Trao đổi kinh nghiệm công tác dân nguyện Quốc hội

22/03/2013

Ngày 21/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo“Trao đổi kinh nghiệm về công tác dân nguyện của Quốc hội” đã được tổ chức.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội và cử tri tại Việt Nam” do Viện KAS (Đức) hỗ trợ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh: Bên cạnh nội dung về việc tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, một nội dung quan trọng nữa cần đổi mới được đặt ra là công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định rõ trong các quy định của pháp luật; được quan tâm tổ chức thực hiện trong những năm qua và mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy hiệu quả và chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Ông nhận định: "Chúng ta đã có nhiều cố gắng, từng bước nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, góp phần thúc đẩy hiệu quả và chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác dân nguyện vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu chính đáng của nhân dân; một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện."

Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội, tập trung vào những vấn đề như: Về nội dung, hình thức, cách thức tiếp xúc cử tri, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tiếp xúc cử tri; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri.

Các tham luận cũng nêu lên trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc chủ động tiếp xúc cử tri; giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu và chương trình hành động mà đại biểu hứa trước cử tri; về công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri; về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng đã góp ý vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 228 và 694./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)