Chỉ áp dụng hạn chế đăng ký thường trú ở nội thành

23/03/2013

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc áp dụng hạn chế đăng ký thường trú trên phạm vi toàn thành phố trực thuộc Trung ương là quá rộng vì vậy chỉ nên áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.

Chiều 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Dự kiến dự án Luật sẽ được trình Quốc hội (khóa XIII) thông qua tại kỳ họp thứ Năm.

Đối với quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức, còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Về quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo luật. Theo đó, giao cho Hội đồng Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định về diện tích bình quân để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương đối với trường hợp nhà thuê, mượn, ở nhờ.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng nên bãi bỏ quy định “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.”

Về quy định bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú, dự án luật đã bổ sung trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung trường hợp này vào dự án luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột. Bởi vì, trên thực tế có trường hợp con chưa thành niên có nguyện vọng và nhu cầu về ở với ông, bà hoặc người họ hàng thân thích khi bố mẹ ly hôn và bố mẹ đều đã kết hôn với người khác.

Về thời hạn của sổ tạm trú, dự án luật quy định sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn 12 tháng. Trước khi hết thời hạn tạm trú mười lăm ngày, công dân đến cơ quan công an đã cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp. Bởi vì trên thực tế, do nhiều lý do khác nhau, công dân cần phải tạm trú với các thời hạn khác nhau, người dân chỉ có nhu cầu đăng ký tạm trú đúng với thời hạn tương ứng tại nơi tạm trú.

Nếu dự thảo Luật chỉ quy định thời hạn là 12 tháng sẽ không phù hợp với yêu cầu của người dân và khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc việc sửa đổi nội dung này để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để dự án luật bảo đảm các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân trong cư trú, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới…/.

 

Phúc Hằng (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)