Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Hội đồng Dân tộc đã kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của các khóa trước, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, có nhiều đổi mới trong hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên cả ba chức năng, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao: Chất lượng tham gia thẩm tra các dự án luật được nâng lên; hoạt động giám sát, khảo sát được tăng cường, có trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, cấp thiết của cuộc sống được cử tri, đồng bào quan tâm; tích cực tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động đối ngoại tiếp tục được quan tâm; phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc có bước đổi mới, khoa học, sâu sát thực tiễn và hiệu quả hơn; phát huy được năng lực, sở trường của các thành viên Hội đồng Dân tộc và Vụ giúp việc, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Dân tộc.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ban hành 02 nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia, đó là minh chứng khẳng định thành công của Hội đồng Dân tộc khóa XIV.
Phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc
Từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2020, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức 12 phiên họp toàn thể. Nội dung các phiên họp tập trung vào việc nghe và tham gia ý kiến vào báo cáo về kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), việc thực hiện chính sách dân tộc (CSDT); tham gia ý kiến các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội và chương trình, đề án phát triển KT-XH vùng DTTS&MN; phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân. Qua các phiên họp đã giúp Hội đồng Dân tộc nắm rõ hơn về tình hình vùng DTTS&MN và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội, UBTVQH như: thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống; tình hình thực hiện các chính sách giảm nghèo, y tế, giáo dục, cử tuyển, công tác cán bộ người DTTS; tình trạng mai một, mất dần bản sắc văn hóa của một số DTTS; tình hình an ninh trật tự tại một số vùng đồng bào DTTS.v.v. Đồng thời, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã trao đổi, thông tin và giải đáp các ý kiến để các đại biểu hiểu rõ tình hình, nội dung vấn đề để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu tại kỳ họp Quốc hội và trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri ở địa phương. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, phải điều chỉnh phương thức hoạt động, việc tổ chức phiên họp Hội đồng Dân tộc gặp khó khăn nhưng Thường trực Hội đồng Dân tộc đã linh hoạt kết hợp việc lấy ý kiến của các thành viên bằng cách gửi dự thảo văn bản qua mạng, bưu điện với tổ chức phiên họp toàn thể tham gia ý kiến.
Trong công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra và cho ý kiến 60 dự án luật. Trong đó nhiều dự án luật có nội dung, phạm vi quy định liên quan đến CSDT, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng DTTS&MN; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến tham gia dự án luật.
Đặc biệt, với đề xuất, kiến nghị có căn cứ pháp lý, thực tiễn của Hội đồng Dân tộc và sự ủng hộ của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua tại kỳ họp thứ 9 đã bổ sung khoản 1 Điều 68a quy định “Hội đồng Dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội đồng Dân tộc thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm việc thực hiện CSDT. Kết quả đạt được đánh dấu bước tiến mới của Hội đồng Dân tộc trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi Hội đồng Dân tộc phải nâng cao năng lực, tập trung, phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả quy định của pháp luật.
Trong hoạt động giám sát, hằng năm, tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng Dân tộc chủ trì, tham gia phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung: Báo cáo của Chính phủ về KT-XH, về quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia xây dựng nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước hằng năm, phương án phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm kế tiếp và kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2018 - 2020 đối với vùng DTTS&MN
Hội đồng Dân tộc cũng đã chủ động trong việc xây dựng chương trình giám sát, khảo sát chuyên đề toàn khóa trên cơ sở xác định những vấn đề cấp thiết, tập trung giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, Hội đồng Dân tộc đã đề xuất và tiến hành 06 cuộc giám sát chuyên đề: (1) Kết quả thực hiện phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; (2) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng DTTS&MN giai đoạn 2006 - 2016; (3) Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS&MN giai đoạn 2010 - 2017; (4) Việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; (5) Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; (6) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2011 - 2020, đây là cuộc giám sát đầu tiên của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đối với lĩnh vực này.
Hội đồng Dân tộc tiến hành 04 cuộc với các nội dung: (1) Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010; (2) Việc thực hiện chính sách tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và ổn định dân di cư tự do ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; (3) Chính sách đối với người hồi hương từ Campuchia trở về Việt Nam; (4) Việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua giám sát, khảo sát, Hội đồng Dân tộc đã có 112 kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền; một số kiến nghị được Quốc hội đưa vào nghị quyết, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu.
Hội đồng Dân tộc đã thực hiện 02 phiên giải trình: (1) Kết quả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; (2) Việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Kết quả các phiên giải trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vấn đề dân tộc.
Năm 2019, Hội đồng Dân tộc được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS&MN giai đoạn 2012 - 2018”. Đây là nội dung giám sát rất quan trọng nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng vùng DTTS&MN, tình hình thực hiện các CSDT nói chung và chính sách giảm nghèo nói riêng đối với đồng bào DTTS, phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế. Qua giám sát, Đoàn giám sát đã kiến nghị những biện pháp nhằm cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng KT-XH; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 795/NQ-UBTVQH14, đây là nghị quyết rất quan trọng đối với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, vốn là vùng còn nhiều khó khăn, là “lõi nghèo” của cả nước.
Phiên họp của Đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”
Đặc biệt, thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước”, từ việc theo dõi, giám sát, đánh giá CSDT, Hội đồng Dân tộc đã tham mưu, đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả 03 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2016 - 2018. Ngày 12/10/2018, HĐDT có Báo cáo thẩm tra số 716/BC-HĐDT14, đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về CSDT như một Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018, trong đó có nội dung giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030. Trên cơ sở Nghị quyết số 88, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030. Đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia hể hiện đúng thẩm quyền Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Có thể nói, đây là quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội ban hành 02 nghị quyết riêng về lĩnh vực dân tộc, cũng là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là căn cứ để Nhà nước tăng cường đầu tư cho vùng DTTS&MN, tạo điều kiện để vùng này phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển cùng đất nước.
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội theo dõi lĩnh vực dân tộc; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị ở trung ương, tổ chức trong và ngoài nước; sự đồng thuận, tạo điều kiện của các địa phương và đặc biệt là sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của cử tri, nhân dân và đồng bào các dân tộc đã khích lệ, động viên Hội đồng Dân tộc trong các hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hội đồng Dân tộc đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, và các cấp, các ngành, vận dụng sáng tạo phù hợp tình hình thực tế; trên cơ sở nắm bắt kiến nghị của cử tri, xác định những vấn đề trọng tâm cần tập trung giải quyết, chủ động đổi mới phương thức hoạt động vừa phát huy trí tuệ tập thể Hội đồng Dân tộc, vừa huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ có hiểu biết, kinh nghiệm về lĩnh vực dân tộc; tăng cường, mở rộng các mối quan hệ theo các cơ chế, quy chế phối hợp kết hợp với tích cực thông tin tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm, tạo sự lan tỏa tích cực trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc. Ghi nhận các thành tích của Hội đồng Dân tộc , nhiều cá nhân và tập thể đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động và nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành./.