Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Đóng góp ý kiến về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị cần thể hiện rõ khoản 1 Điều 4 với nội dung “Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Cùng với đó là trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.
Đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc ưu tiên chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, để đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật được thể chế theo đúng quy định của Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và quy định của Điều 68a Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.
Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên
Đồng quan điểm, đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng đề nghị cơ quan soạn thảo thể hiện rõ khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật về nội dung Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời đề nghị quy định cụ thể việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi trong dự thảo luật. Đảm bảo có quy định pháp lý rõ ràng, làm cơ sở cho việc chi trả nguồn kinh phí từ Quỹ bảo hiểm y tế để can thiệp và điều trị sớm cho trẻ em suy dinh dưỡng hiện nay. Theo đại biểu, đây chính là sự cụ thể hóa một phần nội dung Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu rõ, chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 dự thảo Luật đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nhà nước trong thực hiện chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm chính sách ưu tiên, chính sách đặc thù về khám, chữa bệnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định Điều 58 của Hiến pháp năm 2013, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm chính sách ưu tiên của nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn lực y tế và các chế độ chính sách đặc thù cho cán bộ, nhân viên y tế phục vụ tại vùng này.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, tạo việc làm trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, người ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế tại vùng này, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương.
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, thời gian vừa qua, nhiều y, bác sĩ đã xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác sau thời gian gắn bó lâu dài. Đó là sự mất mát rất lớn của ngành y tế. Đại biểu nêu rõ, nếu không đảm bảo đời sống, không có chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ không giữ chân được lực lượng này, gây lãng phí nguồn nhân lực và thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng y tế trong thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị cần có chính sách cụ thể để đãi ngộ phù hợp hơn, thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho ngành y tế. Đồng thời có các chính sách cụ thể để kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ này yên tâm công tác.
Mặt khác, đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, quy định "Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" còn chung chung, chưa rõ vai tro của Nhà nước và thị trường. Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chủ yếu đầu tư phát triển các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cơ bản, nhất là ở cơ sở những nơi có nhiều khó khăn. Đồng thời, phát huy vai trò của thị trường trong huy động và phân bổ các nguồn lực đầu tư cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cũng cho rằng, hiện nay cần nhìn nhận hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ cả khía cạnh an sinh xã hội và cả khía cạnh kinh tế thông qua việc sửa đổi Luật hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy thị trường dịch vụ khám, chữa bệnh phát triển để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhân dân, đồng thời góp phần tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó cần thống nhất nhận thức thông qua thị trường, cạnh tranh để các cơ sở khám, chữa bệnh không ngừng tìm cách giảm giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng, qua đó cơ sở khám, chữa bệnh cũng như người dân được hưởng lợi.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường dịch vụ khám, chữa bệnh phát triển, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư hoạt động khám, chữa bệnh; khuyến khích thu hút người nước ngoài đến Việt Nam hành nghề hoặc đến Việt Nam khám, chữa bệnh. Đồng thời cần quy định cụ thể hơn các chính sách của Nhà nước về tăng cường đầu tư cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cả về cơ sở vật chất và con người, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, nhất là đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở hiện nay.
Giải trình, làm rõ về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, Luật hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đã đưa ra nhiều chính sách của Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt cần phải nhấn mạnh hơn nhiều chính sách, nhất là chính sách liên quan đến các đối tượng khó khăn, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội và các chính sách khác bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bệnh cũng như là của người thầy thuốc./.