháp luật và tương thích với luật pháp quốc tế.

Đại biểu Vương Quốc Thắng cũng lưu ý về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật như quy định về các dạng thảm họa sự cố nhưng rất khó phân biệt được thảm họa, sự cố do thiên nhiên hay do con người gây ra và thảm họa sự cố khác theo quy định pháp luật. Hay quy định về các mức độ phòng thủ dân sự chưa phù hợp với các luật chuyên ngành như Luật Phòng chống thiên tai thì với cấp độ rủi ro thiên tai được xác định theo 3 tiêu chí cường độ hoặc mức độ nguy hiểm của thiên tai, phạm vi ảnh hưởng khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng và môi trường và tương ứng với nó là các cấp độ cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai. Quy định như dự thảo cũng chưa phù hợp với mức độ sự cố về an ninh mạng, sự cố về năng lượng, nguyên tử.

Ngoài ra, đại biểu Vương Quốc Thắng cũng bày tỏ băn khoăn về nhân lực, bộ máy tổ chức và nguồn tài chính để bảo đảm thực thi Luật Phòng thủ dân sự trong điều kiện ngân sách nhà nước và nhân lực khu vực nhà nước hạn chế như hiện nay.

15h25: Quốc hội nghỉ giải lao

15h18: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Đảm bảo tính thống nhất của Luật này trong hệ thống pháp luật

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng việc ban hành Luật đảm bảo các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn; khắc phục hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu cho rằng, Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng; cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh với các luật chuyên ngành khác như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật An toàn thông tin mạng…

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, đại biểu cho rằng việc hợp nhất cơ quan chỉ đạo ở địa phương và trung ương là phù hợp, tránh chồng lấn, đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, không lúng túng hay lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phân tích kỹ hơn mô hình, cách thức hoạt động của các Ban chỉ đạo hiện có để đảm bảo có quy định sát với thực tiễn, tăng tính khả thi khi áp dụng Luật.

Về các biện pháp áp dụng trong phòng thủ dân sự từ cấp độ 1 đến cấp độ 3, đại biểu đề nghị cần có điều khoản quy định tính liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các lực lượng, các tổ chức khi thực hiện các cấp độ phòng thủ từ cấp 1 đến cấp 3.

Về Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị cần có điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết đối với Quỹ phòng thủ dân sự và Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó quy định rõ nguồn thu, thời gian thu, mức độ đóng góp của từng đối tượng, về điều kiện, đối tượng chi, khoản chi… để đảm bảo tính chặt chẽ trong quá trình quản lý, sử dụng hai loại Quỹ này.

Ngoài ra, theo đại biểu, bố cục của Dự thảo Luật ở một số Chương còn chưa cân đối, chưa hợp lý; có những Chương đến 20 điều luật, có những Chương chỉ có 2 điều. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bố cục lại các Chương, sắp xếp theo nhóm vấn đề liên quan, đảm bảo hợp lý, logic.

15h12: Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy sức mạnh toàn dân

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Phòng thủ dân sự nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, tăng cường nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy sức mạnh toàn dân, chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh và bố cục dự án Luật, đại biểu đề nghị chuyển khoản 1 Điều 12 về khái niệm “công trình phòng thủ dân sự” và khoản 1 Điều 21 về khái niệm “cấp độ phòng thủ dân sự” về Điều 2 Giải thích từ ngữ.

Đại biểu cũng cho rằng, cần chuyển khoản 2 Điều 21 về cấp độ phòng thủ dân sự nên bố cục thành một Điều riêng sau Điều 6 trong Chương 1 về quy định chung, để quy định về đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố, phân loại cấp độ phòng thủ dân sự, để đảm tính hợp lý, chặt chẽ, logic của dự án Luật.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành để chỉnh lý theo hướng chỉ quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến các nội dung của dự thảo Luật, tránh dàn trải.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát văn phong, kỹ thuật lập pháp để đảm bảo dự thảo luật hoàn thiện, đảm bảo rõ ràng, cụ thể, thống nhất, khả thi sau khi ban hành

15h06: Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đề nghị sửa quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự.

