Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến vào Đề án tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội; công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai trình bày cho thấy Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi trong hệ thống chính sách và quá trình phát triển kinh tế, một số quy định của luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo thống nhất với một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhiều vấn đề phát sinh chưa được điều chỉnh.
Theo Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng chỉ được đặt ra trên cơ sở xác định những vấn đề bức thiết, đòi hỏi sửa đổi kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Với quy trình xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp, Dự án Luật cần có quy mô sửa đổi toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cốt lõi nhằm tạo bước chuyển lớn trong sửa đổi chính sách.
Dự thảo Luật cho thấy một số nội dung đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 chưa được thể chế hóa, có thể phải tiếp tục sửa đổi Luật trong những năm tới, dẫn đến chưa đảm bảo sức sống lâu dài của Luật.
Các ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chỉ sửa đổi 7/16 Điều song có tới 6 nội dung giao Chính phủ quy định; trong đó có cả nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước... dẫn đến gia tăng các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết so với Luật hiện hành.
Để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của Luật, Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, cụ thể hóa các nội dung giao Chính phủ quy định, nhằm khắc phục tình trạng luật khung, luật chờ nghị định, thông tư, chậm đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số nội dung liên quan đến mức thuế suất, tiêu chí phân định hàng hóa, dịch vụ để áp mức thuế suất... cho phù hợp.
Đối với vấn đề ngưỡng doanh thu tính thuế, nhiều ý kiến chưa đồng tình với dự thảo Luật bởi dự thảo mới chỉ dừng ở việc xác định các nội dung có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu, điều kiện đăng ký tự nguyện, tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, dẫn đến tính minh bạch của chính sách chưa cao, chưa phù hợp về mặt thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Tờ trình của Chính phủ cũng chưa lý giải rõ ràng về căn cứ để đưa ra ngưỡng doanh thu dự kiến 1 tỷ đồng/năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu nội dung quan trọng mà Chính phủ chưa làm rõ được là ngưỡng đến 100 triệu đồng/năm thì không phải chịu thuế giá trị gia tăng và ngưỡng doanh thu để áp dụng phương pháp khấu trừ dự kiến 1 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đồng tình với nhận xét quy định như vậy chưa phù hợp, không nên quy định cứng mức doanh thu.
Đa số các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội tán thành với việc giữ nguyên 3 mức thuế suất 0%, 5%, 10%, chưa áp dụng thống nhất một mức thuế suất, song Chính phủ cần rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020. Các ý kiến cũng đề nghị dù thông qua tại một hay hai kỳ họp thì Luật cũng cần có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 để phù hợp với các Luật khác và năm tài khóa.
Tại phiên họp, Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối với việc đồng ý giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp; nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh phải tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, phải cải cách thủ tục hành chính với tinh thần tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư./.