Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại phiên họp
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tính đặc thù, không chỉ đơn thuần là thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội mà còn tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước.
Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình cần quán triệt một số phương châm. Cụ thể:
Thứ nhất, kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa hỗ trợ cho vay lãi xuất ưu đãi và hỗ trợ cho không với phương châm: “vừa cho cần câu, vừa cho cá” tiến dần tới “cho cần câu, phải tự câu cá”.
Thứ hai, từ thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm về đầu tư các công trình, cần phải quán triệt phương châm: “Dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”; “xã, thôn có công trình, dân có việc làm để tăng thu nhập”.
Thứ ba, do đặc điểm hộ đồng bào dân tộc thiểu số có số khẩu chênh lệch nhau giữa hộ này và hộ khác, giữa nhóm dân tộc này với nhóm dân tộc khác, vì vậy các khoản hỗ trợ trực tiếp hoặc đầu tư trực tiếp (có tính chất cho không) cần phải tiếp cận theo nhân khẩu.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, cần nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng, do vậy khi thiết kế dự án khả thi của chương trình cần xác định các ưu tiên.
Cụ thể là ưu tiên hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa được đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đảm bảo đời sống của đồng bào một cách bền vững; tăng các khoản vay vốn tín dụng với lãi suất phù hợp để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyết tâm của đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết hiệu quả những yêu cầu bức thiết của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Về cơ chế quản lý, điều hành, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, Chương trình giao Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban thường trực; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm Phó Trưởng ban; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan là thành viên.
Đồng thời, giao Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì quản lý chương trình; giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể cơ chế quản lý, điều hành Chương trình ở cấp tỉnh, cấp huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc các cấp trong tổ chức thực hiện Chương trình; giao Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo Chương trình cấp trung ương và chỉ đạo các địa phương xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chương trình cấp địa phương phù hợp với tình hình thực tế; giao Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình cấp trung ương quyết định thành lập Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia này, đặt tại Ủy ban Dân tộc, tham mưu cho Ban Chỉ đạo trong công tác quản lý, điều hành.
Để áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án của Chương trình, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết cơ chế đặc thù để thực hiện Chương trình, trong đó có quy trình rút gọn trong thẩm định nguồn vốn; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ; lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án của Chương trình và một số nội dung khác theo quy định của pháp luật hiện hành./.