Góp ý vào khoản 5 Điều 9 của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định về hành vi làm hư hỏng, phá hủy trộm cắp trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị thay cụm từ “trộm cắp” bằng từ “chiếm đoạt” để bảo đảm tính bao quát và đầy đủ hơn. Bởi ngoài hành vi trộm cắp còn có thể có các hành vi khác chiếm đoạt trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự. Ngoài ra, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng trang thiết bị công trình phòng thủ dân sự.

Tại Điều 11 về xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, dự thảo luật quy định kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp được xây dựng theo chu kỳ 5 năm và điều chỉnh hàng năm khi cần thiết. Cụ thể tại khoản 3,4,5 Điều 11, Kế hoạch phòng thủ dân sự bao gồm Phong tục dân sự quốc gia do Chính phủ ban hành, kế hoạch phòng thủ dân sự cấp Bộ do Bộ trưởng ban hành, kế hoạch phòng thủ dân sự địa phương do Chủ tịch UBND các cấp phê duyệt.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Tất Hiếu, kế hoạch phòng thủ dân sự ở các cấp sẽ có nội dung khác nhau do phạm vi áp dụng vào đối tượng thực hiện khác nhau. Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại theo hướng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, tình hình phát triển của các ngành kinh tế và cơ sở hạ tầng trên quy mô toàn quốc hoặc trong phạm vi cấp xây dựng kế hoạch phòng thủ. Góp ý về quy định tại Điều 18 về các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, dự thảo đã liệt kê một số biện pháp mà Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng nhưng đại biểu cho rằng chưa đầy đủ.

Đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp huy động lực lượng, phương tiện ứng phó để bảo đảm cho việc thực hiện hiệu quả các biện pháp khác. Ngoài ra, đại biểu Lê Tất Hiếu cũng góp ý vào khoản 2, Điều 23 về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện; Điều 46 về chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp công tác tổ chức hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự…

15h01: Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Tăng cường ứng dụng khoa học nghệ trong phòng thủ dân sự

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị làm rõ khái niệm phòng thủ dân sự; thảm họa và sự cố, khái niệm lực lượng chuyên trách. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, việc ứng dụng khoa học nghệ trong phòng thủ dân sự góp phần vào phòng chống thảm họa, sự cố nên cần được tăng cường.

Theo đó, để đảm bảo dự án Luật Phòng thủ dân sự chặt chẽ hơn, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ và hoàn thiện khái niệm phòng thủ dân sự trên cơ sở kế thừa Khoản 1, Điều 13 Luật Quốc phòng. Đồng thời nghiên cứu theo hướng quy định những vấn đề chung nhất không mang tính liệt kê hoặc gắn vào từng trường hợp thảm họa, sự cố cụ thể bởi các dạng thảm họa, sự cố đã được quy định cụ thể tại Điều 5 dự án luật này.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố nguy hiểm nghiêm trọng gây ra, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Cùng với hoàn thiện khái niệm phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện hai khái niệm thảm họa và sự cố để bổ sung cho khái niệm phòng thủ dân sự chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ khái niệm chuyên trách để rõ hơn nội hàm của cụm từ lực lượng chuyên trách được nhắc đến tại Khoản 4, Điều 4 về chính sách của Nhà nước xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức trang bị hiện đại, chuyên nghiệp và Khoản 1, Điều 38 về lực lượng phòng thủ dân sự bởi lực lượng chuyên trách trong phòng thủ dân sự phải thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ theo từng dạng thảm họa, sự cố cụ thể. Do thực tiễn yêu cầu khác với lực lượng chuyên trách chuyên ngành được quy định chỉ tập trung chuyên sâu một nhiệm vụ chính được giao.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ lực lượng chuyên trách được tổ chức ở cấp nào, thẩm quyền điều động, chỉ huy và trang bị như thế nào đối với lực lượng này?

Tại Điều 7 về khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự, dự thảo Luật đã dành riêng một điều quy định về ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này là cần thiết. Nội dung ứng dụng khoa học, công nghệ cơ bản đầy đủ nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc trong thực tế sẽ giúp cho công tác phòng thủ dân sự đáp ứng ngày càng cao yêu cầu phòng ngừa, ứng phó thảm họa, sự cố.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Khoản 1 để đảm bảo đầy đủ hơn trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ. Theo đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng thủ dân sự không chỉ trong đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự dân sinh mà còn được ứng dụng cả trong các hoạt động và trang thiết bị phòng thủ dân sự.

