Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về 06 nội dung theo quy định của các luật và nghị quyết của Quốc hội gồm Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Ủy ban tổ chức thực hiện các đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề tại một số tỉnh, thành phố và tổ chức 06 phiên giải trình về Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với Cách mạng về nhà ở giai đoạn 2013 – 2016; Về việc triển khai thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Việc tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế tuyến cơ sở; Trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. . Các nội dung giám sát, khảo sát, giải trình của Ủy ban đều là những vấn đề được cử tri, dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Nội dung và Kết luận các phiên giải trình được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng, kiến nghị của cử tri.
Công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thi hành luật được quan tâm, chú trọng hơn thông qua việc giám sát định kỳ hằng năm, rà soát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách, từng bước thiết lập được hệ thống theo dõi quy củ, khoa học. Ủy ban đã dành nhiều công sức thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết về kết quả giám sát của Quốc hội về các chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật được Ủy ban về các vấn đề Xã hội tổ chức năm 2019
Việc chú trọng tổ chức hoạt động giám sát, kết hợp khảo sát và lấy ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh, đồng thời tích cực tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề cử tri quan tâm của Ủy ban trong suốt nhiệm kỳ được đánh giá là thiết thực, góp phần nâng cao trách nhiệm các bộ ngành liên quan, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả hơn, đưa chủ trương chính sách pháp luật vào cuộc sống, mang lại quyền lợi chính đáng cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định. Thông qua việc triển khai các đoàn giám sát, khảo sát và tổ chức các phiên giải trình, Ủy ban đã có nhiều kiến nghị nhằm giải quyết cốt lõi các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chính sách theo quy định của luật, nghị quyết. Đồng thời, kết quả giám sát, khảo sát đã cung cấp căn cứ và định hướng cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; là thông tin, dữ liệu đầu vào giúp Ủy ban tham gia thẩm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước; các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chương trình hoạt động giám sát và tham gia vào việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Thông qua kết quả giám sát, khảo sát trong lĩnh vực lao động - việc làm (về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; về an toàn, vệ sinh lao động; chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm xã hội; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp…) đã đưa ra các kiến nghị cụ thể và thúc đẩy Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan thấy được những hạn chế, thiếu sót trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để kịp thời khắc phục, đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, qua giám sát, khảo sát cũng cho thấy những quy định pháp luật cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và đặt ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chính sách vĩ mô theo các lĩnh vực và nhóm đối tượng cụ thể. Đặc biệt, một phần của kết quả giám sát, khảo sát trong lĩnh vực lao động - việc làm đã giúp cho quá trình thẩm tra, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và là những dữ liệu thực tiễn sinh động, thuyết phục giúp cho Ủy ban trong quá trình tham gia, góp ý kiến hoặc tham mưu, dự thảo các văn bản của Đảng đoàn Quốc hội đối với các đề án, dự thảo nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về các chuyên đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực lao động - việc làm.
Phiên giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng của Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức năm 2016
Trên cơ sở kết quả Phiên giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2013 - 2016, Ủy ban đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách nhà nước trong 02 năm 2017, 2018 để thực hiện căn bản việc hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng (giai đoạn 2); đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung, chính sách hỗ trợ về nhà ở nói riêng để kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc, bất cập và bảo đảm thực hiện chính sách đồng bộ, thống nhất trên cả nước.
Qua kết quả Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật năm 2019, Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật để kịp thời đề xuất việc điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; đồng thời kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật nhằm thích ứng với thực trạng già hóa dân số và gia tăng số lượng người khuyết tật.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến khó lường, tác động và ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta, Ủy ban đã tham góp ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thống nhất đề xuất của Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ thúc đẩy duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân, doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời kiến nghị Chính phủ xác định rõ các loại đối tượng, đánh giá tác động thêm về hiện tại, trung hạn và dài hạn, cũng như bảo đảm nguyên tắc khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động. Đồng thời, trên cơ sở kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó nổi lên một số vướng mắc liên quan đến quy định chính sách dẫn đến việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là người lao động và hộ kinh doanh còn hạn chế, Ủy ban đã có những kiến nghị để Chính phủ điều chỉnh các quy định về điều kiện, thủ tục hỗ trợ các đối tượng này bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, thông qua 3 Phiên giải trình của Ủy ban về việc thực hiện thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, về y tế cơ sở và về tự chủ bệnh viện cũng như các Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, về việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 18/2008/QH12 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa để nâng cao sức khỏe nhân dân; các ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách nhà nước và các đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề, Ủy ban đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành hữu quan tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao y đức, giảm tải bệnh viện, bảo đảm an ninh bệnh viện, quản lý thuốc, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó lưu ý đến hành lang pháp lý trong quản lý trang thiết bị y tế, y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, dân số…, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, góp phần thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội.
Ngoài các hoạt động giám sát do Ủy ban chủ trì, Thường trực Ủy ban và các thành viên Ủy ban đã tích cực tham gia các Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội; phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, Ủy ban cũng tham gia thẩm tra bằng văn bản nhiều nội dung do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì.
Hoạt động giám sát của Ủy ban đã đi vào nề nếp và thực hiện thường xuyên, ưu tiên bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đáp ứng được ý kiến, nguyện vọng của cử tri, thúc đẩy việc hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Kết quả giám sát đã là những chất liệu tốt cho quá trình hoạch định chính sách của Ủy ban, Thường trực Ủy ban; đồng thời cũng cung cấp nhiều thông tin, số liệu, bằng chứng thực tiễn để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách./.