ĐỀ XUẤT NGUYÊN TẮC THIẾT KẾ, TỔ CHỨC CÁC TIỂU DỰ ÁN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

19/05/2020

Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã đề xuất một số nguyên tắc cụ thể cho quá trình thiết kế, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tại phiên họp

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, các dự án được nêu trong Chương trình MTQG đã cơ bản bám sát theo nội dung Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, Chương trình MTQG có một số dự án, hợp phần có mục tiêu, đối tượng, nội dung trùng lắp, do các cơ quan khác nhau chủ trì, thiết kế và quản lý tổ chức thực hiện, sẽ gây khó khăn trong lập kế hoạch, triển khai thực hiện, thanh quyết toán vốn, tuân thủ chế độ báo cáo… chưa bảo đảm yêu cầu Nghị quyết số 88 của Quốc hội là cần tích hợp cơ chế, chính sách, giảm đầu mối quản lý, tránh chồng chéo, tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng, người dân. Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cơ cấu lại các tiểu dự án, các hợp phần theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, việc Chương trình MTQG quy định cụ thể, chi tiết về số lượng, chủng loại, cũng như nội dung, cách thức hỗ trợ, đầu tư cho từng hợp phần, tiểu dự án như đề xuất sẽ làm mất tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực tự vươn lên của người dân. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế, quy định lại theo hướng phát huy được tính chủ động của địa phương và người dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, hiện nay Chương trình MTQG chưa có các quy định mang tính nguyên tắc xuyên suốt quá trình thiết kế, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án. Do đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung các nguyên tắc cơ bản. Cụ thể:

Thứ nhất, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững: tập trung đầu tư, hỗ trợ trước cho các xã, thôn bản khó khăn nhất; các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc khó khăn nhất.

Thứ hai, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, chiến lược phát triển; điều kiện, đặc điểm, nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo người DTTS; đặc thù, thế mạnh của từng vùng miền; đặc trưng văn hóa của từng vùng và của các nhóm DTTS.

Thứ ba, đảm bảo công khai, dân chủ. Tiếp tục phát huy tinh thần công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Người dân được tham gia và quyết định trong lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng được hưởng lợi, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá.

Thứ 4, đảm bảo phân cấp trao quyền. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cơ sơ, đẩy mạnh phân cấp cho UBND xã làm chủ đầu tư; trao quyền cho cấp thôn, bản, quyền tự chủ cho cộng đồng.

Thứ năm, đa dạng hóa nguồn lực. Xã hội hóa các hoạt động phát triển kinh tế và cung cấp dịch vụ cho người DTTS thông qua việc phối hợp, lồng ghép với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan khác./.    

Thu Phương