ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH KHÓA XIV: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

23/03/2021

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, công tác xây dựng pháp luật được Ủy ban Tài chính – Ngân sách xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN).

 

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, cùng với những đổi mới về quản lý ngân sách và tài sản công theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan, trong bối cảnh nguồn thu NSNN tăng hàng năm có hạn, đặc biệt là thu cân đối của ngân sách trung ương bị hụt 3 năm/5 năm; nhu cầu chi tiêu lại tăng khá lớn (định mức chi thường xuyên tăng 20%; chi đầu tư tăng 10% so 5 năm trước), nhiệm vụ đặt ra cho Ủy ban Tài chính – Ngân sách khóa XIV là rất nặng nề. Đòi hỏi Ủy ban luôn phải tìm tòi, cập nhật, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cân đối sử dụng nguồn lực trước những sự thay đổi của nền kinh tế, tiếp tục hoàn thành tốt vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu những quyết sách quan trọng về tài chính, ngân sách cho Quốc hội, bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực và sử dụng nguồn lực NSNN tiết kiệm, hiệu quả.

Hình ảnh phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Công tác xây dựng pháp luật luôn được Ủy ban Tài chính – Ngân sách xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, NSNN. Nhiệm kỳ Quốc hội XIV, Ủy ban được phân công chủ trì nhiều dự án Luật có tính chất quan trọng, phức tạp như: Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết về sửa đổi khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước… Đây là những đạo luật có vai trò quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính theo Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công, tài sản công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Nhiều dự án Luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra, đã và đang phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, Luật Quản lý sử dụng tài sản công được ban hành đã bảo đảm luật hóa việc quản lý tài sản công theo Hiến pháp 2013 và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn phát sinh, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước làm đại diện chủ sở hữu phục vụ mục đích phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Luật Quản lý nợ công năm 2017 được nghiên cứu sửa đổi trong bối cảnh nợ công tăng nhanh nhưng sử dụng chưa thực sự hiệu quả, chỉ tiêu dư nợ công tiệm cận mức trần; bảo lãnh Chính phủ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Luật đã có nhiều đổi mới trong phân công, phân cấp phù hợp với tình hình thực tế đất nước và thông lệ quốc tế, quy định rõ phạm vi nợ công bảo đảm gắn với nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ (trung ương và địa phương). Việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công và đảm bảo nguồn ngoại tệ của Quỹ tích lũy trả nợ được kế thừa và tiếp cận hơn so với thông lệ quốc tế.

Luật Đầu tư công năm 2019 là bước đổi mới quan trọng trong quản lý các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công,...

Luật Quản lý thuế năm 2019 được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý thu ngân sách trong tình hình mới, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Luật đã có những sửa đổi đáp ứng yêu cầu thực  tiễn, trong đó, các nội dung về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác; trách nhiệm kê khai thuế; quản lý hoạt động chuyển giá đang thu hút sự quan tâm của dư luận…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 được ban hànhgóp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hiện nay. Luật đã quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng.

Tiểu ban Quyết toán, Kiểm toán của Ủy ban Tài chính - Ngân sách được giao phụ trách thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Bên cạnh các dự án Luật được giao chủ trì, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tích cực tham gia góp ý vào việc xây dựng và ban hành các Nghị quyết chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội và các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các Tỉnh, Thành phố. Đồng thời, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tham mưu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 973/ 2020/UBTVQH14 về “Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết 974/2020/UBTVQH14 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội quy định về lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm”, Nghị quyết về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; Nghị quyết kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 2025, Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…  Những cơ chế chính sách mới được ban hành đã góp phần hoàn thiện thể chế chính sách về tài chính - ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù chịu áp lực về thời gian, tiến độ và khối lượng công việc, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã hoàn thành có chất lượng và kịp thời nhiệm vụ được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội giao. Do có sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nên việc thẩm tra các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Các báo cáo của Ủy ban đã được cải tiến về hình thức, kết cấu, thể hiện rõ chính kiến về nội dung của dự thảo Luật, mang tính phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời đề xuất các phương án hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, đảm bảo kịp thời, đúng quy trình, bám sát các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, có chính kiến, có tính phản biện đánh giá sát thực những kết quả đạt được, những mặt hạn chế, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm đối với những yếu kém, sai phạm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời đưa ra phương hướng giải pháp giải quyết những vấn đề mới, những vấn đề còn nhiều vướng mắc hoặc có ý kiến khác nhau. Nhiều giải pháp mà Ủy ban đưa ra đã được Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các bộ ngành, cơ quan hữu quan tiếp thu. Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, xử lý kịp thời tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý thu chi ngân sách.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể lần thứ 31 (tháng 2/2019)

Tuy nhiên, hồ sơ trình dự án Luật và trình Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ở một số nội dung được chuẩn bị gấp, chưa đầy đủ; việc cung cấp tài liệu, báo cáo từ phía Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ còn chưa kịp thời, không thực hiện đúng quy định về thời gian trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới thời gian thực hiện hoạt động thẩm tra của Ủy ban không đảm bảo, không thể thực hiện khảo sát, nghiên cứu thực tiễn. Trong nhiều trường hợp, tài liệu chỉ được gửi đến các đại biểu khi bắt đầu phiên họp thẩm tra và thường là các văn bản dự thảo, chưa phải là báo cáo, tờ trình chính thức. Điều này ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công tác lập pháp của Ủy ban.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định trong những năm tới, thu, chi NSNN của nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thu NSNN chưa có bước đột phá mạnh mẽ, chính sách thu chậm sửa đổi, nguồn thu biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy yếu kinh tế của thế giới. Trong khi áp lực chi lớn để thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng và bảo đảm an sinh xã hội; việc đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy, cân đối NSNN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bối cảnh đó đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, kịp thời và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu đặt ra của từng thời kỳ.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong việc tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra những quyết sách quan trọng về tài chính quốc gia trong thời kỳ chiến lược mới, Ủy ban kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về quy trình thẩm tra, thời gian, trình tự, thủ tục tiến hành, nội dung thẩm tra; trách nhiệm của các thành viên, đại biểu tham gia thẩm tra. Có thể đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng của các dự án được đưa ra thẩm tra. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan thẩm tra với cơ quan soạn thảo trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự án.

Trong việc lấy ý kiến về dự án luật, pháp lệnh cần thu hút, khuyến khích các hiệp hội, cơ sở nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học vào việc đánh giá, phân tích, hoạch định chính sách pháp luật từ khâu đề xuất xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra đến chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Cần có cơ chế để đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, cơ quan, tổ chức và công dân trực tiếp tham gia thảo luận, tham gia kiến nghị về các vấn đề liên quan đến nội dung của dự án luật thông qua website của Ủy ban. Có biện pháp nghiên cứu, tiếp thu có hiệu quả ý kiến góp ý về dự án luật, pháp lệnh. Cùng với đó cần phối hợp chặt chẽ giữa giám sát của các Uỷ ban với các cơ quan kiểm tra, giám sát và các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp./.

Bảo Yến