PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TRONG TUYÊN TRUYỀN VỀ QUỐC HỘI

14/10/2022

Chiều 14/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để ra mặt Ban Chỉ đạo và cho ý kiến về kế hoạch hoạt động, đề cương chi tiết của Đề án.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, GIÁM SÁT, HƯỚNG DẪN CỦA UBTVQH VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

BỘ NHẬN DIỆN QUỐC HỘI VIỆT NAM: THỂ HIỆN TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Toàn cảnh phiên họp

Cùng dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án, Tổ soạn thảo.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo, cơ quan giúp việc đã rất khẩn trương, tích cực và chủ động trong việc triển khai các bước, các công đoạn để thực hiện Đề án.

Khẳng định sự cần thiết, vai trò và mức độ quan trọng của Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: trong bối cảnh, điều kiện thế giới, khu vực và trong nước đặt ra các áp lực rất cao đối với việc đổi mới, tăng cường, đẩy mạnh toàn diện công tác truyền thông của Quốc hội nói riêng, nền quản trị thông tin, truyền thông quốc gia nói chung...

Từ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội việc đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về công tác truyền thông của Quốc hội, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả, tăng cường phối hợp trong công tác truyền thông về các hoạt động của Quốc hội, các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả truyền thông đối với hoạt động của Quốc hội và tổ chức hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội phát biểu khai mạc phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những năm qua và nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao Văn phòng Quốc hội - cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội không ngừng cải tiến, đổi mới về nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội đã giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng “Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV”. Việc xây dựng, ban hành Đề án được coi là một trong những giải pháp thiết lập khuôn khổ chính sách của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xây dựng kế hoạch truyền thông một cách bài bản, có hiệu quả, góp phần công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tăng cường tương tác giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri, Nhân dân; phát triển công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội đúng với vai trò, vị thế cơ quan dân cử, Pho Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết của về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả công tác chuẩn bị triển khai xây dựng Đề án.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo “Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV

Điều hành thảo luận, định hướng nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu cho ý kiến cụ thể về kế hoạch triển khai xây dựng Đề án; tiến độ triển khai đề án, cụ thể là thời gian còn lại trong năm 2022 và năm tiếp theo đối với những việc trọng tâm, trọng điểm; dự thảo đề cương chi tiết của Đề án; dự kiến phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo; gợi mở về nội dung và cách thức triển khai đề án.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả công tác truyền thông về Quốc hội trong suốt thời gian qua nhất là hoạt động của Truyền hình Quốc hội Việt Nam và báo Đại biểu nhân dân là những cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội đã có nhiều đổi mới phản ánh nhanh hơn, đầy đủ hơn, đa chiều, sâu sắc hơn về hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, do đó trong công tác truyền thông về Quốc hội không chỉ riêng hai cơ quan nay mà cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí từ trung ương đến địa phương. Để công tác thông tin truyền thông của Quốc hội đi đúng hướng phục vụ Nhân dân, để ngươi dân thấu hiểu và nắm được hoạt động, các quyết sách của Quốc hội, lan tỏa rộng khắp từ trung ương đến địa phương, đến từng cử tri và người dân; góp phần thực hiện “dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, để người dân sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật đòi hỏi sự vào cuộc của của tất cả các cơ quan thông tấn báo chí, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết của việc sớm ban hành và đi vào tổ chức triển khai thực hiện Đề án về nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội. Theo đó, các đại biểu đều ghi nhận công tác truyền thông về Quốc hội không ngừng cải tiến đổi mới. Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Văn phòng Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế. Từ đó đưa Quốc hội, hoạt động của Quốc hội đến gần dân hơn và ngược lại. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông còn thiếu tính định hướng chiến lược, bài bản; chính sách và pháp luật hiện hành về công tác truyền thông của Quốc hội chưa đầy đủ; các phương thức truyền thông chưa được triển khai đồng đều và thường xuyên.

Các đại biểu đều thống nhất, trong bối cảnh không ngừng biến động, thay đổi của thực tiễn cuộc sống, yêu cầu phát triển của đất nước, để đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của người dân; đồng thời để hoạt động truyền thông của Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát triển đúng với mục đích và tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền cần sớm thiết lập khuôn khổ chính sách và xây dựng kế hoạch truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng. Do đó, việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội là rất cần thiết và cấp bách.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà - thành viên Ban Chỉ đạo

Nhất trí cao về các quan điểm chỉ đạo xây dựng Đề án với nhiều nội dung đổi mới, nổi bật như bảo đảm công tác truyền thông luôn đi trước một bước, song hành và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Quốc hội, có sự phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các phương thức truyền thông, giữa truyền thông chính thống và truyền thông trên mạng xã hội và kịp thời nắm bắt, xử lý hiệu quả các vấn đề, sự cố truyền thông… Các đại biểu kỳ vọng vào kết quả của Đề án sẽ là cơ sở để tổ chức triển khai một cách tổng thể các giải pháp trước mắt và dài hạn, có phương án đầu tư cả về nhân lực, tài chính, cơ chế phối hợp bảo đảm hiệu quả thiết thực trong công tác thông tin.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà đánh giá cao trong điều kiện các cơ quan đều bộn bề công việc, thời gian hạn chế song các thành viên Ban Chỉ đạo đều trách nhiệm và quyết tâm cao đề ra mục tiêu hoàn thành Đề án trong năm 2022, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành đồng của Đảng đoàn Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, đề cương chi tiết và tiến độ triển khai các công việc cụ thể. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo phát huy trí tuệ, sáng tạo, trách nhiệm để bảo đảm có được Đề án với chất lượng tốt nhất.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác