PGS. TS VŨ QUANG: CẦN CHÚ TRỌNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

14/10/2022

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là kỳ họp cuối năm với trọng tâm là công tác lập pháp sẽ được khai mạc vào ngày 20/10 tới đây. Trong đó, dự án luật Đất đai (sửa đổi) với phạm vi tác động sâu rộng, tầm ảnh hưởng lớn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Góp ý vào lần sửa đổi này, PGS.TS Vũ Quang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, cần quan tâm bổ sung, sửa đổi quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với thực tiễn, định hướng phát triển hiện nay.

THÔNG BÁO TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

TỔNG THUẬT SÁNG 22/9: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN LẦN ĐẦU VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dự án luật Đất đai (sửa đổi) là một trong 7 dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

PGS.TS Vũ Quang cho rằng, pháp luật đất đai nói chung và những quy định trong pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng, được thực hiện khá tốt trong thực tiễn cuộc sống và đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua. Tuy vậy, qua quá trình thực hiện, những quy định pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, khiếm khuyết. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển sắp tới, khi nền kinh tế đất nước định hướng phát triển theo chiều sâu, đòi hỏi vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được hoàn thiện hơn nữa.

Bất cập trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Theo PGS. TS Vũ Quang, các quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và việc thực hiện những quy định này ở nước ta thời gian qua bộc lộ một số bất cập, cụ thể:

Một là, quy định về các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong pháp luật đất đai còn chưa thực sự đầy đủ. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng của công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Yêu cầu của công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là phải hết sức khoa học.

Hai là, kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất theo quy định hiện hành chưa phù hợp và chưa đáp ứng được sự phát triển ngày một cao của đất nước.

Ba là, sư phối hợp giữa các cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được thực sự quan tâm và chưa được quy định cụ thể trong pháp luật quy hoạch nói chung và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng.

Bốn là, chưa có các quy định rõ ràng, cụ thể về vấn đề đảm bảo chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Năm là, thiếu một số quy định cụ thể về chế tài xử lý hành vi vi phạm của người có thẩm quyền lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sáu là, vấn đề điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng chưa có những quy định cụ thể, chi tiết, khắt khe hơn dẫn tới việc lạm dụng, trục lợi trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày một phổ biến hơn.

Bảy là, còn thiếu vắng các quy định đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các lĩnh vực khác nhau: Kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường... trong pháp luật quy hoạch và pháp luật đất đai.

Tám là, các quy định pháp luật đất đai về đảm bảo tính dự báo của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn của sự phát triển đất nước trong thời gian tới nên chưa thực sự phù hợp.

Ngoài ra, PGS. TS Vũ Quang cũng cho rằng, các quy định về thu thập, lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai chưa đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và còn thiếu minh bạch dẫn đến nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngầm (lòng đất), quy hoạch khoảng trống chưa đầy đủ và cụ thể sẽ gây ra những vướng mắc khó khăn rất lớn trong tương lai khi mà đất nước phát triển ở mức độ cao hơn về kinh tế - xã hội.

 PGS.TS Vũ Quang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 

Bố sung các quy định về đảm bảo tính dự  báo của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tầm quan trọng quyết định đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Hoàn thiện khung khổ pháp luật cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là việc hết sức cấp thiết và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Do đó để khắc phục những hạn chế hiện nay, theo PGS. TS Vũ Quang sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định về nguyên tắc khoa học, nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững quốc gia trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc bổ sung phải dựa trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật và cơ sở thực tiễn, được nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc, cẩn trọng.

Thứ hai, sửa đổi quy định về kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm, tầm nhìn 70 năm, kỳ kế hoạch sử dụng đất tương ứng sẽ là 10 năm đến 20 năm. Cơ sở của đề xuất này là thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Chiến lược phát triển quốc gia sau năm 2050.

Thứ ba, bổ sung các quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trách nhiệm lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước hết thuộc về Nhà nước, trong  đó là các cơ quan tổ chức nhà nước. Công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đòi hỏi phải có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức trong bộ máy nhà nước.

Thứ tư, bổ sung về vấn đề đảm bảo chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là yêu cầu quyết định cho việc thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới ở nước ta.

Thứ năm, cần ban hành quy định cụ thể về chế tài xử lý hành vi vi phạm của người có thẩm quyền lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các chế tài phải nghiêm khắc nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi trục lợi, lạm dụng quyền lực và lợi ích nhóm trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ sáu, bổ sung các quy định về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không những không được làm thay đổi mục tiêu quy hoạch như quy định trước đây mà còn phải có đầy đủ cơ sở khoa học, căn cứ thực tiễn và các yêu cầu khắt khe khác. Thậm chí khắt khe hơn so với việc thông qua quy hoạch lần đầu. Cá nhân và tổ chức có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả điều chỉnh quy hoạch.

Thứ bảy, bổ sung các quy định trong pháp luật quy hoạch và pháp luật đất đai về việc đảm bảo sự đồng bộ, sự thống nhất và sự phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các lĩnh vực khác nhau: kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường,…

Thứ tám, bố sung các quy định về đảm bảo tính dự  báo của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong pháp luật đất đai trên cơ sở khoa học và thực tiễn của sự phát triển đất nước trong tương lai sau năm 2050./.

Lê Anh

Các bài viết khác