Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo hình thức trực tuyến tới tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung chất vấn.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội, trong chương trình của phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phiên chất vấn có những nội dung tuy khác nhau nhưng đều cùng một mục đích là nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Đối với ngành tòa án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tới yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ góp phần làm cho tòa án trở thành thành trung tâm công tác của ngành tư pháp. Đối với ngành giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tới vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo của nhân dân.
Tại phiên chất vấn sáng 22/3, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về giải pháp khắc phục hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân ở Tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử; công tác chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án Nhân dân các cấp; biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử...
Trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về 8 chỉ tiêu đã nêu trong Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và công tác thi hành án 2013, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định: toàn ngành tòa án biểu thị quyết tâm cao nhất để thực hiện các nội dung đề ra.
Liên quan đến ý kiến chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương về số vụ án tham nhũng đưa ra xét xử còn ít, nhưng số bị cáo được tòa án cho hưởng án treo và hình phạt tù quá nhẹ còn chiếm tỷ lệ cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình giải thích: Tòa án chỉ xét xử những vụ án mà Viện kiểm sát đã đưa ra truy tố và có cáo trạng, trên cơ sở đó Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Tòa án mở phiên tòa xét xử. Việc các vụ án tham nhũng đưa ra xét xử còn ít hay nhiều liên quan đến trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát và việc phát hiện, điều tra của cơ quan điều tra.
Đối với việc xét xử cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao mà nhiều đại biểu phản ánh, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã ra nghị quyết và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra ráo riết, quyết liệt vấn đề này. Hàng năm Tòa án Nhân dân tối cao tiến hành nhiều lần thanh tra riêng về chuyên đề này. Mặt khác, việc xét xử của Tòa án căn cứ vào cáo trạng và việc truy tố của Viện kiểm sát. Những vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua đều áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu cầm đầu.
Xung quanh vấn đề án treo chiếm tỷ lệ cao, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết hầu hết số bị cáo được tòa án áp dụng mức án treo đều có căn cứ đúng pháp luật nhưng cũng có một số áp dụng không đúng pháp luật. Những trường hợp không đúng pháp luật đã bị tòa án cấp trên kháng nghị cấp phúc thẩm hoặc kháng nghị giám đốc thẩm để giải quyết vụ án theo đúng căn cứ pháp luật. Tất cả những trường hợp thẩm phán cho áp dụng mức án treo không đúng pháp luật đều bị tạm dừng việc tái bổ nhiệm để kiểm điểm.
Chánh án cho biết thêm hiện ngành đang xây dựng một nghị quyết mới để quy định chặt chẽ những điều kiện cho hưởng án treo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đối với nhóm tội tham nhũng nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Về việc đơn khiếu nại giám đốc thẩm dân sự chiếm tỷ lệ cao trong các vụ án, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, hiện nay với tình trạng đơn nhiều thì việc kháng nghị Giám đốc thẩm cũng rất nhiều. Mỗi năm tòa án chỉ có thể xem xét giải quyết được khoảng 200 vụ nhưng số lượng kháng nghị hàng năm lại gần 400 vụ nên dẫn đến tình trạng xét xử không kịp.
Liên quan đến vấn đề cán bộ ngành tòa án nhận tiền hối lộ, chạy án, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận: Hiện tượng đó là có thật và hàng năm ngành tòa án đều có báo cáo số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về kết quả giải quyết xét xử các vụ án hành chính thời gian qua, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, việc giải quyết các vụ án hành chính, chất lượng chưa cao và còn chậm, đó là một thực tế cần khắc phục vì đây là loại án khó. Trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ khắc phục tình trạng này.../.