Chiều 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên làm việc thứ 16 với việc cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Trước đó, ngày 26/2, dự án Luật này cũng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 15.
Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Quyền tự do cư trú là quyền quan trọng của công dân đã được quy định tại Điều 68 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 24 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật cư trú không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp và phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật cư trú lần này cần bảo đảm tính thống nhất với các dự án luật khác, nhất là dự án Luật hộ tịch, cần đơn giản hóa các giấy tờ, thủ tục đối với người dân.
Thực sự cần thiết mới cấm
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật và cho rằng đây là những vấn đề qua quá trình thực hiện cho thấy có những hạn chế, bất cập nhất định cần phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn về phạm vi sửa đổi, bổ sung, vì các nội dung sửa đổi, bổ sung này chưa thực sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, chưa tương xứng với yêu cầu, mục đích, quan điểm được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về việc bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 8 và khoản 10 Luật cư trú), Dự thảo Luật dự kiến bổ sung hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm quy định nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi.
Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung nghiêm cấm hai hành vi như dự thảo Luật vì cho rằng đây là những hành vi phổ biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú; việc bổ sung hai hành vi này làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý những hành vi trái pháp luật về cư trú.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nội dung quy định về hai hành vi bị nghiêm cấm này còn chưa rõ ràng, nội dung của việc giả mạo điều kiện này để được đăng ký thường trú là gì?
Liên quan nội dung này, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị làm rõ thế nào là “trục lợi” và hành vi phổ biến của nhóm người này như thế nào? Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, thực tế có trường hợp người có hộ khẩu thường trú ở thành phố cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để kiếm tiền bất hợp pháp.
Tuy nhiên, về việc cấm “cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng không cần thiết. Vì trên thực tế nếu họ có đăng ký mà không ở thì cũng không có vấn đề gì.
Người chưa thành niên đăng ký thường trú với người thân
Về bổ sung một số trường hợp được đăng ký thường trú, tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được đăng ký thường trú đối với người độc thân về sống với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột khi được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu.
Các ý kiến tán thành với việc bổ sung các trường hợp này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp người chưa thành niên còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.
“Bố mẹ ở quê nhưng điều kiện sống, học hành không bằng ở với người thân ở thành phố thì nên tạo điều kiện cho các cháu”, ông Hiện nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, nếu không có điều kiện ràng buộc như khi bố mẹ ly hôn và bố mẹ đều đã kết hôn với người khác thì sẽ dẫn đến tình trạng ào ạt lên thành phố, gây áp lực về tăng dân số cơ học, trường lớp, an sinh xã hội…
Về thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật cư trú), Khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật cư trú, theo đó quy định “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”. So với Luật cư trú hiện hành, dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 6 tháng.
Về vấn đề này, hiện vẫn còn các ý kiến khác nhau. Theo Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn này xuống 12 tháng. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ nào để xác định thời hạn nêu trên; thời hạn như vậy có đủ để người dân làm thủ tục thay đổi hay không; đồng thời, đề nghị cần đánh giá một cách toàn diện việc rút ngắn thời hạn như vậy đã thực sự giải quyết được vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành hay chưa. Ý kiến này đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 23 mà không sửa đổi quy định này
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về những vấn đề được nêu ra, vì đây là Luật quan trọng để cụ thể hóa quyền của công dân theo Hiến pháp và có ý nghĩa về nhiều mặt.
“Vấn đề sửa nhiều hay ít nằm ở chỗ có cần thiết không, đủ độ chín chưa và có sự thống nhất cao không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.