Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) là mối quan tâm hàng đầu; mô hình phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm đã và đang là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới tất cả các hoạt động xã hội và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, của lãnh đạo và chuyên viên của đơn vị phục vụ, giúp việc (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội), sự phối hợp trong công tác của các cơ quan liên quan và sự chỉ đạo sát sao của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt trong công tác giám sát, Ủy ban đã chủ trì thực hiện nhiều giám sát chuyên đề của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và của Ủy ban. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã hoàn thành kế hoạch giám sát đúng tiến độ, báo cáo bảo đảm chất lượng.
Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất
Các chuyên đề giám sát của Ủy ban đã lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp, được đông đảo cử tri quan tâm để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động giám sát, khảo sát, đảm bảo đúng nguyên tắc, hiệu quả. Các đoàn giám sát được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, huy động được sự tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của các vị đại biểu thành viên Ủy ban tại các vùng, miền; báo cáo kết quả giám sát, báo cáo chuyên đề được Ủy ban xây dựng công phu, nghiêm túc, khoa học, đánh giá sát thực các vấn đề đặt ra và đề ra được những kiến nghị, giải pháp cụ thể giúp cho việc hoạch định và thực thi chính sách về KH&CN, bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Ủy ban cũng đã tổ chức thành công các phiên giải trình, trong đó tập trung giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, có tác động lớn, tích cực đối với KT-XH của đất nước và các địa phương, góp phần công khai, minh bạch các thông tin về tình hình hoạt động, trách nhiệm, vai trò của các bộ ngành và đưa ra một số giải pháp hữu hiệu để xử lý các vấn đề quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm.
Trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước, đồng thời có sự đổi mới và ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát theo quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Ủy ban đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát, khảo sát tập trung vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, đông đảo cử tri quan tâm.
Qua hoạt động giám sát, Ủy ban đã xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, từ đó có kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đoàn công tác của Đoàn giám sát về “Thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” khảo sát thực tế tại chợ hải sản tại Hải Phòng năm 2017
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chủ trì phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về “Thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”; giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KH&CN thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm Ủy ban đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm để thực hiện các chuyên đề giám sát, qua đó đánh giá được tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần thiết. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Ủy ban đã tổ chức được 09 hoạt động giám sát chuyên đề. Đối với các chuyên đề giám sát này, Ủy ban đã ban hành Nghị quyết thành lập các đoàn giám sát, xây dựng đề cương nội dung báo cáo giám sát yêu cầu các bộ ngành, cơ quan hữu quan báo cáo; tổ chức nghiên cứu báo cáo của các Bộ, tỉnh, thành phố; tổ chức các đoàn khảo sát, giám sát; xây dựng báo cáo giám sát. Các nội dung này đều được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về giám sát thường xuyên, thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, hàng năm Ủy ban đều có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách, nhiệm vụ KT-XH hàng năm và quyết định phân bổ ngân sách trung ương, trong đó có nhiệm vụ, ngân sách cho KH&CN và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân
Đặc biệt kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khi Ủy ban đã chủ động giám sát những vấn đề phát sinh. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban đã tiến hành giám sát các vụ việc đột xuất hoặc các vấn đề phát sinh, nổi lên trong lĩnh vực KH&CN và bảo vệ môi trường như: Về sử dụng amiăng trắng; đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy; phát triển điện lực; sử dụng chất phụ gia trong nước mắm; xử lý chất thải trong chăn nuôi; ô nhiễm nguồn nước….
Theo đó, vào năm 2018, Ủy ban đã tổ chức phiên giải trình về “Thực thi chính sách pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi” tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, việc thực thi trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi.
Phiên giải trình về “Vấn đề sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam hiện nay” tập trung làm rõ cơ sở khoa học, pháp lý, cơ sở thực tiễn của vấn đề sử dụng amiăng trắng. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có liên quan xem xét một cách thật kỹ lưỡng đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.
Năm 2019, Ủy ban tổ chức Hội nghị giải trình về “Tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogypsum (Gyps) và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất”. Kết quả phiên giải trình đã đánh giá được tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, từ đó đề xuất Chính phủ và các cơ quan có liên quan rà soát, sửa đổi các quy định về cơ chế, chính sách trong quản lý tro, xỉ, thạch cao.
Qua tổ chức Hội nghị giải trình về “Giải pháp kỹ thuật phòng, chống sụt lún, sạt lở tại các tỉnh phía Nam”, Ủy ban đã đánh giá được tình hình sạt lở, sụt lún các tỉnh phía Nam và đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân của tình trạng trên và đề xuất các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sụt lún, sạt lở tại các tỉnh phía Nam.
Trong năm 2020, Ủy ban tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”. Kết quả phiên giải trình đã góp phần làm rõ được thực trạng về trữ lượng, chất lượng, diễn biến tài nguyên nước, công tác quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi, một số thách thức với an ninh nguồn nước; thực trạng quản lý an toàn hồ, đập và vấn đề đặt ra với công tác an toàn hồ đập tại các địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”
Các hoạt động giải trình tại Ủy ban đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành động của cơ quan nhà nước các cấp trong lĩnh vực mà Ủy ban được giao phụ trách. Phần lớn các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban trong các phiên giải trình sau đó đều được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, tiếp thu và tổ chức thực hiện.
Trong hoạt động giám sát, mặc dù được Ủy ban thực hiện thường xuyên và có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cao của tình hình thực tế, như vấn đề phát triển KH&CN phục vụ phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm, di dân tái định cư…; chưa tổ chức được các đoàn giám sát đầy đủ các vấn đề mới phát sinh, bức xúc, phức tạp của xã hội. Việc giám sát xử lý kết quả giám sát còn hạn chế nên nhiều vấn đề bức xúc về KH,CN&MT của địa phương mà đoàn giám sát kiến nghị còn chưa được giải quyết hoặc trả lời một cách thoả đáng.
Từ thực tiễn hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, trong công tác giám sát, lấy hiệu quả giám sát là thước đo, tiến hành khoa học, không hình thức, phô trương, lãng phí, bám sát đến kết quả cuối cùng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Xây dựng chương trình giám sát hàng năm, sáu tháng, hằng tháng; xác định rõ mục đích, nội dung và đối tượng giám sát; gắn hoạt động giám sát với nội dung của việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội và yêu cầu phát triển đất nước, tránh dàn trải, hình thức.
Những vấn đề đã được lựa chọn giám sát thì phải tổ chức thực hiện thật tốt, tổ chức thu thập thông tin qua những kênh độc lập để so sánh, đối chiếu phản biện nâng cao chất lượng giám sát, nghiên cứu sâu và toàn diện, có ý kiến kết luận và đưa ra kiến nghị, giải pháp rõ ràng, xác đáng sau các đợt giám sát.
Không ngừng nâng cao chất lượng giám sát; cải tiến cách thức tiến hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát; phát huy vai trò của các Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát tại địa phương.
Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan có liên quan đối với các kiến nghị của đoàn giám sát. Thực hiện kiểm tra sau giám sát nhằm tăng cường việc chấp hành pháp luật và ý kiến kiến nghị giám sát./.