NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC-NAM

19/05/2020

Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 08 dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã báo cáo cụ thể về những khó khăn mà Chính phủ đang gặp phải trong quá trình triển khai dự án này.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên họp

Tại phiên họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương liên quan có rất nhiều nỗ lực, cố gắng; tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tính khả thi và tiến độ hoàn thành dự án đã đề ra. Cụ thể:

Khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo kết quả sơ tuyển, 07/08 dự án thành phần có từ 02 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển; có 01 dự án thành phần (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư nào qua được vòng sơ tuyển. Các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh trong huy động vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ vốn tín dụng trong tổng mức đầu tư Dự án là rất lớn. Quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thế mạnh về tài chính không quan tâm, tham gia sơ tuyển Dự án.

Đối với 01 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển, theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018, Chính phủ quy định trong trường hợp sau 06 tháng không ký được hợp đồng tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Như vậy, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai ngay các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP trong năm 2021. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải hủy hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo đó, việc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án, phát huy hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế theo tiến độ đã đề ra tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 là rất khó đảm bảo và chưa thể xác định được thời điểm hoàn thành đưa vào khai thác.

Khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng cho dự án

Trong giai đoạn chủ trương đầu tư, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã nhận diện và báo cáo Quốc hội khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước sẽ khó khăn. Để giải quyết khó khăn về huy động tín dụng cho dự án, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp tín dụng cho Dự án.

Tuy nhiên đến nay, những khó khăn về huy động vốn tín dụng cho dự án không thể giải quyết được triệt để với các lý do sau:

Thứ nhất, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài,... trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này; đặc biệt là những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến chưa được xử lý nên các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn để tham gia tài trợ vốn đối với dự án.

Thứ hai, trong bước sơ tuyển, mặc dù nhà đầu tư đã có văn bản cam kết cung cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, tuy nhiên những cam kết này chưa có sự ràng buộc pháp lý; các tổ chức tín dụng chỉ cam kết về nguyên tắc, kèm theo các điều kiện như: nhà đầu tư phải trúng thầu, dự án phải bảo đảm khả thi về tài chính, nhà đầu tư phải đáp ứng đủ các điều kiện về cung cấp tín dụng và bảo đảm tiền vay, có hủy ngang và không có giá trị đòi tiền trong mọi trường hợp... 

Thứ ba, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đã và đang có rất nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai các giải pháp ứng phó với tác động của dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2020 về các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19; trong đó, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu,... nên hạn mức tín dụng cho vay trung và dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.

Đồng thời, cũng do tác động của dịch Covid-19, có một tỷ lệ khá lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, rút khỏi thị trường, tạm dừng kinh doanh, hoặc phá sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dẫn tới nguy cơ rủi ro đối với hệ thống ngân hàng là nợ xấu có thể gia tăng, tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro có thể được điều chỉnh tăng, theo đó khả năng cung cấp tín dụng dài hạn cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là không khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn. Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng; một số dự án đã ký kết hợp đồng để triển khai (như cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ký kết hợp đồng năm 2017, cao tốc đoạn Vân Đồn - Móng Cái ký kết hợp đồng từ tháng 9 năm 2018,...) nhưng đến nay vẫn chưa thể huy động được vốn tín dụng.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, với những khó khăn, vướng mắc nêu trên sẽ rất khó khả thi nếu tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP, cần có giải pháp kịp thời nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội đã đề ra, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta phải chịu tác động nghiêm trọng gây ra bởi dịch Covid-19./.

Thu Phương