Tiếp tục phiên họp thứ 16, chiều 19/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.
Đến dự phiên họp có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn.
Theo tờ trình của Chính phủ, qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật phòng cháy chữa cháy đã thực sự đi vào đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy chữa cháy; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn dân. Số vụ cháy lớn đã giảm nhiều so với trước thời điểm Luật phòng cháy chữa cháy được ban hành (1%/1,7%).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Luật phòng cháy chữa cháy đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới, cụ thể: Luật phòng cháy chữa cháy chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Luật phòng cháy chữa cháy cũng chưa quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ nên ở những công trình này vẫn còn xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
Luật phòng cháy chữa cháy quy định về trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy ở cơ sở và khu dân cư chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác phòng cháy chữa cháy. Luật phòng cháy chữa cháy chưa có sự đầu tư từ các nguồn lực khác của xã hội.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết và nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, vì Luật phòng cháy chữa cháy ban hành đến nay đã hơn 10 năm, bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, phương án sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật mới chỉ giải quyết được một số vấn đề như: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cũng như quy định về ngành nghề, điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và các nội dung quy định về chế độ, chính sách, công tác bảo đảm cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung quy định vừa quá cụ thể vừa thiếu vì các trách nhiệm pháp lý đã được pháp luật quy định; điểm c mục 3a, khoản 1 Điều 1 không cụ thể, khó khả thi, vì công cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy cũng như hoạt động chữa cháy là rất rộng; theo quy định của điều luật thì chủ hộ gia đình khó xác định phải trang bị những công cụ, phương tiện gì cho gia đình và tham gia phòng cháy chữa cháy như thế nào để bảo đảm thực hiện đúng quy định của điều luật. Do đó cần nghiên cứu sửa đổi cho bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Góp ý về hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định tại mục b, điểm 1, khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 9a quy định: “người phụ trách chuyên môn của tổ chức hoạt động kinh doanh phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với ngành, nghề kinh doanh” (dịch vụ phòng cháy) là chưa cụ thể, chưa thể hiện rõ về tiêu chuẩn, điều kiện của đối tượng này; đề nghị cân nhắc làm rõ khái niệm kinh doanh phục vụ phòng cháy chữa cháy? Đồng thời, rà soát các luật có liên quan để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân.
Thảo luận về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên hỗ trợ thường xuyên cho đội viên đội dân phòng trong công tác phòng cháy chữa cháy. Bởi hỗ trợ thường xuyên sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương, nhưng phải có chế độ động viên kịp thời.
Các thành viên Ủy ban tthường vụ Quốc hội cũng cho rằng một số điểm, khoản trong dự án luật còn chung chung, chưa rõ ràng. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật để Luật thực sự là văn bản pháp lý cao nhất quy định về phòng cháy chữa cháy./.