UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/2019/QH14

14/10/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 3, chiều ngày 14/10, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức chủ trì nội dung Phiên họp.

UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 3

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: BẢO ĐẢM KHÁCH QUAN, CÔNG KHAI, MINH BẠCH, ĐÚNG THẨM QUYỀN CỦA QUỐC HỘI

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực một số Uỷ ban, Ban thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng tham dự còn có Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Nguyễn Tuấn Anh; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Nguyễn Tuấn Anh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này. Theo đó, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với những kết quả đạt được trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân

Trong năm qua, các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân được phục hồi trở lại sau thời gian bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, yêu cầu đối với công tác PCCC và CNCH tiếp tục đặt ra cấp thiết; trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC và CNCH được Chính phủ tập trung chỉ đạo tăng cường ở mức độ cao. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản 13.357 biên bản vi phạm hành chính; xử phạt 12.949 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; tạm đình chỉ 1.276 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.096 trường hợp. Đối với các công trình vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng, đưa công trình vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Xây dựng xử lý, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành việc nghiệm thu về PCCC đối với 1.769/8.161 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng; đăng tải công khai thông tin 5.376 công trình vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để các bộ, ngành, địa phương và người dân cùng tham gia giám sát.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân, từ 01/10/2021 đến 30/9/2022, so với cùng kỳ năm 2021 số vụ cháy giảm 28% vụ, tăng 26,4% người chết, người bị thương giảm 21,4%, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính giảm 9,6%. Lực lượng PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 2.713 vụ CNCH; hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, trực tiếp tổ chức cứu được 701 người… Uỷ ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, với tinh thần xung phong không ngại hiểm nguy đã sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, cứu người bị nạn với những tấm gương chiến sĩ anh dũng hi sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022, Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14; Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong công tác PCCC và CNCH Quốc hội giao. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng có nhiều điểm hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14, một số nhiệm vụ chậm được triển khai, một số chỉ tiêu chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện vẫn chiếm tỷ lệ cao; cơ chế quản lý về bảo đảm an toàn điện chưa được quy định cụ thể, chưa rõ trách nhiệm; việc quản lý nguồn gốc, chất lượng, chứng nhận kiểm định đối với các thiết bị tiêu thụ điện trên thị trường còn nhiều bất cập; một số chủ đầu tư chấp hành chưa tốt, thậm chí không chấp hành quy định về PCCC, có 6.392 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng tại 52 địa phương.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH không ít nơi bị buông lỏng, công tác nghiệm thu PCCC đối với các dự án, công trình chưa được làm hết trách nhiệm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi chưa nghiêm; chưa kịp thời trong việc tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm cũng như áp dụng kịp thời các hình thức xử lý để ngăn chặn. Để công tác PCCC và CNCH đạt hiệu quả theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/2019/QH14, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục kéo giảm các vụ cháy, nổ và thiệt hại về người, tài sản trong các vụ cháy, nổ bằng những giải pháp cụ thể, hiệu quả, nhất là những nơi có nguy cơ cao về cháy nổ. Cũng có ý kiến cho rằng cần tăng cường giám sát công tác PCCC và CNCH nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện công tác PCCC.

Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đề nghị các thành viên Ủy ban, Ban soạn thảo cùng bộ phận giúp việc tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến các đại biểu để hoàn thiện báo cáo, bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022, Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14; Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong công tác PCCC và CNCH Quốc hội giao

Để công tác PCCC và CNCH đạt hiệu quả theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/2019/QH14, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, kỹ thuật về PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục kéo giảm các vụ cháy, nổ và thiệt hại về người, tài sản trong các vụ cháy, nổ bằng những giải pháp cụ thể, hiệu quả, nhất là những nơi có nguy cơ cao về cháy nổ

Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức kết luận nội dung phiên họp

Minh Thành - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác