Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là hợp lý vì các lý do sau: Ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hơn nữa, biện pháp này không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra; Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp để chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước và toàn xã hội. Theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng chục nghìn vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả (83,5%); các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 5,5%.
Toàn cảnh phiên họp
Với thực trạng như vậy, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự. Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật của quốc gia thành viên mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Về vấn đề giải thích từ ngữ, có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích cụm từ “Tài sản trí tuệ” như sau: “Tài sản trí tuệ là kết quả của các nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhiệm vụ, dự án”; bổ sung giải thích cụm từ “Nhãn hiệu âm thanh” như sau: “Nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu được cấu thành từ yếu tố âm thanh có khả năng phân biệt nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ và được thể hiện dưới dạng đồ họa.”. Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, tài sản trí tuệ là một khái niệm rộng, bao gồm tất cả các sản phẩm trí tuệ được con người tạo ra. Mỗi loại sản phẩm trí tuệ này đều mang những đặc trưng riêng, khác biệt với các loại khác, do vậy khó có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho một khái niệm chung là “tài sản trí tuệ”. Về mặt pháp luật, tài sản trí tuệ có thể được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc pháp luật trong các lĩnh vực khác. Việc bảo hộ và bảo vệ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện đối với một số loại sản phẩm trí tuệ nhất định, cụ thể là các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về sở hữu trí tuệ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
Về bổ sung giải thích cụm từ “Nhãn hiệu âm thanh”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nhãn hiệu âm thanh là một hình thức thể hiện của nhãn hiệu, tương tự các hình thức thể hiện khác như nhãn hiệu hình, nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu 3 chiều... và trước hết phải đáp ứng chức năng của nhãn hiệu là phân biệt nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường như đã được thể hiện tại khoản 16 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ về khái niệm nhãn hiệu. Sự khác nhau về hình thức thể hiện của nhãn hiệu sẽ tiếp tục được điều chỉnh thông qua các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu (quy định tại các điều 72, 73, 74 của Luật Sở hữu trí tuệ), bao gồm cả nhãn hiệu âm thanh. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho không bổ sung định nghĩa riêng đối với loại hình nhãn hiệu này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, có ý kiến đề nghị quy định rõ như thế nào là “số lượng bản sao hợp lý” tại khoản 9 Điều 4. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về “số lượng bản sao hợp lý” được xây dựng trên cơ sở quy định tương ứng của Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật (Công ước Berne) (khoản 3 Điều 3), Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (Hiệp ước WCT) (Điều 3) và Hiệp ước của WIPO về biểu diễn và bản ghi âm (Hiệp ước WPPT) (Điều 2). Trong thực tiễn, việc xác định số lượng bản sao hợp lý phụ thuộc vào tính chất, loại hình tác phẩm, hình thức công bố và đáp ứng nhu cầu của công chúng, do đó, nếu quy định cụ thể số lượng bản sao hợp lý trong Luật sẽ không bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện, vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị cho giữ quy định như thể hiện tại khoản 9 Điều 4; trong văn bản quy định chi tiết sẽ hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình và yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, về quy định liên quan đến tiền nhuận bút trong mối quan hệ với tiền bản quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, tiền nhuận bút, thù lao vẫn đáp ứng tiêu chí xác định tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; việc liệt kê hai khoản tiền này là để nhấn mạnh một số loại tiền bản quyền phổ biến trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn thi hành Luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật.