ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGÂN SÁCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ CƠ SỞ

13/06/2022

Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, một số đại biểu cho rằng cần ưu tiên bố trí ngân sách phát triển hệ thống y tế cơ sở; đồng thời tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, , chính sách đặc thù đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

 

Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Đóng góp ý kiến tại phiên họp về mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề nghị cần có chính sách phù hợp để tăng cường, phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay. Cũng với đó có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với những người làm nghề y tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó có hệ thống y tế cơ sở.

Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định “Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Đại biểu Phạm Đình Thanh nêu rõ, việc Nhà nước ban hành các chính sách này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập trong công tác phòng ngừa bệnh tật và khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua. Đặc biệt là những yếu kém, khó khăn, bất cập đã bộc lộ rõ nét trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội nhận định, chưa bao giờ luật pháp về y tế lại “khủng hoảng”, thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay. Theo đại biểu, yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội ngày càng tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh vẫn luôn là “cứu bệnh như cứu hỏa”. Đặc biệt, thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 đã làm sức khỏe nhân dân tổn thương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành. Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch. Qua giám sát cho thấy, nhân lực y tế làm ngày, làm đêm, bất chấp nguy hiểm khó khăn nhưng thù lao đêm trực chống dịp của cán bộ y tế cơ sở chỉ có 18.600 đồng một đêm.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, quy định pháp luật hiện hành không còn phù hợp để chống dịch, không thoả đáng với những đóng góp của cán bộ y tế. Nhiều cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã xin nghỉ việc do chế độ không thoả đáng. Hành lang pháp lý còn thiếu, sơ hở và lỏng lẻo nên lòng tham của một số cán bộ y tế đã “vươn lên”. Ngành y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch COVID, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay đang bại hoại, buông tay đứng nhìn….Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành y tế như về nhân lực, nhân sự, cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.

Theo đó, đại biểu cho rằng, trước mắt cần triển khai được những nội dung của Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh và cũng để soi xét những vấn đề sai phạm một cách thấu tình đạt lý. Đồng thời ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống dịch và những luật liên quan như Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công...

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách của Nhà nước về tăng cường đầu tư cho lĩnh vực hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cả về cơ sở vật chất và con người nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, đặc biệt là đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở hiện nay.

Qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, đại biểu cho rằng hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ở cơ sở chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế và kinh phí chi thường xuyên. Đội ngũ cán bộ y tế các cấp luôn phải làm việc rất vất vả. Trong đợt dịch bùng phát, đội ngũ y tế là những chiến sĩ nơi tuyến đầu làm việc với cường độ cao, không kể ngày đêm trong thời gian dài, đối diện với nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này lại rất thấp.

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết, các cử tri đại diện cho công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực y tế mong muốn, qua việc sửa đổi luật lần này cần có định hướng chính sách cụ thể đối với các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, cần ưu tiên bố trí ngân sách cho phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là y tế cơ sở tại những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, có chính sách ưu đãi, chính sách đặc thù về tiền lương, phụ cấp, chính sách bảo hiểm nghề nghiệp đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh./.

Minh Thành