14h55: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Quỹ phòng thủ dân sự cần xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Góp phần hoàn thiện dự án Luật, đại biểu cho rằng, về tổng thể, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước cũng như trong hội nhập quốc tế. 

Về Quỹ phòng thủ dân sự tại Điều 44, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị khi Quỹ phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở đều tiết từ các quỹ cần phải xác định rõ, cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ, không thể chi hỗ trợ từ quỹ phòng, chống thiên tai cho các thảm họa, sự cố ngoài thiên tai.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự không chỉ đảm bảo tính thống nhất, hoàn thiện, bao quát đầy đủ các lĩnh vực mà còn mang tính chiến lược trong nhiệm vụ lập pháp để ứng phó với những bất thường của thiên nhiên, những bất cẩn của con người.

Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Khoản 2, Điều 21, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm khoảng 5 Điều 24 của dự thảo Luật như sau: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3 và phòng thủ dân sự cấp độ 4.

Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự tại Điều 37, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy ở các cấp là phù hợp, vì hiện nay trong lĩnh vực phòng thủ dân sự việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại, nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các tổ chức chỉ đạo trên có nhiều nội dung trùng lắp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thành viên.

Vì vậy, đại biểu nhận thấy, ở cấp quốc gia, việc hợp nhất các tổ chức phối hợp liên ngành cấp bộ, ngành, địa phương hợp nhất thành cơ quan chỉ huy phòng, chống phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là phù hợp.

14h47 Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cần quy định cụ thể chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự 

Đại biểu Phạm Văn Hòa ghi nhận thời gian qua, công tác phòng thủ dân sự đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thảm họa sự cố thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo vệ an ninh tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng bị chi phối bởi nhiều luật khác nhau như Luật Quốc phòng, Luật Phòng chống thiên tai, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng cháy chữa cháy.v.v.

Đại biểu nhấn mạnh việc thực tiễn trong công tác ứng phó, khắc phục thiên tai do các luật khác bị chi phối lại có nhiều, rất nhiều Ban Chỉ đạo, chỉ huy đôi lúc thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ. Do đó, cần phải có sự thống nhất chung trong tổ chức, thực hiện để mang lại hiệu quả và vì vậy việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cần thiết. 


Cho ý kiến là chính sách Nhà nước trong phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo Luật còn quy định quá chung chung. Do đó, đề nghị cần quy định cụ thể từng chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực để dễ thực hiện.

Về cấp độ phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo quy định gồm 4 cấp và tương ứng mỗi cấp quy định trách nhiệm của chính quyền là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị mỗi cấp độ phải thực hiện nhiệm vụ cần quy định cụ thể để tránh bỏ sót; đồng thời cần rõ hơn trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền.

Về thẩm quyền ban bố bãi bỏ các phòng thủ dân sự, dự thảo quy định giao ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh ban bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp 1 - 2 trên địa bàn quản lý, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc rà soát với các luật có liên quan để áp dụng tránh chồng chèo. Thực tế các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực và từng cấp độ khác nhau.

Về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có chế tài trong trường hợp không chấp hành hoặc có những thực hiện nửa vời. Đại biểu cũng chỉ rõ quy định về huy động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp còn chồng chéo với Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp. Do đó đề nghị dẫn chiếu, rà soát để tránh chồng chéo nhau. Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho ý kiến về quy định về cơ quan chỉ huy, chỉ đạo phòng thủ dân sự thống nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự từ Trung ương đến tỉnh để thống nhất chỉ đạo tập trung, gọn đầu mối, phân công, phân cấp rõ ràng.

Ngoài ra, đề nghị nói rõ ở cấp huyện, xã có Ban Chỉ đạo hay không? Về lực lượng phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị nên quy định rõ mỗi lực lượng tham gia cần cụ thể, trách nhiệm, lực lượng nào chủ trì, lực lượng nào làm nòng cốt.

14h42: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Tiếp tục rà soát Chương, Mục cho hợp lý

Tham gia thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cao bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật với các lý do về chính trị, pháp lý và thực tiễn như Tờ trình và báo cáo thẩm tra nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của Luật này.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát quy định của các Chương, Mục để đảm bảo sự thống nhất trong toàn bộ Dự thảo Luật và thống nhất với các Luật hiện hành, tránh chồng chéo, đảm bảo đồng bộ khi áp dụng. Về giải thích từ ngữ, đại biểu cho rằng, cần bổ sung cụm từ “tình trạng khẩn cấp trong hoạt động phòng thủ dân sự” với giải nghĩa rõ ràng nội hàm để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi sau khi Luật được ban hành.

Về khoản 2 Điều 12, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, đại biểu cho rằng, việc quy định còn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các công trình, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính khái quát, tính toàn diện của quy định pháp luật.

Đại biểu cho biết, tại Điều 22 của Dự án Luật quy định cụ thể rõ ràng về thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, khoản 4 quy định: Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát để quy định phù hợp, thống nhất các khoản trong điều luật này.

14h36: Đại biểu Lưu Bá Mạc- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Luật hóa các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định

Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật cũng như báo cáo giải trình tiếp thu, đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, việc ban hành Luật này là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Đại biểu bày tỏ ủng hộ quan điểm cần luật hóa các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giảm thiểu số lượng văn bản hướng dẫn thi hành.

Về các biện pháp khắc phục hậu quả, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung cụm từ “điều trị người bị thương, nhiễm độc, nhiễm xạ, tiêu tẩy, tiêu độc” như trong quy định của khoản 1 Điều 31 của dự thảo luật vào các điều tương ứng như Điều 25, 26, 27, 28 về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, trong quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hệ thống quan trắc, làm cơ sở cho các dự báo tình huống phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự khi Luật được chính thức ban hành.

14h32: Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Quy định cấp độ phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính là chưa phù hợp.

Góp ý vào các quy định của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho biết, theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 2 dự thảo luật quy định: sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra; hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Còn thảm họa biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. 

Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa. Còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Như vậy, sự cố thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa như Điều 18 dự thảo luật quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh để quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố. Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21 dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phong tục dân sự.

14h25: Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: Đề nghị hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Tráng A Dương đồng thuận với dự án Luật nhằm góp phần phòng chống thảm họa, thiên tai, sự cố xảy ra... Đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong dự án Luật, hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai

Về nội dung các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điểm 9 dự án Luật xuất phát từ thực tiễn trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong phòng thủ dân sự có ý nghĩa quan trọng. Nếu như thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ cứu sâu sát, không kịp thời, không huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng có thái độ thờ ơ, vô cảm trước sự nguy hiểm. Các sự cố thiên tai sẽ dẫn tới nguy cơ hậu quả nghiêm trọng trong việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương đề nghị bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm là thiếu tinh thần trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy cơ quan, người có thẩm quyền và trách nhiệm trong phòng thủ dân sự.

Về Khoản 3, Điều 47 quy định kinh phí hỗ trợ bảo hiểm được đảm bảo từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và quỹ phòng thủ dân sự. Theo đại biểu Tráng A Dương, quy định hỗ trợ phí bảo hiểm như dự án Luật chưa cụ thể, không khả thi với nguồn quỹ với nguồn quỹ có hạn, trong khi đây là phí bảo hiểm nên sẽ cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, cần phải quy định quy định một cách cụ thể trong trường hợp nào thì được hỗ trợ bảo hiểm do thảm họa sự cố.

Theo đại biểu Tráng A Dương, nếu chỉ quy định phí bảo hiểm chung chung cho tất cả các đối tượng như dự án Luật thì không đủ nguồn lực để thực hiện và đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nên quy định hỗ trợ bảo hiểm cho các đối tượng khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố từ cấp 3 trở lên. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính kinh phí hỗ trợ, đảm bảo chính sách an sinh xã hội theo quy định liên quan đến nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo cho các đối tượng.

14h19: Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đồng tình về Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước.

Nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật hóa Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Góp ý vào dự thảo Luật tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung giải thích hai cụm từ là “khu vực sơ tán” và “khu vực tập kết”. Vì đây là nội dung quan trọng và trong thực tiễn, đây là những khu vực chúng ta phải chuẩn bị ngay từ khi chưa xảy ra thảm họa, sự cố, khi xảy ra các tình huống thiên tai thì đây là các khu vực sơ tán, phân tán để bảo đảm an toàn cho nhân dân. Đồng thời đây cũng là khu vực tập kết lực lượng, phương tiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Về các hành vi nghiêm cấm tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung thêm một khoản đó là cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện khi địa phương huy động thực hiện dịch vụ phòng thủ dân sự. Lý do bổ sung thêm khoảng này để khi có tình huống về thảm họa, sự cố, thiên tai khi địa phương huy động mà các tổ chức, cá nhân cản trở hoặc không giao lực lượng, phương tiện làm cơ sở chế tài để xử lý. Đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực của luật.

Tạii khoản 2, Điều 12, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung thêm cụm từ “ và kho dự trữ của các địa phương” vào sau cùng từ “kho dự trữ quốc gia”. Tại Chương 3 dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung thêm thêm cụm từ “Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy” vào trước cụm từ “cơ quan Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự” tại Điều 37 thay thế cụm từ “cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự bằng cụm trường, Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy và cơ quan Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự”.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý vào Điều 66 về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

14h14 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 2 phiên họp là phiên họp thứ 14 và phiên họp thứ 15. Thông báo kết luận về nội dung này, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định những nguyên tắc, những vấn đề chung nhất, những nội dung đặc thù và những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về dự án Luật. Quốc hội cũng đã dành thời gian để thảo luận ở tổ với 107 ý kiến phát biểu. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì soạn thảo theo phân công của Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ.

Tại phiên thảo luận hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung vào nội dung về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; giải thích khái niệm “thảm họa”, “sự cố”; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy Lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự và những vấn đề khác đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý cần đi thẳng vào vấn đề, có phương án đề xuất cụ thể; các ý kiến tranh luận cần nêu rõ các nội dung tranh luận và cố gắng tránh trùng lắp nội dung, bảo đảm thời gian theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, cuối phiên thảo luận, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

14h10: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội gồm 4 Điều.

Đại biểu bấm nút biểu quyết đối với dựa thảo Luật

Tham gia biểu quyết tại Hội trường, có 444 biểu quyết tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, chiếm tỷ lệ 89,16%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

14h01: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 21/10/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan và thống nhất với Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo đó, về phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung theo khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của cụm từ “chiếm tỷ lệ cơ bản” trong nội dung "lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép" như quy định tại khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm “tỷ lệ cơ bản” trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép thể hiện tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật nhằm khẳng định mục đích sử dụng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là chính. Việc lượng hóa “tỷ lệ cơ bản” sẽ được thể hiện trong đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể quốc phòng, an ninh cũng như giải pháp công nghệ viễn thông trong từng thời kỳ.

Dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo tính linh hoạt, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ cụm từ “tỷ lệ cơ bản” thể hiện tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình về một số ý kiến còn khác nhau về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật) như sau: “d) Trường hợp đặc biệt, băng tần quy định tại khoản 2 Điều này được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 03 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lấy ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho doanh nghiệp; xác định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép.

Trước khi giấy phép hết thời hạn 03 tháng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả việc sử dụng băng tần đã cấp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dừng hoặc tiếp tục thực hiện đề án không quá 12 năm làm cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông gia hạn giấy phép”. Về phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý điểm b khoản 3 Điều 45 dự thảo Luật như sau: “Nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho tần số và thiết bị vô tuyến điện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo cho tổ chức, cá nhân phải ngừng sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho đến khi kết thúc tình huống quy định tại khoản này”….

Có ý kiến cho rằng, tiêu chí về thời hạn sử dụng băng tần là quan trọng và cần phải được quy định trong nội dung đấu giá mà không cần quy định tại khoản 3a Điều 16 Luật Tần số vô tuyến điện (được bổ sung theo khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật). Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị đưa tiêu chí thời hạn sử dụng băng tần vào nội dung đấu giá là xác đáng.

Tuy nhiên, để có cơ sở quyết định thời hạn giấy phép sử dụng băng tần đối với từng cuộc đấu giá thì ngoài quy định về thời hạn tối đa của giấy phép sử dụng băng tần cần phải bổ sung quy định trong Luật giao thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thời hạn giấy phép sử dụng băng tần được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc được cấp lại tại khoản 3a Điều 16. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định khoản 3a Điều 16 như dự thảo.

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chiều 09/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội