UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 3

12/10/2022

Chiều ngày 12/10, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tư an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh chủ trì phiên họp.

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 2

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh phát biểu khai mạc Phiên họp

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Quốc phòng và An ninh. Cùng tham dự còn có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh nêu rõ, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV, tại Phiên họp lần này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023; Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng,an ninh; ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2022; phương hướng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và dự toán ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2023; Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá; Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2022, phương hướng thực hiện Nghị quyết năm 2023. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các đại biểu tập trung trí tuệ, tham gia phát biểu trách nhiệm, giúp Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra các nội dung với chất lượng cao nhất.

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025; Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Công điện, 02 Chỉ thị và 01 văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBATGTQG về Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, 02 Công điện và 05 Kế hoạch cùng gần 50 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chấn chỉnh, khắc phục và phòng tránh các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời tổ chức các cuộc họp chuyên đề để đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông trong tháng, đề ra các giải pháp tập trung vào các vấn đề nóng, bức xúc của xã hội liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Về công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch 43/KH-UBATGTQG về kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần 2022; Kế hoạch 210/KH-UBATGTQG về kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022; tổ chức đoàn công tác kiểm tra trong hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo và kiểm tra tải trọng xe tại một số tỉnh; quản lý khối lượng vật liệu khai thác và tải trọng xe tại các đầu mối theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP,…

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Bộ Giao thông vận tại cũng chỉ đạo các lực lượng Thanh tra triển khai 05 đoàn thanh tra, tập trung kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hàng hoá, hành khách trên đường thuỷ nội địa…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dù các chỉ tiêu về tai nạn giao thông năm 2022 tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 nhưng so với kỳ vọng liên tục kéo giảm tai nạn giao thông qua các năm, năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra nếu so với năm 2021. Một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện khiến hàng hoá rơi xuống đường gây mất an toàn giao thông có xu hướng diễn biến phức tạp; tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép còn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố…

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ, trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TW, Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 và Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045.

Với mục tiêu tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022 và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc cho rằng các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông Quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là quy định pháp luật cần thiết để ứng dụng kịp thời các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ 4 vào cả 5 trụ cột của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó nâng cao năng lực, bảo đảm chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, xây dựng và thực hiện nghiêm công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa. Đồng thời nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến cho phương tiện cơ giới đường bộ theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ của người tham gia giao thông…

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin về nội dung phiên họp.

Minh Thành