QUY ĐỊNH GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG THANH TRA BẢO ĐẢM KHẢ THI, HIỆU QUẢ

13/06/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra – một trong những nội dung mới và quan trọng của dự thảo Luật nhằm bảo đảm mục đích và yêu cầu của cuộc thanh tra, kiểm soát hoạt động của các thành viên Đoàn thanh tra

 

Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý, của trưởng đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì cuộc thanh tra và cả giám sát của đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Cho ý kiến về nội dung này, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về cơ chế giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để tăng cường hiệu quả của công tác này, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện; có cơ chế giám sát độc lập đối với hoạt động thanh tra; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra từ Điều 90 đến Điều 94. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về người thực hiện giám sát, chế độ làm việc, thẩm quyền... để tăng tính khả thi đối với quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phát biểu tại hội trường, cho ý kiến về quy định giám sát hoạt động Đoàn thanh tra tại Điều 90 đến Điều 94 dự thảo Luật, đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là cần thiết nhưng quy định giám sát hoạt động thanh tra đối với Thanh tra Sở, Thanh tra cấp huyện là không hiệu quả và hình thức. Đại biểu làm rõ, cơ quan thanh tra ở các Sở, thanh tra ở các huyện chỉ có biên chế từ 3 đến 5 người, khi tổ chức thanh tra thường do Chánh Thanh tra làm trưởng đoàn, thành viên còn lại tham gia làm thành viên của Đoàn thanh tra. Với số lượng người như vậy sẽ phân công ai giám sát hoạt động của thanh tra. Nếu có phân công công chức giám sát cũng không khách quan, không thực chất. Cho rằng cần cân nhắc lại quy định trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định theo hướng mở đối với Thanh tra Sở, Thanh tra cấp huyện tùy tình hình thực tế để tổ chức giám sát hoạt động ở của thanh tra.

Cũng theo đại biểu Tao Văn Giót, Hiến pháp năm 2013 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, cơ quan thanh tra, hoạt động thanh tra thuộc đối tượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành là việc đặc thù, quy trình giám sát chặt chẽ, đối tượng tham gia thanh tra rộng, kết luận thanh tra liên quan đến việc xử lý kinh tế và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Thực tế hiện nay, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đang giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các hoạt động thanh tra chuyên ngành. Việc chấp hành quy định của pháp luật và quy trình thanh tra, việc thực hiện kết luận của thanh tra do chưa có quy định cụ thể trong Luật Thanh tra nên trong thời gian qua chưa được giám sát, nhất là hoạt động thanh tra chuyên đề.

Đại biểu Tao Văn Giót – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Trong quá trình các Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, có nhiều ý kiến cử tri, doanh nghiệp phản ánh và kiến nghị Hội đồng nhân dân tăng cường tổ chức giám sát các hoạt động này, đảm bảo minh bạch, tránh nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tượng được thanh tra. Để có cơ sở pháp luật chặt chẽ cho hoạt động giám sát của các cơ quan Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với hoạt động thanh tra, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung được giám sát tương tự như đã quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Ngoài ra, đại biểu Tao Văn Giót cũng cho chỉ rõ quy định tại Điều 51 dự thảo luật về xử lý vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra còn rất chung, chủ yếu quy định về nguyên tắc, trên thực tế sẽ khó áp dụng. Để nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, trách nhiệm của Đoàn thanh tra, đại biểu đề nghị quy định cụ thể hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm, bổ sung quy định điều kiện, mức độ vi phạm qua thanh tra, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý để đảm bảo chặt chẽ và khả thi.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đánh giá cao việc dự thảo luật đã bổ sung Mục 7 Chương 4 từ Điều 90 đến Điều 94 quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung quy định bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám sát, đồng thời bổ sung quy định về việc xử lý trách nhiệm của các thành viên giám sát khi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, can thiệp trái quy định vào hoạt động thanh tra.

Đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị cần bổ sung thêm một chương quy định về công tác kiểm tra sau khi thanh tra hay gọi là công tác hậu kiểm để theo dõi về quá trình thực thi kết luận thanh tra và bổ sung thêm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định về đoàn thanh tra liên ngành, mối quan hệ công tác, quy chế báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra liên ngành để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra liên ngành./.

Bảo Yến - Phạm Thắng