Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện.
Trong khi đó, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 02 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, qua Báo cáo thẩm tra, thảo luận ở tổ có ý kiến cho rằng không cần thanh tra ở cấp huyện vì nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít. Qua thống kê thấy hàng năm số cuộc thanh tra do thanh tra huyện thực hiện không nhiều, trình độ nghiệp vụ hạn chế, số lượng cán bộ ít, bình quân chỉ có 5,2 người trên một cơ quan thanh tra. Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì đưa nhiệm vụ thanh tra cho thanh tra tỉnh làm có việc thì để Ủy ban Kiểm tra làm, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì để Ban tiếp công dân làm…thậm chí còn tính đến việc giảm được 1.426 người giữ chức danh Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra.
Cho rằng những lý do nêu trên là chưa sâu sát, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần có khảo sát xem có bao nhiêu người trong số hơn 700 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong cả nước nói không cần thiết phải có thanh tra cấp huyện. Đây là những người sát thực nhất, nắm tình hình, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác và sự cần thiết có hay không có của tổ chức thanh tra cấp huyện hiện nay và từ trước tới nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, không có thanh tra cấp huyện thì ai sẽ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phát hiện sơ hở, phát hiện vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là vi phạm những quy định của chính quyền cấp huyện ban hành? Theo đại biểu, phải đánh giá là thực trạng thanh tra cấp huyện làm được ít cuộc thanh tra chứ không phải nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít. Là do ít người, do thường xuyên luân chuyển nên trình độ chuyên môn hạn chế, lại quen biết nên hiệu quả thấp, do nể nang, xuê xoa, thậm chí còn không làm được theo đúng ý chí của mình, bản lĩnh của mình. Các nguyên nhân đó là lỗi của công tác quản lý bộ máy và chính quy định của luật.
Mặt khác, hằng năm thanh tra cấp huyện có ít cuộc thanh tra còn vì phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh. Nếu bỏ thanh tra cấp huyện thì phải có bộ máy thay thế, khi đó việc giảm biên chế, đầu mối ở cấp huyện lại là chuyện “đánh bùn sang ao”. Khi bỏ thanh tra cấp huyện, chuyển nhiệm vụ cho thanh tra tỉnh nhất thiết phải tăng biên chế, tổ chức phòng nghiệp vụ cho thanh tra tỉnh, vì vậy, vấn đề giảm biên chế ở cấp huyện so với tăng ở cấp tỉnh thì hiệu quả ra sao?
Hàng loạt vấn đề phải tính đến kèm theo được đại biểu chỉ rõ như: Chi phí đi lại cho hoạt động thường xuyên trên địa bàn huyện sẽ tăng thêm, sử dụng đội ngũ công chức thanh tra hiện hữu ở cấp huyện như thế nào, mối quan hệ công tác giữa thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra huyện trong xử lý cán bộ ở cấp huyện là đảng viên như thế nào? Những vấn đề này chưa thấy được đề cập đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động của dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Nhất trí cao với việc sửa đổi Luật Thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình ghi nhận, dự thảo Luật được xây dựng tương đối công phu và có nhiều điểm mới, tập trung vào các quy định về thanh tra nhà nước, làm rõ hơn các khái niệm pháp lý cơ bản về tổ chức và hoạt động thanh tra, nhận diện và giải quyết được một số bất cập về công tác thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Thống nhất với mô hình tổ chức thanh tra như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga làm rõ, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước rất cần một công cụ kiểm soát, kiểm soát quyền lực song song cả từ bên trong và bên ngoài hệ thống. Tuy nhiên, giữ mô hình này như dự thảo thì cần thiết phải tăng thẩm quyền của cơ quan thanh tra và đảm bảo tính độc lập tương đối trong thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra nhà nước là hoạt động trong hệ thống hành chính nên không thể có tính độc lập cao như các hoạt động tư pháp nhưng vẫn đòi hỏi phải có tính độc lập nhất định và rõ ràng khi thực hiện các nhiệm vụ thanh tra để bảo đảm khách quan, vô tư, bảo đảm không phụ thuộc vào đối tượng thanh tra, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Vì vậy, cần bổ sung thích hợp yêu cầu này ngay tại Điều 4 dự thảo về nguyên tắc hoạt động thanh tra và thể hiện hợp lý, tính độc lập trong hoạt động thanh tra trong các điều liên quan của dự thảo luật.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ thống nhất phương án vẫn tiếp tục duy trì cơ quan thanh tra cấp huyện. Đại biểu làm rõ, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì huyện là một cấp chính quyền quan trọng, phạm vi và thẩm quyền quản lý nhà nước rất lớn, nhất là trong thời gian tới, khi Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Trong khi thanh tra là một công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng. Cơ quan thanh tra cấp huyện không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo có những vụ việc rất cần cơ quan thanh tra kiểm tra xác minh, thậm chí là phải thực hiện thanh tra theo quy định. Nhưng nếu không có tổ chức thanh tra cấp huyện thì sẽ rất khó cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết, dễ dẫn đến những vi phạm. Mặt khác, nếu không tổ chức thanh tra huyện thì thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ của thanh tra cấp huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giảm bộ máy cũng không lớn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cần có tổ chức thanh tra để giúp Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thì cho rằng cần phải tinh gọn bộ máy làm công tác thanh tra, đẩy mạnh phân cấp và tăng cường thanh tra cấp cơ sở, thanh tra cấp trung ương; nên tập trung vào việc xây dựng thể chế, hướng dẫn tổ chức hoạt động và kiểm tra hoạt động của các cơ quan thanh tra cấp dưới. Tuy nhiên dự thảo Luật lại mở rộng việc thành lập các tổ chức thanh tra ở cấp trung ương và qua thẩm tra lại có phương án bỏ thanh tra ở cấp huyện. Trong khi đó ở cấp trung ương, ngoài thanh tra các bộ, hiện nay nước ta có tới 51 cơ quan thanh tra cơ quan trung ương đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó có 5 cơ quan được giao bởi các luật chuyên ngành, còn lại 46 cơ quan được giao theo quy định của Chính phủ. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc thể chế hóa quan điểm về bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Nghị quyết số 18 trong dự thảo luật.
Cơ bản đồng tình với việc phải có Thanh tra cấp huyện, song đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi huyện nào cũng có thanh tra. Đại biểu phân tích, trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước thì các quận, thị xã thuộc thành phố khác biệt rất xa so với các nhiều huyện miền núi từ quy mô, tính chất công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực và đến thu ngân sách khác biệt nhau rất lớn. Do đó, nếu xác định là đơn vị hành chính cấp huyện đều phải thanh tra là chưa nhất quán và phù hợp.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đại biểu Trương Xuân Cừ dẫn chứng thêm, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra từ năm 2010 đến nay, có nhận xét là hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện còn hạn chế, nhiều bất cập…thì đây là vấn đề thực tiễn cần được xem xét. Cùng với đó là thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của cấp huyện cực kỳ eo hẹp về biên chế. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại việc cứ đơn vị cấp huyện là có thanh tra.
Tranh luận lại với đại biểu Trương Xuân Cừ, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng việc lấy tiêu chí về thu ngân sách để xác định có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện cần đánh giá lại cho thật kỹ. Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh nguyên tắc “chỗ nào có cấp quản lý nhà nước thì phải có công tác thanh tra” và cấp huyện là một cấp quản lý nhà nước, cho nên có cơ quan thanh tra là hợp lý. Đại biểu cho biết thêm, cơ quan thanh tra ở đây không chỉ thực hiện các nhiệm vụ thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra mà hiện nay còn làm rất nhiều nội dung khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm thường trực của cơ quan phòng, chống tham nhũng và rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, các vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở. Do vậy, việc giữ lại mô hình thanh tra cấp huyện là hợp lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thiết thực, cụ thể, sâu sắc, rõ ràng, bao quát toàn diện các nội dung của dự thảo Luật. Các ý kiến cơ bản nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện luật này và nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đồng thời, phân tích sâu sắc kỹ càng những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có Báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu gửi đến các đại biểu theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022./.